Phân tích vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ đang yêu qua bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh

admin Đề thi và Giải đề thi 5262 Views

5/5 - (1 bình chọn)

SÓNG – XUÂN QUỲNH.
ĐỀ BÀI: Phân tích vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ đang yêu qua bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh.
Dàn ý.

I. MỞ BÀI:
Xuân Quỳnh thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Xuân Quỳnh là nhà thơ của hạnh phúc đời thường. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của người phụ nữ giàu yêu thương, luôn khao khát tình yêu, trân trọng, nâng niu hạnh phúc bình dị, đời thường, nhiều trăn trở, lo âu. Sóng” được sáng tác năm 1967, trong chuyến đi thực tế tại vùng biển Diêm Điền, đây là một trong những bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ của Xuân Quỳnh. Bài thơ được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Bài thơ tiêu biểu cho phong cách Xuân Quỳnh, tìm hiểu bài thơ ta bắt gặp vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu với những biểu hiện thật tinh tế.

II. THÂN BÀI:
1. Với sự sáng tạo hình tượng độc đáo – hình tượng “sóng”, Xuân Quỳnh đã có cách độc đáo để khám phá vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Mượn hình tượng sóng để diễn tả khát vọng tình yêu là tứ thơ quen thuộc của thơ ca từ xưa đến nay:“Tình anh như sóng dâng cao – Tình em như dãy lụa đào tẩm hương” (Ca dao); “Anh xin làm sóng biếc – Hôn mãi cát vàng em” (Xuân Diệu). Nét riêng của bài thơ “Sóng” là kết cấu trên cơ sở tương đồng giữa sóng (biểu tượng cho tâm hồn người con gái đang yêu) và em (cái tôi trữ tình của nhà thơ). Hai hình tượng này có lúc phân đôi ra để soi chiếu vào nhau, có lúc lại đan cài, quấn quýt vào nhau, bổ sung cho nhau, nhằm diễn tả một cách mãnh liệt, sâu sắc khát vọng tình yêu đang cuộn trào trong trái tim người phụ nữ.

2. Qua hình tượng “sóng”, Xuân Quỳnh đã khám phá vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu với những cung bậc tâm trạng, cảm xúc thật đặc biệt.
Ở khổ đầu, Xuân Quỳnh nhờ sóng để nhận thức tình yêu trong lòng mình.
Dữ dội …………..tận bể

Sóng được biểu hiện ở những trạng thái trái ngược nhau: “Dữ dội” – “Dịu êm”; “Ồn ào” – “Lặng lẽ”. Đây là biểu hiện thường thấy của những con sóng ngoài biển khơi, lúc biển động phong ba, sóng “ồn ào”, “dữ dội”; khi trời yên biển lặng, sóng “lặng lẽ”, “dịu êm”. Những đối cực ấy đôi khi thật rõ ràng, có thể dự báo trước, nhưng nhiều lúc cũng khó đoán, thất thường và hết sức bất ngờ. Tâm hồn người con gái đang yêu cũng như sóng vậy, lúc hờn ghen, giận dữ, lúc nhẹ nhàng, dịu dàng, lắng sâu. Tình yêu là vậy nó vốn mang trong mình những đối cực, mâu thuẫn nhưng đó là những mâu thuẫn thống nhất, biểu hiện của một trái tim chân thành, mãnh liệt.

Hành trình tìm về biển lớn của con sóng cũng giống như trái tim người con gái đang yêu không chấp nhận sự ràng buộc nhỏ hẹp, tầm thường. Trái tim ấy luôn hướng tới cái cao cả, lớn lao, vươn tới một tình yêu đích thực, có sự đồng điệu trong tâm hồn. Người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh tìm đến tình yêu thật chủ động và tự tin, thật mạnh mẽ, vượt qua mọi rào cản để đến với một tình yêu đích thực.

Từ nhận thức tình yêu trong lòng mình, nhận thức giá trị đích thực của tình yêu, Xuân Quỳnh mượn hình tượng sóng để khám phá quy luật vĩnh hằng của tình yêu.
Ôi con sóng……………ngực trẻ

Sóng vĩnh hằng với thời gian, con sóng ngày xưa và ngày sau vẫn thế; từ ngàn xưa, sóng đã xôn xao vỗ vào bờ đá, cho đến ngàn sau, sóng vẫn vậy, muôn đời vẫn thế. Cũng như sóng, khát vọng tình yêu là khát vọng muôn thuở của nhân loại, khát vọng mãnh liệt nhất của tuổi trẻ. Khát vọng tình yêu là khát vọng vĩnh viễn của con người, con người sống không thể thiếu tình yêu, còn tồn tại là còn yêu.

