Cha chung không ai khóc

Phạm Kim Thoa Ca dao tục ngữ thành ngữ 16916 Views

4.4/5 - (8 bình chọn)

Người Việt Nam chúng ta có nhiều ưu điểm cũng như truyền thống tốt đẹp. Nhưng song song đó cũng không thiếu những thói xấu khiến cho đất nước trở nên kém văn minh trong mắt bạn bè quốc tế.

Ông bà ta có câu “Cha chung không ai khóc”, câu thành ngữ này muốn nói đến tình trạng vô trách nhiệm đối với những việc chung. Hầu hết chúng ta đều mắc phải thói xấu này bởi không phải của mình thì cớ chi mà gìn giữ?

“Cha chung không ai khóc”

Câu thành ngữ “Cha chung không ai khóc” mượn một hiện tượng thường thấy trong đời sống để đưa ra bài học và lời nhắc nhở cho mỗi chúng ta. Theo nghĩa đen, câu thành ngữ có nghĩa nhiều người con có chung một cha, suy ra phần tình thương sẽ bị chia ra cho nhiều người và không trọn vẹn. Bởi thế lúc cha chết, không một ai khóc lóc thương cảm vì tình thương vốn đã bị san sẻ. Hiểu theo nghĩa đen là thế nhưng không phải tất cả các gia đình đông con đều như vậy.

Cha chung không ai khóc

Cha chung không ai khóc

Ở đây, ông bà ta chỉ muốn đưa ra bài học, lời khuyên và lời nhắc nhở cho mỗi chúng ta được hoàn thiện hơn mà thôi. Vậy ra, câu thành ngữ “Cha chung không ai khóc” dùng để ví tình trạng việc chung bị bỏ mặc, không ai ngó ngàng đến, thường dùng để phê phán thái độ vô trách nhiệm đối với việc chung. Hành động vô trách nhiệm, dửng dưng, không có ý thức gìn giữ đối với công việc, tài sản chung,…thật sự rất đáng để đem ra chê trách.

Thói vô trách nhiệm này cũng là thói xấu của rất nhiều người Việt và điều đó gây ra những hậu quả đau lòng. Khi bạn chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mình mà bỏ qua lợi ích của tập thể, của cộng đồng thì kết quả bạn nhận được cũng sẽ không mấy tốt đẹp. Bởi vì sao ư? Bởi vì bạn cũng chính là một phần của tập thể đó.

Những câu chuyện “Cha chung không ai khóc”

Nói về vấn đề “Cha chung không ai khóc” chắc hẳn mỗi chúng ta đều bắt gặp rất nhiều câu chuyện trong đó. 

Chuyện nhức nhối nhất là môi trường đang kêu cứu vì ô nhiễm. Mỗi người, ai cũng dọn dẹp sạch sẽ ngôi nhà của mình, dọn tất cả rác, gom vào bao và bỏ càng xa càng tốt. Thế nhưng ra đường, mấy ai có ý thức để rác đúng nơi quy định hay là bạ đâu quăng đó? Đồ của mình thì tiêu dùng tiết kiệm còn đồ công cộng thì thoải mái sử dụng, thậm chí còn không quan tâm nó có bị quá tải hay hư hại hay không.

Xem thêm bài viết tham khảo “Có qua có lại mới toại lòng nhau”

Ở nhà trọ nghe tính tiền điện nước thì không dám bật quạt, không dám mở đèn, giặt đồ với giặt giày cùng chung một nước,…còn nghe miễn phí điện nước thì mở điện suốt cả ngày rồi để nước chảy lênh láng. Trong công ty, nếu bút, giấy, điện, nước,..xài “chùa” thì tha hồ hoang phí. Mỗi cá nhân đều không ý thức được điều mình làm vì là của chung nên không ai thương xót chăng?

