Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp không ít những trường hợp khiến bản thân khó kiềm chế mà tức giận. Tuy nhiên, bạn không phải lúc nào cũng nổi giận được với người làm bạn mất kiểm soát mà lại trút hết cơn thịnh nộ lên đầu một người khác. Những trường hợp như thế không ít và nó ảnh hưởng rất nhiều đến độ bền vững của mối quan hệ.
Ông bà ta có câu “Giận cá chém thớt” cũng vì lẽ đó và muốn gửi lời răn dạy bổ ích cho thế hệ con cháu đời sau.
“Giận cá chém thớt”
Xét về nghĩa đen, câu tục ngữ này sử dụng hai hình ảnh quen thuộc với mọi người trong đời sống hàng ngày là “cá” và “thớt”. Muốn hiểu hơn về nó, chúng ta hãy liên tưởng đến việc làm một con cá sống trên thớt. Con cá luôn vùng vẫy, không chịu nằm yên khiến bạn vô cùng bực bội. Bạn không thể chặt trúng nó nên việc xả cơn giận đều dồn hết lên tấm thớt. Bạn ra tay chém những nhát thật mạnh xuống thớt nhằm để giải tỏa cảm xúc của mình.
Tương tự thế, nghĩa bóng của câu tục ngữ này vừa có ý phê phán vừa có ý nhắc nhở. Đôi khi, một người nào đó làm bạn tức giận nhưng vì một lý do mà bạn không thể phản bác lại họ, bạn thường có xu hướng trút giận lên một người khác chẳng liên quan. Tất nhiên, đây chỉ là hành động của những người chưa điều khiển được cảm xúc của mình và cần được nhắc nhở. Chúng ta đều biết đấy, tức giận là bản năng nhưng kiềm chế cơn giận của mình mới là bản lĩnh.
Việc bạn tranh luận gay gắt với nhau đã là không nên huống chi là việc trút giận lên đầu một người vô tội khác. Hành động đó khó có thể chấp nhận và sẽ để lại những hậu quả khiến bạn muốn hối hận cũng không kịp.
Câu chuyện thực tế
Tôi lấy một ví dụ thực tế mà đa số chúng ta sẽ thường gặp phải trong trường hợp “Giận cá chém thớt” này. Khi ba mẹ đang cãi nhau, nếu bạn tránh đi không kịp cũng sẽ bị mắng lây. Thậm chí khi họ đã cãi nhau xong rồi, bạn vẫn có thể bị mắng oan bất cứ lúc nào nếu tâm trạng họ còn chưa ổn định. Vậy đấy, cảm giác đột nhiên bị trút giận lên người trong khi mình chẳng làm gì sai thật không dễ chịu một chút nào.
Xem thêm bài viết tham khảo “Giận quá mất khôn”
Thông thường, sự nóng giận mất kiểm soát đều gây ra những hậu quả khó có thể lường trước. Lời nói vô tình đôi khi còn khiến người khác bị tổn thương huống chi là những lời trong lúc bản thân nóng giận. Có rất nhiều trường hợp do bị lời nói tác động mà con người ta phải nghĩ quẩn mà từ bỏ sinh mạng của mình. Dù trong trường hợp nào, sự nóng giận cũng gây ra những hậu quả tiêu cực và làm rạn nứt dần các mối quan hệ.
Đi làm, bạn bị cấp trên chèn ép, làm khó nhưng lại không có can đảm phản kháng lại họ. Vì vậy, bạn đem cơn bực tức đó về nhà và trút lên đầu vợ con. Thử tưởng tượng, vợ con bạn đã làm hết bổn phận và hết mực yêu thương bạn nhưng còn bị mắng nhiếc vô cớ. Những cơn thịnh nộ nổ ra thường xuyên và đến ngày “Giọt nước tràn ly”. Chính vì những điều tưởng như nhỏ nhặt bình thường như thế tích tụ từng ngày mà chúng ta rời xa nhau.
Hãy học cách kiểm soát mọi thứ
Chắc chắn rằng, việc kiềm chế cảm xúc là một trong những việc không dễ dàng và bài học kiềm chế rất khó để thực hiện. Thế nhưng, chúng ta cần nghĩ đến đahi cuộc mà cố gắng thêm một chút. Những lời nói trong lúc nóng giận mất kiềm chế chẳng bao giờ là “Lời hay ý đẹp” nên tốt nhất là chúng ta đừng nên nói ra.
Một đứa trẻ lớn lên có thể trở thành tên tội phạm giết người vì những lời nóng giận của người cha rượu chè lúc thơ bé. Chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra và đã xảy ra. Những lời nói tưởng chừng như chẳng ảnh hưởng gì nhưng lại giết chết cả một cuộc đời. Chuyện “Giận cá chém thớt” càng không nên xảy ra vì người bị trút giận hoàn toàn không có lỗi. Bạn càng thể hiện sự nóng giận vô lý của mình thì càng đẩy những người bạn yêu quý ra xa hơn, thậm chí là gặp những bế tắc không lối thoát.
Thật ra, cuộc sống xưa nay vốn bất công và nhiều chuyện không theo ý mình. Dù bạn có tức giận cũng không thể thay đổi được gì mà ngược lại còn chuốc họa vào thân. Nếu vì sự ích kỷ của bản thân mà gây ra những tổn thương cho những người xung quanh thì tốt nhất đừng làm. Nếu kiên trì, bạn nhất định sẽ kiểm soát được mọi thứ.
Nghĩ đến hậu quả trước khi nói
Bởi vì lời nói thốt ra là không thể rút lại nên ông bà ta cũng có câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để trong thời gian uốn lưỡi, bạn có thể suy ngẫm về những lời mình sắp nói ra. Một khuôn miệng xinh đẹp chính là luôn nói ra những lời dễ nghe, làm người khác cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Còn trường hợp biết lời mình sắp nói tổn thương đến người khác thì thôi không cần phải nói nữa.
Xem thêm bài viết tham khảo “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”
Nói tóm lại, nếu bạn muốn bớt đi những phiền phức trong cuộc sống và giữ cho những mối quan hệ được lâu bền hơn thì hãy học cách kiềm chế cảm xúc của mình. Học cách suy nghĩ về sự việc, lời nói và những hành động sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh. Đừng đem chuyện “Giận cá chém thớt” ra làm bia chắn vì nó là một thói xấu mà tất cả chúng ta đều nên sửa đổi. Khi hiểu được giá trị của những điều này, bạn mới có động lực để hoàn thành nó xuất sắc hơn.
Lời kết
Câu tục ngữ “Giận cá chém thớt” là lời nhắc nhở chung cho tất cả mọi người về cái hại của việc nóng giận vô cớ. Hy vọng rằng, chúng ta sẽ biết cách kiềm chế cảm xúc của mình và gặp nhiều chuyện vui hơn trong cuộc sống. Chiến thắng được bản thân mới chính là chiến thắng vẻ vang nhất.