Tiết kiệm là rất tốt nhưng phải hiểu như thế nào là tiết kiệm đúng cách. Nhiều người tiết kiệm thái quá thành ra keo kiệt, mà kết cục của những người keo kiệt bao giờ cũng là mất nhiều hơn được. Người xưa có câu “Một lần ngại tốn, bốn lần chẳng xong” cũng là một trong những lời nhắc nhở khéo léo.
Việc gì đáng làm, nên làm thì cần đầu tư để làm chứ không nên tiết kiệm. Trong cuộc sống, chúng ta có thể tiết kiệm ở nhiều trường hợp nên không cần phải tiết kiệm thái quá. Bởi vì đôi khi tính lợi lại hóa ra hại, tính già lại hóa ra non.
“Một lần ngại tốn, bốn lần chẳng xong”
Đây cũng là một trong những câu tục ngữ quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Người ta lấy đó làm lời cảnh báo để xoay sở các công việc được thuận lợi hơn. Xét về nghĩa đen, câu tục ngữ này cũng khá dễ hiểu vì hầu như ý đều nằm trên mặt chữ. “Tốn” ở đây nghĩa là tốn kém, cả câu là vì ngại tốn kém mà phải làm đi làm lại, dây dưa hoá ra tốn kém hơn.
Nói một cách rộng ra, câu tục ngữ muốn phê phán những người có tính keo kiệt, làm việc gì cũng muốn thành công mà không chịu bỏ ra công sức hay chi phí. Đồng thời, đây cũng là lời nhắc nhở của người xưa dành cho những thế hệ đời sau. Không phải việc gì cũng cần tiết kiệm quá mức, biết cách tiết kiệm chi tiêu hợp lý thì mọi thứ sẽ được dung hòa một cách tốt nhất. Sự tính toán của chúng ta nói thế nào đi nữa cũng không qua nổi ông trời, nhiều yếu tố kết hợp lại thì mọi chuyện mới mong nhanh chóng thành công.
Những phú ông trong các câu chuyện châm biếm ngày xưa đều được gắn cho cái mác keo kiệt bẩm sinh. Ngay cả đối với bản thân mình, những phú ông còn tính toán không dám ăn, không dám mặc, bệnh không dám mua thuốc uống thì nói chi đến chuyện cho ai ăn được một đồng nào.
Tưởng lợi nhưng lại hóa hại
Ở gần xóm tôi có ông chủ nhà của ăn của để đầy đủ nhưng rất keo kiệt, mỗi lần làm việc gì dù lớn hay nhỏ ông ấy cũng tính toán rất dữ. Hôm nọ, nhà định xây một cái chuồng bò, xong việc xây chuồng cũng cần nhiều chi phí cho nguyên vật liệu và nhân công. Ông nghĩ đi nghĩ lại rồi quyết định chỉ xây chuồng bằng lá và cây gỗ tạm bợ, nhân công cũng chỉ thuê một người. Thế nhưng, sức một người lại có làm được đến đâu, cơm cho ăn thì khô khan, khó nuốt. Người nọ không chịu nổi đành bỏ dỡ việc không làm.
Cứ như thế, ông thuê lần lượt từng người này đến người khác. Mãi đến cả tháng sau, cái chuồng còn chưa cất xong mà cây lá đã muốn tan rã. Thêm nữa, mất tiền nhân công, mấy con bò chen chúc nhau bị muỗi cắn ốm tong teo và làm sập thêm một cái chuồng nữa. Lúc này, ông mới tá hỏa không biết giải quyết sao, hối hận vì sự ngu dốt của mình. Đúng là người xưa nói có sai đâu “Một lần ngại tốn, bốn lần chẳng xong”.
Bình thường, tiết kiệm bằng cách ăn mì gói, ăn vặt vạnh mà sống qua ngày đến lúc dạ dày bị đau, sức khỏe suy yếu mới biết hối hận. Bình thường, quần áo mặc toàn mua đồ cũ, đồ rẻ tiền, đồ kém chất lượng nên chúng cũng chóng hỏng buộc phải mua đi mua lại nhiều lần. Cứ như thế, chúng ta ngỡ mình tiết kiệm nhưng thật ra còn lãng phí hơn.
