Mất bò mới lo làm chuồng

Phạm Kim Thoa Ca dao tục ngữ thành ngữ 6168 Views

3.7/5 - (3 bình chọn)

Trong cuộc sống, chúng ta thường hay gặp những sự việc xảy ra bất ngờ không lường trước được. Những sự việc đó gây ra nhiều tổn thất, làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của bạn. Nhưng đôi khi, những biến cố có thể dự đoán trước sẽ xảy ra nhưng chúng ta chủ quan bỏ qua thì thật đáng tiếc.

Người xưa có câu “Mất bò mới lo làm chuồng”, đợi chuyện xảy ra rồi mới hối hận cứu vãn thì đã quá muộn.

“Mất bò mới lo làm chuồng”

Câu thành ngữ chỉ kẻ không biết lo liệu đề phòng trước, để việc hỏng rồi mới ứng cứu, lo liệu phòng thân. Đến lúc đó, mọi chuyện đã xảy ra rồi và không thể cứu vãn nữa. Đây cũng là bài học xương máu cho tất cả chúng ta và nên nhớ lấy nó để rút kinh nghiệm cho những lần sau. Câu thành ngữ “Mất bò mới lo làm chuồng” được bắt nguồn từ một câu chuyện ngụ ngôn như sau.

Mất bò mới lo làm chuồng

Mất bò mới lo làm chuồng

Nhà kia tích cóp mua được con bò đẹp, ưng lắm, chăm bẵm suốt ngày. Tối đến, chủ nhà dắt bò buộc vào gốc tre cạnh nhà. Thằng trộm mấy lần rình, đợi khi cả nhà ngủ say, nó tháo dây thừng dắt bò đi mất. Sáng ra ngủ dậy không thấy bò đâu, nhà kia tức lắm. Người hàng xóm sang chơi thấy vậy bảo:

– “Chẳng là bác không có chuồng để ngăn kẻ trộm, chứ buộc vào gốc tre thì nó dắt mất là phải.”

Nhà kia nghe ra cho là phải, bèn đi mua cột cây về dựng giữa vườn một cái chuồng bò. Vừa làm anh ta vừa nói:

– “Phen này thì thằng trộm kia đó mà dắt được bò của ông đi.”

Người hàng xóm sang, cả cười:

– “Bác mất bò rồi thì làm chuồng làm gì cho phí công, phí của.”

Người mất bò lúc ấy mới mới ngớ ra mình làm gì còn bò nữa mà làm chuồng, đành lại dỡ xuống.

Tình trạng bình thường trong cuộc sống

Câu thành ngữ “Mất bò mới lo làm chuồng” giống như một tình trạng bình thường trong cuộc sống mà ai trong số chúng ta cũng rất dễ mắc phải. Vì tính chủ quan mà biết bao người phải khóc than cho hoàn cảnh của mình. Nhà cửa để lỏng lẻo, không có ổ khóa nên trộm vô tư vào lấy hết đồ; không lo học hành nên thi rớt kì thi quan trọng; ăn chơi cờ bạc nên tiền của mất hết lúc nào chẳng hay;…Còn vô số những trường hợp tương tự như thế tồn tại trong cuộc sống mà chúng ta vẫn chưa rút được kinh nghiệm cho mình.

Xem thêm bài viết tham khảo “Ăn không lo của kho cũng hết”

Hồi hàng xóm kế bên nhà tôi chăm chút nuôi gà nhưng lại bị lũ chó quấy phá làm suýt tiêu tan cả đàn. Mấy lần, cha tôi gợi ý làm lại cái hàng rào lưới xung quanh để che chắn lũ gà con nhưng hàng xóm chỉ giả lã cười. Một sáng nọ, cả nhà đang ngủ thì nghe tiếng kêu la thất thanh. Hỏi ra mới biết, cả đàn gà đã bị mấy con chó hoang giết sạch hết. Lúc này, nước mắt rơi cũng đã muộn màng rồi.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường hay mắc phải những sai lầm tương tự như vậy. Sự chủ quan hay lười biếng phút chốc thường để lại những hậu quả khôn lường. Mỗi một tổn thất dù nhỏ cũng gây xáo trộn và ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn. Vì vậy, chúng ta tốt nhất nên cẩn trọng với tất cả mọi chuyện.

