Trong cuộc sống, lời nói đóng vai trò quan trọng và mang lại nhiều lợi ích nhất định cho người nói. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, nó cũng mang đến không ít phiền phức. Tục ngữ có câu “Mồm miệng đỡ chân tay”, những người khéo ăn nói luôn nhận được nhiều cái lợi hơn so với người vụng nói.
Quan trọng là, chúng ta cần hiểu được rằng đâu là lời thật lòng chân thành, còn đâu là lời nịnh bợ sáo rỗng của kẻ muốn trục lợi.
“Mồm miệng đỡ chân tay”
Có những người chỉ dựa vào giọng lưỡi khôn khéo để làm lợi cho mình, giả dối để được lòng người. Cái khôn khéo ấy của họ, cứ ở gần một thời gian thì sẽ dần nhận ra được. Vì sự thật luôn luôn là sự thật, chúng ta có che giấu đến đâu cũng có ngày lộ ra mà thôi. Tất nhiên, không ai ưa những người dẻo mồm mà tâm địa giả dối. Họ chỉ nói cho qua chuyện, đôi lúc bịa đặt để làm cho mình nhận được lợi ích nhiều nhất.
Rõ ràng, chúng ta có thể nhìn thấy những kẻ giả dối, xu nịnh làm hay nói những điều vô cùng chướng tai. Thật ra, tôi cho rằng câu tục ngữ “Mồm miệng đỡ chân tay” có nhiều ý nghĩa. Và một trong số đó là châm biếm những kẻ miệng lưỡi không xương. Họ nịnh bợ cấp trên một chút liền có ngay công việc nhàn hạ, họ biết nói lời tán thưởng dễ nghe liền được cho chút lợi lộc. Cứ như vậy, họ ăn quen làm tới và mãi mãi không khá hơn được.
Từ đó, cuộc sống luồn cúi và giả tạo bắt đầu. Dần dần, người ta còn không biết phân biệt đâu là thật và đâu là giả nữa. Nhưng sớm muộn gì, bản chất giả dối lâu ngày cũng lộ ra. Đến lúc đó, chẳng ai còn muốn giao du với một kẻ như thế cả.
“Giấy không gói được lửa”
Đúng là, giấy không thể nào gói được lửa, bản chất sớm muộn gì cũng có ngày lộ rõ. Những kẻ dối gian luôn tự cho mình là thông minh, họ nghĩ rằng mình có thể lừa gạt cả thế giới. Nhưng mà, “núi cao còn có núi khác cao hơn”, thông minh ắt sẽ gặp thông minh trị.
Xem thêm bài viết tham khảo “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”
Ở công ty tôi làm có một đồng nghiệp rất dẻo mồm dẻo miệng. Cô ta giỏi nịnh bợ cấp trên và không mất lòng đồng nghiệp. Tôi đã từng xem cô ta là bạn tốt, tâm sự cũng như chia sẻ lòng mình. Không những tôi mà hầu hết mọi người trong công ty đều bị cô ta giăng bẫy. Trước mặt, cô ta luôn biết nói lời hay, để cho người khác cảm giác tin tưởng. Nhưng sau lưng, có những chuyện đã không muốn nhắc lại.
Dần dần, sự thật cũng bị hé lộ. Mọi người đều bị cô ta nói xấu và lời ra tiếng vào với cấp trên. Khi biết sự thật, ai cũng sốc và bất ngờ vì cô ta che giấu khá giỏi. Bây giờ đây, cô ta nhận được gì ngoài sự xa lánh và chán ghét của đồng nghiệp? Hối hận cũng đã muộn màng, nếu cô ta lấy đây làm bài học để sửa sai thì còn cứu được. Bằng không. “ngựa quen đường cũ” biết bao giờ mới khá hơn.
Mặt nghĩa tích cực
Tuy nhiên, nếu những lời khéo léo được nói ra từ đáy lòng, thì lại rất có ích. Chúng ta có thể xem sự khôn khéo của mình như một khả năng trời ban và dùng nó để giải quyết nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tất nhiên rằng, ai cũng muốn nghe lời hay ý đẹp và tâm trạng sẽ tốt hơn khi được tiếp nhận những lời đó. Nếu lời dễ nghe có thể làm hòa giải một mối quan hệ đang căng thẳng thì còn gì bằng.
Ông bà ta cũng dạy “Kim vàng ai nỡ uốn câu/Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”. Rõ ràng, lời nói mềm mỏng và khéo léo chân thành luôn được người khác đón nhận. Nếu những lời nói đó mang ý tốt thì mọi chuyện đã rẽ sang một hướng khác rồi. Khi mâu thuẫn xảy ra, người ta có thể dùng sự khéo léo trong giao tiếp để hóa giải. Như vậy chẳng phải là “Mồm miệng đỡ chân tay” hay sao? Hoặc trong trường hợp tâm trạng buồn bã, những lời động viên tinh thần, động lực phấn chấn sẽ giúp ích rất nhiều cho người nghe. Lời nói tốt, đúng lúc sẽ có thể cứu một cuộc đời.
Khéo nói sẽ có được thiên hạ
Tôi có một người bạn rất khéo ăn nói, khéo léo một cách chân thành. Mỗi lần nói chuyện với anh ấy, tôi đều cảm thấy tinh thần phấn chấn và tâm trạng tốt hơn rất nhiều. Ai cũng yêu quý anh ấy bởi những gì mà anh ấy đã làm. Lời nói đi kèm với hành động, cách giao tiếp nói lên con người. Bất kể chuyện gì, anh ấy cũng chỉ cần nói vài câu là có thể giải quyết. Đôi lúc, tôi thật rất ngưỡng mộ và mong mình được một phần như thế. Chắc chắn rồi, giao tiếp là chìa khóa của thành công mà.
Xem thêm bài viết tham khảo “Kim vàng ai nỡ uốn câu/Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”
Thật ra, những người khéo miệng luôn luôn biết cách bảo vệ bản thân mình tốt hơn. Họ có thể giảm bớt mâu thuẫn, tránh nặng tìm nhẹ. Tuy nhiên, khéo léo hay khéo che giấu lời giả dối lại khác nhau. Người chân thành luôn được xem trọng, còn kẻ giả tạo sớm muộn cũng bị chán ghét và xa lánh. Có những kẻ chỉ chuyên nịnh bợ, nói những lời trái với lương tâm. Họ không xấu hổ nhưng khiến người nghe cũng phải xấu hổ.
Nhiều người cho rằng, chúng ta cứ nói chuyện ngay thẳng, không cần khéo léo vòng vo. Thẳng thắn là tốt nhưng trong vài trường hợp lại không mang hiệu quả tích cực. Ví dụ bác sĩ thông báo tin xấu cho người nhà bệnh nhân, báo tin buồn cho một người, chuyện nghiêm trọng,…chúng ta cần khéo léo một chút trong những trường hợp này để tránh tổn thương nặng thêm.
Lời kết
Nói chung, “Mồm miệng đỡ chân tay” là một lời răn dạy cũng như nhắc nhở của người xưa về cách đối nhân xử thế ở đời. Chúng ta nên biết đâu là tốt, đâu là xấu mà có cách ứng xử phù hợp. Không phải tất cả người tốt đều nói lời hay và ngược lại người xấu cũng vậy. Quan trọng là, bạn có thể vận dụng sự khéo léo của mình theo hướng tích cực, đẩy lùi khó khăn và những điều xấu xa.