Ý thức trách nhiệm lợi mình lợi người

Thật ra, sự thờ ơ và vô trách nhiệm của chúng ta bắt nguồn từ tính ích kỷ cá nhân. Thử nghĩ xem, bạn không làm chẳng qua vì bạn nghĩ nó không ảnh hưởng gì tới bạn thôi. Nhưng thật ra, chúng ta sống trong tập thể thì chuyện tập thể tất nhiên phải ảnh hưởng đến cá nhân. Cứ để tình trạng “Cha chung không ai khóc” xảy ra thường xuyên thì đến một ngày, bạn cũng sẽ nhận được kết cục không mong muốn.

Cha chung không ai khóc

Cha chung không ai khóc

Ví dụ như chuyện bạn ra đường, bạn nhìn thấy một khúc cây chắn ngang, bạn suýt đâm vào nó mà gặp tai nạn nhưng may thay tránh được. Lẽ ra, bạn nên có lòng tốt đem khúc cây vứt đi để không khéo nguy hiểm cho người đến sau nhưng không, bạn đã vượt qua được rồi nên không cần quan tâm nữa. Và rồi người sau, người sau cứ như vậy cho đến khi chiều về, bạn nhận tin người thân gặp tai nạn vì đâm phải khúc cây giữa đường. Tôi thật sự muốn biết, bạn lúc đó có hối hận không?

Tôi cũng đã từng có một thời dại dột, ích kỷ và nông nổi như thế. Tôi có thể tiện tay vứt tờ giấy, cái túi hay vỏ kẹo xuống đường vì chẳng ý thức được những gì môi trường phải hứng chịu. Nhưng rồi lớn lên, chúng ta dần hiểu biết và chọn lựa được điều mình làm. Bạn thờ ơ với môi trường cũng chính là đang tự tay giết mình. Bây giờ chưa thấy ảnh hưởng nhiều nhưng không có nghĩa là điều tồi tệ sẽ không xảy ra.

Đừng để hối hận muộn màng

Có rất nhiều ví dụ về câu chuyện “Cha chung không ai khóc” mà tôi tin ai cũng đủ lớn để hiểu. Chỉ là chúng ta xem nhẹ và thờ ơ cho đến khi nhận lấy một cái kết hối hận muộn màng. Nếu chúng ta ý thức ngay từ đầu thì mọi chuyện đã khác. Tôi biết rằng, chẳng có ai muốn thốt lên hai từ “giá như” trong sự nuối tiếc. Nếu vậy, chúng ta đừng để sự ích kỷ lên ngôi và xâm lấn mình nữa.

Xem thêm bài viết tham khảo “Có mới thì nới cũ ra/Mới để trong nhà, cũ bỏ ngoài sân”

Người lớn hãy làm gương, là tấm gương sáng để lớp con cháu từ đó học theo. Muốn cả thế giới trở nên tốt đẹp thì bạn hãy là một người tốt đẹp trước đã. Đừng để câu chuyện “Cha chung không ai khóc” làm bạn mất đi đức tính tốt đẹp và mang lại những hậu quả không tốt cho mình. Nên nhớ rằng, bạn chính là một phần của tập thể.

Nguồn năng lượng không bao giờ là vô tận, môi trường cần được bảo vệ, công ty hay trường học cũng là ngôi nhà thứ hai,…Bảo vệ tài sản chung cũng là góp phần tiết kiệm cho đất nước, tiết kiệm cho tương lai và cuộc sống của bạn đó.

Lời kết

Câu thành ngữ “Cha chung không ai khóc” đã xuất hiện từ rất lâu và gửi gắm tâm ý của người xưa truyền dạy. Tôi tin rằng, tất cả chúng ta đều có thể ý thức được và làm tốt những việc này. Hy vọng rằng, thói xấu vô trách nhiệm sẽ sớm bị đẩy lùi và thế hệ con em chúng ta sau này ngày càng tốt đẹp hơn.

HostvnDownload Unikey Xem thêm: Download tải WinRAR 5.31 mới nhất 2016 Full Crack Windows XP/7/8/10, Download tải WinZIP 20 phần mềm tốt nhất cho nén file 2016, Dạy Học mat xa, dạy massage body, Mi Katun