Từ những con sóng biển, tác giả đã liên tưởng đến khát vọng tình yêu, và “khi tình yêu đến”, như một lẽ thường tình, con người có nhu cầu tìm hiểu, cắt nghĩa tình yêu trong lòng mình. Người con gái đnag yêu trong bài thơ “Sóng” cũng thế:
Trước muôn trùng ………………..yêu nhau?

Xuân Quỳnh đã mượn sóng để cắt nghĩa tình yêu, nhưng chỉ có thể lí giải “Sóng bắt đầu từ gió”, vậy còn “Gió bắt đầu từ đâu?”, Xuân Quỳnh không trả lời được nên chỉ còn tự thú sự bất lực của mình một cách dễ thương, như cái lắc đầu đáng yêu: “Em cũng không biết nữa – Khi nào ta yêu nhau?. Ca dao xưa có câu: “Gió sao gió mát sau lưng – Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này”, Đến cả “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu cũng phải thốt lên : “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?” thì chúng ta mới thấy rằng tình yêu còn một bí ẩn đầy sức mời gọi. Nay Xuân Quỳnh đã bộc lộ một cách dễ thương, hồn nhiên, ý nhị mà sâu xa. Tình yêu cũng như sóng biển và gió trời, làm sao mà hiểu hết, nó cũng hồn nhiên, tự nhiên như thiên nhiên và cũng bất ngờ, khó hiểu như thiên nhiên.

Sóng luôn vận động như tình yêu gắn liền với những khát khao, trăn trở không yên. Người phụ nữ đang yêu da diết nhớ nhung, Xuân Quỳnh đã thể hiện nỗi nhớ trong tình yêu bằng những lời nồng nàn, tha thiết:
Con sóng …………còn thức

Tình yêu thường gắn với nỗi nhớ, nhất là khi xa cách. Nhưng đó không phải là nỗi nhớ nhẹ nhàng mà là nỗi nhớ mãnh liệt, cồn cào, khắc khoải như những đợt sóng biển triền miên vô hồi, vô hạn, bao trùm không gian, chiếm trọn mọi thời gian: “Ôi con sóng nhớ bờ – Ngày đêm không ngủ được”. Mượn sóng vẫn chưa đủ, chưa thỏa, nhà thơ còn trực tiếp bộc lộ nỗi lòng: “Lòng em nhớ đến anh- Cả trong mơ còn thức”. Nhớ đến cả trong mơ, quả là một nỗi nhớ thường trực, choán đầy cõi lòng, không chỉ ở trong ý thức mà nhớ cả trong tiềm thức, “cái thức trong mơ” là sự thật của cõi lòng.

Tương lai, hạnh phúc đang ở phía trước nhưng với trái tim nhạy cảm của người phụ nữ, nhà thơ sớm nhận ra sự hữu hạn của thời gian, đời người, sự mong manh, khó bền chặt của tình yêu. Biển dẫu rộng, thoáng chốc mây đã bay về tận chân trời:
Cuộc đời …………bay về xa

Chính ý thức lo âu về sự phai tàn trong tình yêu, Xuân Quỳnh đã đưa ra lối ứng xử tích cực và “sóng” cũng giúp cho nhà thơ nói lên khát vọng được sống trọn vẹn, hết mình trong tình yêu:
Làm sao ………….còn vỗ

Thông thường, những lo âu về sự hữu hạn, nhỏ bé của đời người dễ dẫn đến những hành động tiêu cực, thất vọng, chán chường. Nhưng với Xuân Quỳnh, nhà thơ không chán nản, tuyệt vọng mà trái lại càng khao khát được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân thành “trăm con sóng nhỏ” để vĩnh viễn hóa tình yêu của mình, để nó sống mãi với thời gian, nhịp bước cùng năm tháng.

3. Bài thơ thể hiện rõ sức sống tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Tình yêu mà Xuân Quỳnh thể hiện trong bài thơ là một tình yêu thiết tha, nồng nàn, đầy khát vọng và son sắt, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của thời gian đời người.
Người phụ nữ đang yêu trong thơ Xuân Quỳnh rất mạnh dạn, chủ động, dám vượt qua mọi trở ngại, gian lao; lo âu trước sự hữu hạn của thời gian nhưng tin vào sức mạnh của tình yêu; hướng tới một tình yêu bất diệt. Khát vọng ấy lại đi liền với khát khao về mái ấm gia đình, sự gắn bó lâu bền, thủy chung, duy nhất. Đó là quan niệm tình yêu vừa thấm đẫm chất hiện đại, vừa phảng phất nét truyền thống của người phụ nữ phương Đông.

