Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, biến hóa khôn lường khiến chúng ta đôi khi cũng bị “hoang mang” vì nó. Có những người, những sự vật, sự việc nhìn vậy nhưng lại không giống như chúng ta nghĩ. Thậm chí những sự thật tưởng chừng như đã rõ mồn một nhưng đôi lúc lại cũng không đúng. Vậy nên, muốn hiểu rõ một chuyện gì phải đắn đo và suy xét kỹ càng. Chúng ta không thể vội vàng, cũng không nên chỉ nhìn bề ngoài mà đoán biết được. Tục ngữ có câu “Đừng trông mặt mà bắt hình dong” cũng là một lời nhắc nhở mà chúng ta cần ghi nhớ để áp dụng cho những tình huống cuộc sống hiện tại.
“Đừng trông mặt mà bắt hình dong”
Câu tục ngữ này ngụ ý nhắc nhở chúng ta đừng chỉ nhìn vẻ bề ngoài của một người mà vội vàng quy chụp hay đánh giá họ. Lòng người khó đoán, muốn hiểu một người cần rất nhiều thời gian và cả những yếu tố khác nữa. Bao giờ cũng vậy, nóng vội chỉ làm cho sự việc dễ bị sai lệch mà thôi.
Có những người tuy ngoại hình xấu xí nhưng có tấm lòng tốt và nhân hậu, hay giúp đỡ người khác. Lại có những người vẻ ngoài xinh đẹp nhưng mở miệng ra là lời hiểm độc, mai mỉa, đay nghiến mọi người. Có người ăn vận sạch sẽ, nghiêm chỉnh và lịch sự nhưng lại vô ý thức vứt rác lung tung hay mắng chửi người nghèo. Lại có người nghèo bên ngoài rách rưới và tội nghiệp nhưng sống tình nghĩa, nói năng hiểu chuyện,…Có quá nhiều minh chứng để chúng ta tin rằng, mình “Đừng trông mặt mà bắt hình dong”.
Muốn hiểu một ai đó cần rất nhiều yếu tố. Tại sao có những người ta đã quen từ lâu lắm, ngỡ như đã hiểu hết tâm tình của họ nhưng một ngày, họ trở mặt. Họ như biến thành một con người khác và chúng ta cứ ngơ ngác đứng đó mà chẳng hiểu gì. Ngay cả người thân cận với mình đôi khi còn không hiểu nổi chứ đừng nói là kẻ lại người xa. Vậy ra, việc đánh giá một người chỉ qua lần đầu gặp mặt thật quá vội vàng đi chứ.
Nhìn vậy nhưng không phải vậy
Vẻ ngoài là quan trọng nhưng có thật sự quan trọng tới mức vươn lên thành số một không? Tôi tin rằng, không chỉ riêng tôi và rất nhiều người trong chúng ta sẽ không vì thấy một người không xinh đẹp hay ăn mặc có vẻ quê mùa mà đánh giá thấp họ. Đúng chứ? Vẻ ngoài tuy cần thiết nhưng nó không quyết định tất cả. Dùng một sự việc để đánh cả con người là một điều quá ư phiến diện.
Tôi xuất thân từ một vùng quê nghèo, ba mẹ đều làm nông và họ không được học hành tới nơi tới chốn. Như mọi người nông dân khác trên đời, ba mẹ tôi trông rất lam lũ và già dặn hơn vì sương gió cuộc đời. Thế nhưng, ông bà lại được cả xóm yêu quý vì cách đối nhân xử thế của mình. Ba mẹ tôi lúc nào cũng lịch sự và nhã nhặn, sống tình nghĩa với xóm giềng nên ai cũng khen. Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa thấy họ xích mích hay xảy ra mâu thuẫn với ai và tôi cũng được học những tính cách đó.
Chẳng lẽ chỉ những người “quần là áo lụa”, trang phục đắt tiền mới là người tốt còn người nông dân giản dị thì lại không ư? Chắc chắn không phải rồi, dù là tầng lớp hay vùng miền nào cũng có người tốt kẻ xấu. Người “ăn to nói lớn” chưa chắc đã đáng sợ, có khi kẻ khéo ăn khéo nói mới chính là người chúng ta cần đề phòng.
Cái gì cũng phải trải qua quá trình
Trên internet hàng ngày, biết bao nhiêu câu chuyện về những anh chàng ăn mặc bảnh bao, lịch sự nhã nhặn lừa bán những cô gái “nhẹ dạ cả tin” sang biên giới. Rồi biết bao người đàn bà “lời ngon tiếng ngọt” lừa hết tài sản của những người dễ tin người. Câu trả lời chung ở đây là gì? “Tôi có biết gì đâu, thấy họ nói chuyện lịch sự với ăn mặc đàng hoàng lắm. Mình nghĩ vậy sao lừa đảo được.” Chẳng có gì là không thể ở đây cả, chúng ta dễ dàng bị vẻ ngoài đánh lừa như vậy ư?
Lòng người khó đoán lắm, muốn tin cũng không dám tin. Tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp như vậy. Có những điều chính mình “mắt thấy tai nghe” mà còn không phải là sự thật nữa thì chúng ta “Đừng trông mặt mà bắt hình dong”. Những người trông không đẹp, không sang nhưng họ thấu hiểu đạo nghĩa, giàu lòng nhân ái thì còn hơn khối người chỉ được cái vẻ bề ngoài. Người xưa cũng dạy “Cái nết đánh chết cái đẹp” còn gì.
Xem thêm bài viết tham khảo “Cái nết đánh chết cái đẹp”
Muốn hiểu rõ một điều gì cần phải trải qua quá trình, qua nhiều chuyện rồi chúng ta xem xét, phân tích và đánh giá. Quá vội vàng chỉ khiến bản thân bạn sai lầm mà thôi.
Áp dụng theo thời thế
Xã hội bây giờ rất hỗn loạn, người tốt thì ít mà kẻ xấu lại đầy rẫy. Chúng ta cẩn thận cũng không làm hại đến ai mà là để bảo vệ bản thân mình trước cám dỗ và hiểm nguy dày đặc. Tất cả mọi chuyện đều phải được tìm hiểu kỹ lưỡng rồi mới đưa ra quyết định. Vội vàng và nông nổi không chỉ khiến phần thiệt về mình mà còn gây ra những sai lầm ảnh hưởng tới những người bên cạnh nữa.
Xem thêm bài viết tham khảo “Bên trọng bên khinh”
Ngay cả ngày xưa, ông bà ta còn dạy “Đừng trông mặt mà bắt hình dong” nữa thì thời nay lại càng nên áp dụng. Bây giờ, kẻ giả danh tri thức nhưng bên trong thế nào chúng ta còn chưa biết được. Khôn ngoan và chủ động chính là cách các bạn tự bảo vệ mình. Chúng ta không thể mãi ngây thơ khi thế giới ngoài kia tràn ngập những điều xấu xa như vậy. Hãy tỉnh táo và vượt qua những chiêu thức giăng bẫy của kẻ xấu. Việc gì cũng thế, bạn cứ tìm hiểu rồi thực hiện nó cũng chưa muộn đâu.
Lời kết
Câu tục ngữ “Đừng trông mặt mà bắt hình dong” là lời khuyên vô cùng hữu ích cho chúng ta ngày nay. Vội vàng và sơ suất chỉ gây thêm cho mình những sai lầm và phiền phức. Tốt nhất, mọi việc nên được tìm hiểu kỹ rồi mới đánh giá và thực hiện. Con người bây giờ có muôn vàn bộ mặt và chúng ta phải cần quá trình để bóc trần từng bộ mặt đó…