Chi tiêu hợp lý để không lãng phí
Câu tục ngữ “Một lần ngại tốn, bốn lần chẳng xong” đã phản ánh rất đúng thực trạng hiện nay. Trong xã hội, suy nghĩ của mỗi người là không giống nhau. Có người sống rất kham khổ, dè xẻn chi tiêu từng đồng còn có người lại sống một cách vô cùng lãng phí.
Tôi từng biết đến một người siêu tiết kiệm mà nói ra có thể bạn còn không tin, nhất là trong xã hội bây giờ. Trong mỗi bữa cơm hàng ngày, anh ta chủ yếu là ăn cơm còn thức ăn rất ít. Chỉ một quả trứng mà anh ấy dành phần ăn tận 3, 4 ngày. Thông thường, anh ta chủ yếu nhờ người này người kia mời ăn mà tranh thủ lót dạ trước, sau đến mỗi bữa sẽ tiết kiệm tiền cơm hơn. Cứ như vậy, anh ta dần khiến mọi người xa lánh và bị cô lập một mình.
Nghe có vẻ vô lý nhưng lại khá thuyết phục, vẫn còn tồn tại nhiều người như thế trong xã hội ngày nay. Họ khắt khe, keo kiệt với bản thân còn như thế huống chi là với người khác. Song song đó, những người lãng phí và sống thoáng cũng không ít. Một bữa ăn, họ gọi nhiều món nhưng không ăn hết, cứ lãng phí như thế. Trong khi, nhiều người không có cái để ăn. Ở đây, chúng ta nói về câu chuyện lãng phí và tiết kiệm chứ không phải dạy người giàu cách tiêu tiền. Cuộc sống luôn rất công bằng, chúng ta sống như thế nào thì sẽ tương lai sẽ gặp phải những điều tương tự như vậy.
Tiết kiệm đúng cách
Thời còn là sinh viên, tôi thật sự cảm thấy bản thân nghèo khổ đến mức chán nản. Mặc dù so với nhiều người còn chưa là gì nhưng chung quy cũng đã phải sống rất khổ sở. Sáng đi học, tối về làm thêm mà đồng lương ít ỏi chẳng đủ để trang trải. Mỗi tháng cứ tiền nhà, tiền ăn, tiền xe buýt, sinh hoạt phí,…đủ thứ tiền cần phải lo. Nhiều khi muốn mua vài cái áo mới cũng phải đắn đo suy nghĩ. Mà có phải mua đồ hiệu gì cho cam, chỉ là mấy cái quần cái áo ba bốn mươi nghìn bán đầy ngoài chợ.
Hậu quả của việc mua quần áo rẻ tiền là chúng nhanh hỏng và bạn phải mua đi mua lại nhiều lần. Chưa kể, chất lượng của những bộ đồ đó thật khiến người ta chịu không nổi. Vải thì nhăn nheo, chỉ thừa lung tung, giặt một hai lần là đã thấy khó có thể mặc lại. Nếu tính ra, mình tiết kiệm mua đồ rẻ mà lại mua nhiều lần thì có khi còn tốn tiền hơn là mua đồ chất lượng một chút.
Tuy vậy, tôi vẫn thi thoảng mua những bộ quần áo như thế vào bây giờ dù cuộc sống đã có phần cải thiện hơn. Một phần để nhắc nhớ mình về những ngày gian khổ, phần còn lại cũng là rèn luyện tính tiết kiệm của bản thân.
Lời kết
Tiết kiệm là tốt, chúng ta có thể tiết kiệm trong nhiều trường hợp nhưng không phải là tất cả. Tiết kiệm khác với keo kiệt nên bạn hãy phân biệt rõ ràng. Hy vọng rằng, sự tiết kiệm đúng đắn sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên thuận lợi hơn.