Người Việt Nam ta vốn sống trọng tình trọng nghĩa. Từ tình cảm gia đình, tình bạn hữu đến tình yêu lứa đôi đều được trân trọng và biến tấu thành nhiều bài ca dao để đời cho lớp con cháu về sau. Từ lâu, người ta luôn ví tình cảm vợ chồng là một mối tình rất đẹp. Đẹp từ bản chất đến cách thể hiện của đôi lứa dành cho nhau. Chúng ta thấy thấp thoáng đâu đó tình yêu của người phụ nữa dành cho bạn đời của mình thông qua hình ảnh sau đây:
“Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.”
Đẹp như tình yêu của người phụ nữ
Phụ nữ Việt Nam nổi tiếng không chỉ bởi nhan sắc mặn mà mà còn bởi đức tính nhu mì nhưng lại chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng con. Phụ nữ sinh ra đã khổ, thân phận của họ vào thời xưa thường không được xem trọng nên phải chịu không ít thiệt thòi.
Nói về câu ca dao “Chồng em áo rách em thương”. Đúng vậy, đã lấy chồng thì dù người ấy có sang hèn, nghèo giàu hay xấu đẹp thế nào cũng vẫn thương. Ông bà ta chẳng bảo “Lấy gà theo gà, lấy chó theo chó” đấy hay sao. Nghĩa là khi bạn đã đồng ý thì bạn phải có trách nhiệm chấp nhận nó.
Có yêu mới có kết thành phu phụ. Và tình yêu phải trải qua nhiều dư vị, có cả cay, đắng, mặn, ngọt mới đơm hoa kết quả mà về được bên nhau. Phật nói “Tu trăm năm đổi một lần gặp gỡ, tu ngàn kiếp mới nên nghĩa vợ chồng”. Vậy thì tại sao chúng ta lại không trân trọng?
Ngàn năm là bao lâu, ngàn năm mới đằng đẵng đến nhường nào? Gặp nhau rồi nên duyên nên nợ, có vậy người ta mới không nỡ xa nhau. Chồng của em dù rách rưới, dù nghèo khổ thì cũng là chồng em. Đó là người mà em thương và cả đời em trao gửi.
“Chồng người áo gấm xông hương mặc người”
Chồng của người thì áo gấm rạng rỡ, xông hương thơm nức nhưng thế thì sao? Dẫu sao cũng là chồng người, mà chồng người thì có can hệ gì đến ta đâu chứ. Mỗi người mỗi số phận, sống trong cái nghèo mà có tính có nghĩa còn hơn giàu có mà sầu khổ suốt đêm thâu. Con người ta hay có tư tưởng “Đứng núi này trông núi nọ” nhưng liệu bạn có thật sự hài lòng khi đến “ngọn núi” mà bạn đã ao ước hay không? Hay sẽ lại nhiều lần mong mỏi về một nơi xa xôi khác?
Tình cảm vợ chồng thật đẹp biết bao, người phụ nữ chung thủy, son sắt, một lòng một dạ với bạn đời của mình. Họ cùng chồng vượt qua những nốt thăng trầm của cuộc đời, bên nhau đến răng long đầu bạc. Đời người ngắn ngủi có được bao nhiêu thời gian, tất cả đều sẽ hóa thành kỷ niệm. Nghĩa vợ chồng trăm năm bền chặt, nặng nợ yêu thương thì nên vì nhau mà cố gắng.
“Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu
Thương nhau đến lúc bạc đầu còn thương.”
Tình yêu có nên so sánh?
Tình yêu vốn không nên so sánh, tình cảm vợ chồng càng không. Phải ở trong hoàn cảnh người khác mới biết họ vui hay khổ, đâu phải cứ nhìn bề ngoài mà đoán được đời sống của người ta. Có đi đâu mà bằng nhà mình, có thương ai mà bằng chồng mình?
“Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.”
Thật vậy, đã thương nhau rồi thì xin thương cho trót và cùng nhau đồng cam cộng khổ. Chỉ cần là của mình thì có như thế nào mình cũng nên trân quý, còn đã là của người thì cũng không phải là thứ ta nên để ý. Người không bên ta lúc ta cơ hàn đói rách thì lấy cớ gì cùng tơ tóc lúc phú quý giàu sang? Ở đời, đâu cần quá tính toán.
“Chồng em áo rách em thương”
Người phụ nữ nào có mong ước gì quá xa vời. Họ chỉ mong có một tấm chồng tử tế, rồi vợ chồng ngày ngày cùng làm cùng sống, rau cháo nuôi nhau mà đầm ấm, ngọt ngào. Mơ chi lụa gấm nhà cao, cạn tình cạn nghĩa biết sao mà lường?
Nếu đã từng nuôi một giấc mộng giàu sang thì sẽ không chọn anh làm chồng. Còn bằng chọn anh thì dù rách rưới cũng đâu đành bỏ nhau. Chồng người dù có đẹp có sang cũng là của người ta. Mình sống mà nghĩ cho nhau, mặc kệ thế nhân vật đổi sao đời. Mình sống trọn với cái tình cái nghĩa trước sau như một.
Người vợ không so sánh vì họ trân trọng đoạn tình cảm này, dễ gì mà đến được với nhau. Thay vì tơ tưởng hạnh phúc của kẻ khác_một thứ khó đạt được thì ta nên vun vén hạnh phúc cho chính bản thân mình. Một kiếp người thật ra rất ngắn ngủi, mình đã gặp nhau thương nhau thì hãy trân trọng cuộc sống hiện tại. Chưa biết đổi một người khác có thật sự làm chúng ta trở nên tốt hơn hay không?
Nghệ thuật tu từ?
Ca dao xưa nay thường chuộng thể lục bát để diễn giải. Phần vì dễ đọc, phần vì gần gũi với người Việt Nam ta. Hễ là thơ ca lục bát, đọc vào sẽ dễ ấn tượng và nhớ ngay. Ngay cả những tác phẩm văn học tiêu biểu của nước ta như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên,…cũng sử dụng thể thơ lục bát.
“Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.”
Nghệ thuật so sánh và ẩn dụ cũng được thể hiện khéo léo trong câu ca dao trên. So sánh và ẩn dụ đan xen một cách hòa hợp và nhịp nhàng. Nghe đến áo rách là nghĩ ngay đến cái nghèo cái khổ, còn áo gấm xông hương thì thấy được sự giàu sang toát lên từ trang phục của người mặc. Rách rưới, bần hàn đối với gấm lụa giàu sang thật là một vế hình ảnh vô cùng chuẩn.
Mượn những hình ảnh này để tôn lên vẻ đẹp đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam ta. Thủy chung, son sắt một lòng, không ham hư vinh mà chối tình bỏ nghĩa. Qua đó, càng làm cho hình ảnh người phụ đã đẹp nên lại càng đẹp hơn.
Phụ nữ yêu chồng và tôn trọng người chồng của mình. Chồng có thế nào cũng là người mà mình đã chọn, vậy chỉ nên nhìn vào điểm sáng mà cùng xây đắp cho tương lai. Ở ngoài kia có biết bao nhiêu người, nếu cứ mãi so sánh thiệt hơn thì biết bao giờ mới được bình yên? Bạn là vai chính cho vở diễn của cuộc đời mình, vậy thì hãy sống vì mình và đừng quan tâm đến những vai phụ mờ nhạt xung quanh nữa.