Các bạn có yêu gia đình của mình không? Tôi tin rằng phần lớn câu trả lời chắc hẳn là có. Trong gia đình thì lại có nhiều mối quan hệ, quan hệ giữa cha và mẹ; quan hệ giữa cha mẹ và con cái; quan hệ giữa anh chị em với nhau,…Trong đó, tình cảm giữa anh chị em cũng là một mối quan hệ rất đẹp và đáng được người ta nhắc tới. Tôi yêu gia đình của mình, yêu tất cả những thành viên gắn liền với tuổi thơ một thời rong chơi chạy nhảy. Bây giờ lớn lên, tình cảm ấy vẫn không hề thay đổi. Cứ nghe câu ca dao văng vẳng bên tai là lại thêm một lần tự nhắc nhớ bản thân về cái nghĩa cái tình trong cuộc sống.
“Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”
“Anh em như thể tay chân”
Xét về mặt y học, anh em sẽ cùng chung huyết thống. Xét về mặt tình cảm, anh em gắn bó keo sơn. Đâu phải tự dưng mà người ta lại đem tay và chân để làm hình ảnh ví von cho tình nghĩa anh em. Đây cũng là một trong những hình ảnh gần gũi và dễ gợi nhớ nhất.
Mọi người có để ý không, người ta nói tay chân hay chân tay, rồi tay chân thế này, chân tay thế kia,…Hầu như lúc nào chúng cũng được đề cập song hành với nhau cả. Tay và chân đều là hai bộ phận khá quan trọng của cơ thể mỗi người, đảm trách gần như toàn bộ các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Chúng có mối quan hệ mật thiết, gắn kết và hỗ trợ cho nhau. Sẽ thật khó khăn nếu chúng bị tách ra riêng lẻ, khi thiếu đi một bộ phận chắc chắn hiệu quả làm việc cũng không cao.
Đó là lý do người xưa sử dụng hình ảnh tay chân để so sánh, anh em với nhau cũng như thế. Đã là anh em, tức là máu mủ ruột rà với nhau thì nên gắn kết cùng nhau phấn đấu. Anh em tuy hai mà một nên chia sẻ, đỡ đần cho nhau trong mọi việc. Dù là lúc hoạn nạn ốm đau hay lúc giàu sang vinh hoa cũng hãy bên nhau mà san sẻ. Anh là tay, em là chân nếu biết nhịp nhàng kết hợp thì kiểu gì cũng sẽ thành nên đại sự.
Lấy ví dụ dễ hiểu
“Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”
Không nói đâu xa, chỉ là một loại động vật bình thường như con ngựa thôi mà chúng còn biết quan tâm nhau, còn xót xa trên chính nỗi đau của đồng loại. Chỉ một con ngựa đau không chịu ăn là cả bọn nhất quyết không ăn. Mà chắc gì chúng đã là anh em, đã cùng một mẹ sinh ra đâu? Đó có khi chỉ là tình bằng hữu, tình đồng đội mà đã khiến những con ngựa kia buồn đau vì nhau như thế huống chi là anh em ruột thịt một nhà?
Dễ gì mới được sinh ra là người thân của nhau, mà đã trót gọi hai tiếng “người thân” thì chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với điều đó. Đâu cần phải là một cái gì đó quá lớn lao. Chúng ta dù nghèo vật chất cũng có thể chia nhau tình cảm, chỉ cần biết nghĩ đến tình nghĩa anh em mà không nề hà tính toán đã là một điều đáng quý rồi.
“Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”
Như thế đấy, anh em biết nghĩ tới nhau đã quý chứ đừng nói chi là chia sẻ vật chất cho nhau. “Rách lành đùm bọc”, dù giàu hay nghèo, dù sướng hay khổ cũng hãy nhớ chúng ta là anh em. Người xưa có câu:
“Lá lành đùm lá rách”
Câu này được nhắc chung hết cho toàn thể đồng bào cả nước chứ không riêng gì một mối quan hệ nào cả. Giữa người với người tình nghĩa làm cốt yếu, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và hoạn nạn. Đó là truyền thống tốt đẹp từ xưa của ông cha ta. Đây là những người quen thậm chí chưa quen còn đỡ đần nhau thì anh em ruột rà làm sao không thương cho được?
Ấy vậy mà có nhiều người lại đi ngược với đạo lý tốt đẹp đó. Người trong nhà thì họ tính toán so đo còn đối với người ngoài lại hết lòng giữ lễ. Đã là anh em thì nhớ “rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần” chứ có đâu lại lôi chuyện xấu trong nhà phơi bày cho thiên hạ hay biết. Anh em chẳng đỡ đần nhau mà còn chính là người ngày đêm rình rập để tìm điểm yếu của nhau thì biết phải làm sao?
Nếu phải hơn thua thì cần hơn thua với ai?
“Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.”
Chứ có khôn ngoan thì hãy thể hiện điều đó với người dưng nước lã, những người không can hệ gì đến gia đình có mình. Còn đã là gia đình, là anh em chung máu mủ thì hãy bênh vực, hỗ trợ nhau mà sống. Chỉ có gia đình ta, người thân của ta mới bên ta những lúc ta cần giúp đỡ nhất.
Người một nhà mà suốt ngày đấu đá, chia năm xẻ bảy chẳng những khiến song thân đau lòng mà còn để thiên hạ lên tiếng cười chê. Người ta sống với nhau, trân trọng nhau vì có tình cái nghĩa chứ chẳng phải vì những tiền tài, vật chất phù du. Tiền dù mất đi cũng có thể kiếm lại được nếu chúng ta có quyết tâm cố gắng, còn tình cảm đã phai nhạt thì rất khó trở lại như lúc ban đầu.
“Một giọt máu đào hơn ao nước lã”
Gian nan, sóng gió cũng không qua nổi sức mạnh của tình thân. Chỉ cần anh em đồng lòng thì chuyện gì cũng sẽ có cách giải quyết, khó khăn nào cũng có thể vượt qua.
Kết luận
Tình cảm gia đình là một tình cảm đáng trân quý và nên được giữ gìn và trân trọng. Nếu đã sinh ra là anh em một nhà thì mỗi chúng ta nên ý thức được rằng, máu trong người mình cùng chung một dòng chảy và mỗi chúng ta là người thân của nhau. Đã là người thân thì chuyện của anh cũng như chuyện của em, nên cùng nhau giải quyết và đỡ đần nhau. Cuộc sống có bao lâu mà không sống hết mình, nếu anh em ruột thịt mà còn xem nhẹ thì làm sao ai tin bạn sẽ chơi đẹp và sống tốt với người ngoài?
Hành động tạo nên cơ hội. Có thể vì bạn lơ là bỏ qua một mối tình cảm trong cuộc sống, bạn cho là không đáng mà sẽ vụt mất đi nhiều cơ hội lớn lao hơn. Sống có tình có nghĩa không ai cười, đó là cái đẹp trong sáng từ tâm hồn. Sống mà chỉ nghĩ cho mình, bỏ quên gia đình, nguồn cội thì mãi mãi chẳng thể trưởng thành.