Đừng để sự hối hận biến thành muộn màng

Chúng ta nên có bước chuẩn bị và dự liệu về mọi chuyện trong cuộc sống. Ví như, có những việc chỉ để lại hậu quả nhỏ, làm tổn hại chút tài sản thì có thể cứu vãn được. Còn như việc lớn liên quan đến mạng người thì hối hận cũng không giải quyết được điều gì.

Mất bò mới lo làm chuồng

Mất bò mới lo làm chuồng

Khi di chuyển trên những chuyến phà nhỏ hay khi đi tắm biển, chúng ta thường chủ quan không chịu mặc áo phao vì ỷ mình biết bơi. Nhưng khi gặp sóng lớn và đuối sức hay chuột rút bất ngờ, bạn có thể không chống chịu được và mất mạng như chơi. Rất nhiều lời cảnh báo về tình trạng này nhưng mọi người còn rất lơ là. Những nhà ở gần sông, biển nên rào chắn để con em nhỏ không thể chạy lung tung ra ngoài để tránh trường hợp đau thương không muốn nhắc đến.

Hoặc mỗi gia đình nên có sự chuẩn bị mỗi khi giông gió, mưa bão ập đến bất ngờ nếu không hối hận không kịp. Những căn nhà sập xuống bất ngờ hay những cơn bão lớn cuốn trôi tất cả xuất hiện dày đặc trên truyền hình là bài học cảnh tỉnh cho tất cả mọi người chúng ta. Nói thế nào, việc đề phòng mọi bất trắc cũng tốt hơn là giải quyết tàn dư của sai lầm.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Đây cũng là một chân lý mà mỗi chúng ta nên ghi nhớ để thực hiện theo. Việc đề phòng bao giờ cũng dễ hơn là thu dọn tàn cuộc và giải quyết hậu quả. Sự chủ quan của mỗi chúng ta chính là lưỡi dao giết chết bản thân mình. Nếu bạn không chủ động thì không ai có thể giúp được bạn. Chính tự bản thân mình, bạn phải ý thức được điều đó và tìm cách giải quyết nó.

Xem thêm bài viết tham khảo “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Tính mạng con người là quan trọng nhất nên những chuyện liên quan đến tính mạng càng nên được chú trọng. Vật chất mất đi có thể từ từ tìm lại nhưng tính mạng là thứ không thể hồi sinh bao giờ. Trong cuộc sống, có rất nhiều biến cố phát sinh và diễn biến bất ngờ làm chúng ta không lường trước được. Vì vậy thay vì đợi nó xảy ra, chúng ta hãy chủ động giải quyết nó trước. Tin rằng, sự chủ động của chúng ta sẽ phần nào ngăn chặn điều xấu để nó không tiến xa hơn.

Lời kết

Câu chuyện “Mất bò mới lo làm chuồng” là một bài học nhắc nhở cho mỗi cá nhân về những sự việc bất ngờ ở trên đời. Bằng cách này hay cách khác, biến cố luôn luôn chực chờ để nuốt chửng bạn bất kì lúc nào. Nếu muốn chiến thắng, bạn hãy chú trọng đánh bại nó ngay từ những ngày nó còn chưa lớn mạnh. Nếu chúng ta hiểu được đạo lý này và tuân theo nó thì mọi chuyện trong cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. Chúc các bạn có được cuộc sống như ý!

 

HostvnDownload Unikey Xem thêm: Download tải WinRAR 5.31 mới nhất 2016 Full Crack Windows XP/7/8/10, Download tải WinZIP 20 phần mềm tốt nhất cho nén file 2016, Dạy Học mat xa, dạy massage body, Mi Katun