Bằng cách ví von “lời nói” như “gói vàng”, ông cha ta từng đúc kết “Lời nói gói vàng”. Câu nói răn dạy con cháu về giá trị của lời nói trong cuộc sống. Lời nói ở đây được coi trọng, quý giá như vàng.
Lời nói có thực sự đáng giá
Lời nói là lời ăn tiếng nói hằng ngày của chúng ta. Là phương tiện giao tiếp bằng ngôn ngữ, đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Ngoài việc thực hiện mục đích giao tiếp, lời nói không chỉ có giá trị về mặt ngữ nghĩa, mà còn mang trong mình thái độ, cảm xúc và hàm ý của người nói.
Vàng là một thứ vật chất quý giá. Chính vì nó đắt đỏ nên luôn được nâng niu, gìn giữ và trân trọng. Chỉ một lượng vàng rất nhỏ cũng đã có giá trị rất lớn. Ở đây, ông cha ta ví lời nói không chỉ với một mà là cả gói vàng. Điều đó cho thấy giá trị của lời nói rất được đề cao, cần phải giữ gìn nó như một vật quý giá. Bên cạnh đó phải biết cách sử dụng nó một cách hợp lí và hiệu quả.
Hằng ngày, con người quan hệ giao tiếp với nhau bằng lời ăn tiếng nói. Vì vậy, lời nói còn đóng vai trò quan trọng trong việc khởi tạo những mối quan hệ tốt đẹp. Nó là một trong những yếu tố mấu chốt xây dựng văn hóa giao tiếp của dân tộc. Người ta nói: “Lời nói gói vàng“, hiển nhiên không phải lời nói được bọc vàng hay nó nặng ngang bạc vàng. Lời nói là cái vô hình không phải vật thể rõ ràng mà có thể bọc chứa. Sở dĩ có sự ví von như vậy là vì lời nói chứa đựng những ý nghĩa quý báu. Một lời nói ra đúng lúc, đúng nơi đáng giá hơn cả bạc vàng.
“Lời nói gói vàng”
Một lời khuyên ngăn có lí, có tình có thể giúp một con người đang sa vào những con đường lầm lỡ quay đầu lại, giúp họ đi đúng con đường của mình, đưa cuộc đời họ ra ánh sáng mới. Một lời động viên an ủi cho những người không may, vấp phải khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống giúp họ có thêm nghị lực để vươn lên, thấy mình được quan tâm và hạnh phúc.
Rõ ràng, trong những trường hợp ấy, tiền hay vàng bạc không thể giúp được chúng ta. Mà chỉ có lời nói của con người dành cho nhau mới đem lại sức mạnh cảm hóa to lớn đến như vậy. Đôi khi lời nói còn giúp ta phân minh rạch ròi đúng sai. Nó giúp ta trả lại sự công bằng cho chính mình và lấy lại lòng tin từ mọi người. Nếu không có lời nói ta đành phải chịu oan uổng. Lời nói được sử dụng đúng hoàn cảnh và phù hợp mục đích giao tiếp mang lại nhiều giá trị cho chúng ta.
Lời nói là tiêu chí đánh giá con người
Lời nói là hiện thực trực tiếp của tư tưởng. Thế nên lời nói biểu hiện rõ và trung thực nhất thái độ, tâm hồn, tình cảm, học vấn của con người. Vì thế lời nói còn là phương tiện để ta hiểu rõ hơn về một con người.
Lời nói là ngôn ngữ riêng, mỗi người có vốn lời nói của riêng mình. Việc sử dụng chúng cũng hoàn toàn mang tính cá nhân, không ai có thể nói thay lời của bạn. Lời nói sẽ phản ánh trình độ văn hóa, đạo đức và phẩm chất bên trong mỗi người. Qua cách ăn nói người ta có thể đánh giá về bạn. Nếu không giao tiếp, không sử dụng lời nói của mình để khẳng định mình, thì dù có dùng tiền hay vàng cũng không thể mua được những đánh giá của người khác dành cho mình, không thể khẳng định bản thân trước mọi người.
Cùng một cảm xúc, một ý nghĩ nhưng mỗi người sẽ có những cách thể hiện khác nhau. Qua cách nói ấy, người ta sẽ có cách đánh giá, nhìn nhận con người. Ông cha ta cũng có câu: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Lời nói đại diện cho con người bạn. Trước khi có thể tìm hiểu bạn ở nhiều khía cạnh khác,lời nói chính là thước đo nhân phẩm.
