“Cõng rắn cắn gà nhà”
Câu tục ngữ “Cõng rắn cắn gà nhà” chắc hẳn gợi cho chúng ta sự căm phẫn khi nghĩ về thời xa xưa, lúc quân xâm lược còn hoành hành ngang dọc. Phần lớn câu tục ngữ này được hiểu theo nghĩa đó từ xưa đến nay giống như một quy luật “bất di bất dịch”. Thế nhưng bên cạnh đó, nó cũng được dùng để phê phán những người kém “khôn ngoan”, tạo cơ hội cho người ngoài về hiếp đáp người nhà.
Giải thích câu tục ngữ “Cõng rắn cắn gà nhà”
Tương tự như mọi câu tục ngữ khác, chúng ta cũng sẽ phân tích nghĩa đen và nghĩa bóng của câu này. Thật vậy, “Cõng rắn cắn gà nhà” có thể được hiểu theo như giải thích ở câu sau.
“Rắn” được xem là con vật nguy hiểm, độc ác từ xưa đến nay. Nó cũng biểu trưng cho kẻ xấu hại người và trong câu này hiểu rộng ra là kẻ thù, là bọn giặc. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi trong ý thức của nhân dân ta, rắn bao giờ cũng được liên hệ với cái độc ác, nham hiểm. Rắn đổ nọc cho lươn, rắn đến nhà không đánh thì chắc chắn sẽ mang họa bởi chẳng bao giờ loài động vật máu lạnh này biết hiền hòa.
Còn “gà” là vật nuôi quen thuộc đối với chúng ta, gà cũng là con vật chăm chỉ, hiền lành thường cần được bảo vệ cũng như chăm sóc. Trong nhận thức dân gian, gà hay được biểu trưng cho tình anh em ruột thịt, ví dụ thông qua câu ca dao tham khảo:
“Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
Bởi vậy, người xưa khi kết hợp giữa “gà” với “nhà” để tạo thành tổ hợp gà nhà thì ý nghĩa đó càng thể hiện rõ. Một khi những người anh em thân thiết mà lại làm hại lẫn nhau, thì người đời sẽ chê trách là ”gà nhà bới bếp nhà”. Cho nên khi nói “Cõng rắn cắn gà nhà” thì ý nghĩa nổi bật lên đầu tiên là kẻ ác làm hại những người thân thích của mình.
Luồn cúi trước kẻ khác để hại người nhà?
Và mọi người có để ý rằng, câu tục ngữ “Cõng rắn cắn gà nhà” có một chi tiết cực hay và đắt giá nhằm phê phán một cách thẳng thắn những kẻ tội đồ. Tại sao người xưa lại dùng từ “cõng”? “Cõng” mang ý nghĩa là khom lưng đưa rước kẻ khác, luồn cúi trước kẻ thâm hiểm và dẫn dắt chúng về hãm hại người nhà. Như đưa kẻ xấu về hại người thân, đưa bọn giặc về giết chóc đồng bào. Kẻ tội đồ như thế chết bao nhiêu lần mới hết tội?
Trớ trêu thay, người nhà – người mình cần chăm sóc và bảo vệ vốn như là bổn phận lại không làm. Ở đây, họ còn đem loài rắn độc về để giày xéo, hãm hại thì còn gì để nói nữa? Kẻ đáng bị nguyền rủa như thế thì muôn đời sau cũng không bao giờ nhận được sự tha thứ.
Xem thêm bài viết tham khảo: “Ăn cháo đá bát”
Chưa kể đến, sự luồn cúi của họ còn khiến cho họ nhận lấy sự nhục nhã ê chề. Có người thân bên cạnh yêu thương mà lại không biết thương yêu lại, núp bóng chịu nhục dưới thân kẻ thù rồi cuối cùng nhận lại được gì ngoài sự xa lánh và nguyền rủa. Những tên bán nước, “Cõng rắn cắn gà nhà” vẫn còn trong sử sách, bị người đời phỉ nhổ và ghét bỏ từ thế hệ này sang thế hệ khác đấy thôi.
Tiếng xấu mãi vẫn còn đó
Chắc hẳn tất cả chúng ta đều biết về câu chuyện của nàng Mị Châu và Trọng Thủy. Rất nhiều người đã căm phẫn và cho rằng Mị Châu chính là kẻ “Cõng rắn cắn gà nhà”. Nói một cách công bằng, nàng chỉ làm theo tiếng gọi của con tim, nàng không hề biết người ngay bên cạnh lại chính là kẻ thù không đội trời chung. Thế nhưng suy cho cùng, nước mất nhà tan cũng tại vì nàng.
Mặc dù Mị Châu chẳng biết gì cả và cuối cùng cũng phải nhận cái chết bi thảm nhưng việc nàng gián tiếp “Cõng rắn cắn gà nhà” là không thể chối cãi. Thỉnh thoảng, người đời vẫn nhắc đến nàng với sự căm phẫn pha chút xót thương. Giá như người con gái ấy lý trí và bản lĩnh hơn thì kết quả đâu đau lòng đến thế.
Thế đấy, tiếng xấu còn vang mãi như thế, bao nhiêu thế hệ đều nhớ đến Mị Châu như người đã rước giặc về nhà chứ mấy ai còn tâm trạng xót thương cho một cả tin đến đáng trách. Tất cả đều đã qua, nước nhà đã lấy lại nhưng câu chuyện xấu kia cứ lưu danh mãi và ngàn đời sau, người ta vẫn trách móc Mị Châu hệt như thời bấy giờ.
Suy nghĩ thật kỹ trước khi làm
Chưa nói đến chuyện “rước” giặc ngoại xâm về xâm lược nước nhà, chuyện giúp kẻ xấu hại đến người thân đã là điều đáng trách. Thiếu gì câu chuyện “Cõng rắn cắn gà nhà” xảy ra trong đời sống hàng ngày mà chúng ta thường hay gặp phải. Chị em, anh em, người thân trong nhà xảy ra mâu thuẫn,…sẽ có trường hợp liên kết với người ngoài để hại người còn lại.
“Gà chung một mẹ chớ hoài đá nhau” đúng là triết lý mà mỗi chúng ta nên ghi nhớ. Chuyện người trong nhà mâu thuẫn là chuyện bình thường, mọi chuyện đều có cách giải quyết nên tốt nhất là hãy bình tĩnh. Đừng để bản thân phải làm những chuyện khiến mình hối hận và sự hối hận đó trở nên muộn màng.
Có thể bạn quan tâm: “Qua cầu rút ván“
Dẫn người ngoài vào lấy tiền của người thân, liên kết với người ngoài lừa gạt người thân, hại bạn thân vì người ngoài,…Tất cả đều là những chuyện bình thường trong đời sống. Thế nhưng, chúng ta đều không thể chấp nhận được những người như thế. Người nhà mà còn không giúp đỡ lẫn nhau huống chi nói đến người ngoài, lâu dần thì bản thân họ chỉ còn một mình và bị tất cả những người thân yêu xa lánh. Muốn bản thân không hối hận thì hãy nghĩ thật kỹ trước khi làm.
Lời kết
Câu tục ngữ “Cõng rắn cắn gà nhà” là một câu tục ngữ mà mỗi chúng ta nên ghi nhớ và thực hành. Người trong nhà nên yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, dẫu có lỗi lầm cũng nên bỏ qua và tìm cách giải quyết. Đừng gây ra những hành vi trái với đạo lý để bản thân hối hận cũng không kịp.