III. KẾT BÀI:
Sóng là bài thơ tình hay nhất của Xuân Quỳnh nói riêng và thơ VN nói chung. Mặc dù sử dụng “sóng” làm hình tượng ẩn dụ thì không mới, nhưng những tâm sự về tình yêu cùng cách khai thác sức chứa của ẩn dụ này lại có những nét thực sự mới mẻ. Xuân Quỳnh quả đã tìm được một hình tượng thơ đẹp đẽ để giãi bày tình yêu dịu dàng mà mãnh liệt, gần gũi, riêng tư mà mở rộng, phóng khoáng của người phụ nữ.

ĐỀ BÀI: Theo nhà nghiên cứu Hà Minh Đức, bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh “đã thể hiện một tình yêu có tính chất truyền thống của tình yêu muôn đời nhưng vẫn mang tính hiện đại của tình yêu hôm nay”.
Anh/ chị hãy bình luận ý kiến trên.
Dàn ý.
I. MỞ BÀI:
– Xuân Quỳnh:………..
– “Sóng”:………………..
– Dẫn dắt ý kiến.
II. THÂN BÀI:
1. GIẢI THÍCH Ý KIẾN:
– “Sóng” của Xuân Quỳnh thể hiện “một tình yêu có tính chất truyền thống của tình yêu muôn đời”: Đó là tình yêu của người người phụ nữ cổ điển, mang tính xa xưa, kế thừa những nét đẹp của người phụ nữ trong xã hội cũ: sự kín đáo, dịu dàng, nỗi nhớ nhung, tấm lòng thủy chung son sắt, niềm tin trong sáng vào một tình yêu bất diệt.
– “Sóng” của Xuân Quỳnh còn thể hiện một tình yêu “mang tính hiện đại của tình yêu hôm nay”: Đó là tình yêu của người phụ nữ hiện đại táo bạo, mạnh mẽ, hết mình trong tình yêu, không ngượng ngùng mà chân thành, bộc trực, thẳng thắn, bứt phá khỏi những quan niệm cổ điển.
2. “Sóng” của Xuân Quỳnh chính xác là một bài thơ như vậy! Tình yêu trong bài thơ vừa là “một tình yêu có tính chất truyền thống, muôn đời”, vừa “mang tính hiện đại của tình yêu hôm nay”.
a. Trước hết, “Sóng” là bài thơ thể hiện một tình yêu có tính chất truyền thống của tình yêu muôn đời.
– Người phụ nữ đang yêu trong bài thơ có tâm hồn nhạy cảm, biến thiên cũng như những con sóng ngoài biển khơi: lúc hờn ghen, giận dữ (như sóng biển “dữ dội”, “ồn ào”); lúc dịu dàng, nhẹ nhàng, lắng sâu (như sóng biển “dịu êm”, “lặng lẽ”). Tình yêu là vậy, nó vốn mang trong mình những đối cực, mâu thuẫn nhưng thống nhất, biểu hiện của một trái tim đang yêu chân thành, mãnh liệt:
“Dữ dội…………… lặng lẽ”.
– Khi đang yêu, ai cũng thấy được quy luật vĩnh hằng của tình yêu. Sóng luôn vận vĩnh hằng cùng thời gian cũng như khát vọng tình yêu là khát vọng muôn thuở của con người, nhất là tuổi trẻ cháy bỏng, hết mình trong tình yêu:
“Ôi con sóng………………….. ngực trẻ”
Từ quy luật cuộc sống, Xuân Quỳnh đã khẳng định một chân lí: Khát vọng tình yêu là khát vọng vĩnh viễn của con người, con người sống không thể thiếu tình yêu, còn tồn tại là còn yêu. Thomas đã nói: “Hãy để trẻ em nói cái ngon của kẹo ngọt, hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu”.
– Như một lẽ thường tình, khi yêu, con người luôn có nhu cầu cắt nghĩa tình yêu trong lòng mình. Xuân Quỳnh cũng vậy, mượn “sóng” để cắt nghĩa tình yêu, nhưng không thể trả lời được tình yêu bắt đầu từ lúc nào? Một thoáng ngập ngừng, băn khoăn, bối rối, mơ hồ không thể giải thích được, Xuân Quỳnh bộc lộ sự nữ tính, đáng yêu của chính mình:
“Sóng bắt đầu……………. ta yêu nhau?”
– Nỗi nhớ muôn đời là cung bậc cảm xúc vốn có trong tình yêu. Nỗi nhớ choán đầy cõi lòng luôn là một biểu hiện không thể thiếu của một trái tim yêu. Trong bài thơ, người con gái cũng bộc bạch nỗi nhớ của mình khi xa người mình yêu. Trước Xuân Quỳnh, nhiều thi sĩ khác cũng thể hiện nỗi nhớ người yêu trong tác phẩm của mình. Ca dao xưa có câu: “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi – Như đứng đống lửa như ngồi đống than”. Xuân Diệu lại viết: “Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh – Anh nhớ em. Anh nhớ lắm em ơi!”. Còn bây giờ, Xuân Quỳnh bộc bạch:
“Con sóng…………… còn thức”
– Tâm hồn người phụ nữ đang yêu còn hướng tới phẩm chất cao đẹp trong tình yêu, đó là sự gắn bó lâu bền, thủy chung, khát khao về một mái ấm gia đình đong đầy, trọn vẹn:
“Ở ngoài kia…………. cách trở”
Con sóng luôn khao khát tới bờ cũng như “em” luôn khao khát có anh, tình yêu của người con gái ở đây vừa thiết tha, mãnh liệt, vừa trong sáng, giản dị, thủy chung, duy nhất. Người con gái đang yêu trong thơ Xuân Quỳnh luôn phơi phới một niềm tin vào hạnh phúc, tương lai, tin vào cái đích cuối cùng của tình yêu.
Đó là nét truyền thống trong quan niệm tình yêu của thi sĩ Xuân Quỳnh.
b. “Sóng” cũng mang “tính hiện đại của tình yêu hôm nay”.
– Người phụ nữ đang yêu trong thơ Xuân Quỳnh tìm đến tình yêu một cách chủ động: “Sông không hiểu………….. tận bể”. Đây chính là nét hiện đại đầu tiên của một người phụ nữ. Không chịu đựng sự gò bó, chật hẹp, không cam chịu một tình yêu vô vị nhạt nhòa, người phụ nữ tự tin hướng tới cái lớn lao, cao cả. Một tình yêu thật mạnh mẽ, dứt khoát. Sóng đâu thể hùng vĩ, rì rào khi ở trong giới hạn của dòng sông. Cũng như người phụ nữ đâu thể sống hết mình, yêu hết mình với một tình yêu bình thường, nhỏ nhoi. Ở đây, người đọc thấy được khát khao về một tình yêu cao thượng, chân chính phập phồng trong tim người con gái.
– Sự mạnh dạn, chủ động bày tỏ những khát khao yêu đương, mãnh liệt, những rung động sâu kín trong lòng mình cũng là biểu hiện của một tâm hồn hiện đại:
“Lòng em…………. còn thức”
Nhớ đến cả trong mơ, quả là một nỗi nhớ thường trực, choán đầy cõi lòng, không chỉ ở trong ý thức mà nhớ cả trong tiềm thức, “cái thức trong mơ” là sự thật của cõi lòng.
– Dù có âu lo trước sự hữu hạn của thời gian đời người, nhưng người phụ nữ ấy vẫn vững vàng, tin vào sức mạnh của tình yêu:
“Cuộc đời……….. bay về xa”
– Quan niệm về tình yêu mà Xuân Quỳnh thể hiện trong bài thơ là một tình yêu hết mình, yêu đến quên mình, khát vọng sống trọn vẹn trong tình yêu. Người phụ nữ muốn hóa thân vào tình yêu muôn thuở, nghĩa là “vĩnh viễn hóa” tình yêu của mình để tình yêu ấy sống mãi cùng thời gian, nhịp bước cùng năm tháng:
“Làm sao……………… còn vỗ”
Đó là nét hiện đại trong quan niệm về tình yêu của Xuân Quỳnh.
3. ĐÁNH GIÁ Ý KIẾN:
– Ý kiến trên của nhà nghiên cứu Hà Minh Đức là một ý kiến hoàn toàn đúng, đánh giá chính xác, toàn diện tinh thần bài thơ “Sóng” và chủ ý của Xuân Quỳnh khi viết bài thơ này.
– Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ cũng là một trong những thành công lớn của Xuân Quỳnh: Thể thơ năm chữ phóng túng khi ngắt nhịp, phối âm, gợi lên ấn tượng nhịp sóng biển lúc dào dạt, sôi nổi, lúc sâu lắng, dịu êm. Đó cũng là những cung bậc sóng lòng thiết tha, rạo rực của tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Hình tượng ẩn dụ độc đáo, đầy sáng tạo: Sóng và em.
III. KẾT BÀI:
“Sóng” là một bài thơ đặc sắc, góp phần to lớn vào đề tài tình yêu của thơ ca hiện đại Việt Nam.
HOÀNG KHÁNH DUY.

HostvnDownload Unikey Xem thêm: Download tải WinRAR 5.31 mới nhất 2016 Full Crack Windows XP/7/8/10, Download tải WinZIP 20 phần mềm tốt nhất cho nén file 2016, Dạy Học mat xa, dạy massage body, Mi Katun