Xem thêm: Ca dao “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”
Lời ăn tiếng nói thời 4.0
Thời kì công nghệ phát triển, thế nên lời nói của con người cũng được cải tiến trên nhiều phương diện. Nếu như trước kia, người ta chỉ có thể gặp nhau trực tiếp hoặc biên thư, gọi điện thoại thì bây giờ có thể giao tiếp trực tiếp ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào. Trí tuệ nhân tạo đã phần nào thay đổi tư duy cũng như cách hành xử của con người. Thế giới trở nên “phẳng”, mọi khoảng cách trong giao tiếp dường như được thu hẹp lại. Nhưng cũng chính vì vậy, con người ta lại quá dễ dàng buông lời, đánh mất chính bản thân mình. Đáng sợ hơn là làm ảnh hưởng đến người khác. Điều đó không chỉ diễn ra ngoài đời thực mà còn xuất hiện cả trên internet, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Mạng xã hội tuy là ảo nhưng nó lại là cuộc sống thứ hai. Nó song hành và có tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống thực. Đặc trưng của phát ngôn trên mạng đa phần là sự thoải mái, tự do, không bị kiềm chế bởi đối tượng tiếp nhận. Thế nên người ta có thể chửi bới, lăng mạ, sỉ nhục,… Hoặc ngược lại, tráng ca, tụng ca, hoan ca hết lời trước một hiện tượng nào đó thấy thích. Một đặc điểm của khá nhiều “cư dân mạng” là ưa thích những tin nóng, những tin gây sửng sốt, ngạc nhiên. Họ sẵn sàng “chia sẻ” và khoe mà không cần quan tâm thật, giả, nguồn gốc. Mặt trái của lời nói thể hiện rất rõ ở những phát ngôn gây hại trên mạng.
“Họa từ miệng mà ra”
Chúng ta nhớ lại trường hợp gần đây, chỉ một lời trên mạng bịa chuyện hai du khách nước ngoài vào một quán ăn phải trả 10USD cho một đĩa rau muống luộc. Thế là khách hàng đến đó vắng hẳn! Rồi chỉ một sự khích bác trên mạng ảo dẫn đến hai học sinh đánh nhau gây thương tích ngoài đời thật… Và những “thánh chửi” ồn ào ảnh hưởng xấu tới tâm hồn trẻ em non nớt. Rồi những lời thách thức khiến cho nhiều em nhỏ đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí là cái chết…!
Lúc này lời nói không còn là gói vàng nữa, mà thật sự là hiểm họa. Khi sử dụng lời nói khi chưa suy nghĩ đến hệ lụy, con người ta đã vô tình đánh mất chính bản thân mình và làm hại đến người khác.
Tham khảo thêm: Ca dao “Kim vàng ai nỡ uốn câu/Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”
Để lời nói của bạn thật sự là “gói vàng”
Như đã chia sẻ ở trên, lời nói là vô cùng quý giá. Vì thế việc sử dụng lời nói của mình sao cho hay, mang lại những ý nghĩa tốt đẹp cho mình và mọi người là rất quan trọng. Làm được điều đó không chỉ khiến bạn có “duyên” hơn mà còn khiến cho cuộc sống của bạn luôn yên bình, tốt đẹp.
Việc đầu tiên, đó là bạn phải đọc thật nhiều và hãy viết bất cứ lúc nào có thể. Nhất định phải luyện tập, luyện tập thật nhiều. Để lời nói của mình có thể trở thành gói vàng, bạn có sẵn sàng đứng trước gương độc thoại không?
Hãy kết giao với những người có khiếu ăn nói, có “duyên” trong giao tiếp. Khi làm bạn với những người như vậy, bạn hãy quan sát và học hỏi. Chắc chắn bạn cũng sẽ tiến bộ.
Hãy thay đổi chính bản thân mình bằng cách sẵn sàng quan tâm, sẻ chia, thông cảm với mọi người. Khi bạn có một tâm hồn vàng thì bạn sẽ có những lời nói vàng.
Và quan trọng hơn là “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” nhé! Trong những trường hợp nhạy cảm, với những người quan trọng, bạn hãy thật cẩn trọng. Đừng để bản thân mình phải hối hận vì đã lỡ lời.
Lời kết
Một lời nói hay phải đảm bảo ba tiêu chí: tính chính xác, đúng đắn và tính thẩm mĩ. Không khó để mỗi người trong chúng ta đều nói cho đúng, cho hay. Chúng ta có lòng tự trọng và trách nhiệm đối với mỗi lời nói thì chắc chắn lời nói ấy sẽ là gói vàng.
Tham khảo thêm:Ca dao “Nói chín thì làm nên mười/Nói mười làm chín kẻ cười người chê”