Nhất tự vi sư, bán tự vi sư

Hoàng Thị Thùy Linh Ca dao tục ngữ thành ngữ 2555 Views

5/5 - (3 bình chọn)

Dân tộc ta là một dân tộc trọng lễ nghĩa và có tinh thần hiếu học. Từ lâu Tôn sư trọng đạo đã trở thành một truyền thống quý báu. Truyền thống ấy được lớp lớp con cháu đời sau gìn giữ và phát huy. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư là câu tục ngữ thể hiện rõ nét tinh thần của truyền thống ấy. Câu nói nhắc nhở chúng ta về đạo thầy trò ở đời. Phải biết ơn những người đã dạy dỗ, dìu dắt mình dù là việc nhỏ nhất.

Xem thêm bài viết: Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư có nguồn gốc từ một điển tích của Trung Quốc. Có một người tên là Trịnh Cốc lên 7 tuổi đã biết làm thơ. Năm 887, ông đỗ tiến sĩ. Chỉ làm quan một thời gian ngắn rồi về quê ở ẩn. Ông đã sáng tác hàng nghìn bài thơ. Lúc đó, nhà sư Tề Kỉ làm bài thơ “Tảo mai” (Mai nở hoa sớm):

Vạn mộc đống dục chiết,

Cô căn noãn độc hồi.

Tiền thôn thâm tuyết lý,

Tạc dạ sổ chi mai.

Phong đệ u hương xuất,

Cầm khuy tố diễm lai.

Minh niên như ưng luật,

Tiên phát Vọng Xuân đài.

(Vạn cây băng giá chết

Một cội ấm mọc ra

Đầu xóm trong tuyết đặc

Mấy cành đêm nở hoa.

Gió xa đem hương ẩn

Chim ngắm hoa trắng ngà

Năm tới như đúng tiết

Vườn xuân sáng ánh tà.)

Tề Kỉ nhờ Trịnh Cốc chỉ giáo. Trịnh Cốc nhận xét: chủ đề bài thơ là “Tảo Mai”, nếu có tới mấy cành nở hoa thì đâu còn là mai nở sớm nữa. Trịnh đề nghị sửa chữ “sổ” (mấy) ở câu thứ 4 thành chữ “nhất” (một). Chỉ cần thay đổi một chữ mà bài thơ trở nên hay hơn nhiều. Tề Kỉ tôn Trịnh Cốc làm thầy. Trịnh Cốc chỉ dạy có một chữ mà được làm thầy, nên có cụm từ “nhất tự vi sư”.

Theo đó, cụm từ “nhất chi mai”cũng trở thành kinh điển. Sau này được nhiều nhà thơ học hỏi theo. Và “nhất tự vi sư”cũng được mở rộng ra là Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.

Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy

Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy

Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy

Chiết tự tục ngữ Nhất tự vi sư, bán tự vi sư ta được câu: Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Trong đó, nhất = một, tự = chữ, vi = là, bán = nửa, sư = thầy.

Dễ dàng có thể nhận thấy, ở bất cứ xã hội nào người thầy luôn được tôn trọng. “Kính thầy” không còn là một vấn đề quan niệm sống hay quan niệm về cách cư xử. Nó đã trở thành một phạm trù đạo đức của con người.

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư có chút hơi khoa trương trong cách nói. Hầu như chẳng có người thầy nào chỉ dạy ta “nửa chữ”. Thế nhưng ngoài hàm ý răn dạy mỗi chúng ta về đạo thầy trò ở đời. Câu nói còn có ý nhắc nhở, dù bất cứ ai, dạy cho ta bất cứ điều gì, dù là nhỏ nhất cũng đều được coi trọng như thầy của ta.

Kính thầy, mến bạn

Như đã chia sẻ ở trên, tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nó đã được gìn giữ và hun đúc qua bao thế hệ. Để phát huy truyền thống ấy, ngày 20/11 hàng năm đã được chọn là ngày Hiến chương nhà giáo.

Cứ mỗi năm đến ngày này, lớp lớp học trò lại thi đua nhau lập thành tích. Lớp lớp các nhà giáo lại được tôn vinh. Trải qua bao nhiêu năm, hình ảnh người thầy với mái tóc vương màu bụi phấn đã trở thành hình ảnh đẹp, ghi dấu trong lòng biết bao thế hệ học trò.

Dễ thấy hình ảnh trò dạ thưa, vâng lời thầy trong lớp học. Nhưng cũng dễ thấy hình ảnh trò đứng khoanh tay chào thầy nơi góc phố nhỏ. Rồi thầy trò bắt tay nhau trong một hội nghị, mà ở đó, thầy và trò đều tự hào về nhau.

Kính thầy đã len lỏi vào trong từng lát cắt của cuộc sống. Phải chăng cũng bởi nó không chỉ bó hẹp trong không gian lớp học nên truyền thống ấy mới ăn sâu vào tiềm thức mỗi con người Việt. Người thầy không chỉ là người truyền dạy kiến thức trên bục giảng mà còn là người dạy ta bài học cuộc sống.

Người làm công, ăn lương

Tuy nhiên, xã hội hiện nay còn có rất nhiều trường hợp đi ngược lại với đạo lý ấy. Chính bởi thói quen nuông chiều con thái quá của nhiều bậc phụ huynh nên nhiều đứa trẻ có hành vi sai lệch.

Dẫu có là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, ta vẫn phải chấp nhận nghề giáo vẫn là một nghề mưu sinh. Vì thế thái độ coi người thầy là kẻ làm công, ăn lương vẫn còn khá phổ biến. Học trò học vì nhiệm vụ, thầy dạy vì đồng tiền. Suy nghĩ ấy đã dần nhen nhóm và len lỏi vào một bộ phận học sinh.

Cái ơn cho sự dạy dỗ đã được quy thành tiền bạc, vật chất. Còn cái tình cảm thầy trò vốn có cũng dần bị phai nhạt. Biết rằng vài con sâu sẽ chẳng thể làm hỏng hết một nồi canh, nhưng những hình ảnh đáng buồn ấy sẽ là ngọn lửa. Nó sẽ có thể bùng cháy bất cứ lúc nào. Khiến cho truyền thống Tôn sư trọng đạo của dân tộc ta bị hiểu sai, bị mai một lúc nào không hay.

Câu chuyện về đồng lương giáo viên

Như đã chia sẻ ở trên, nghề giáo cũng là một nghề mưu sinh. Nhưng thật tiếc, là đồng lương cho giáo viên khá thấp. Vì vậy, ngoài công việc chính, nhiều thầy cô giáo phải làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập.

Phải chăng đó cũng là lý do khiến học trò coi thầy cô là người làm công ăn lương? Hay bởi ở một khía cạnh nào đó, vật chất cũng khiến nhiều thầy cô đánh mất mình.

Ép học sinh học thêm có lẽ là câu chuyện phổ biến nhất. Để học sinh ra ngoài học thêm lớp của mình, một số giáo viên không ngần ngại trù dập, ép buộc các em. Hay bởi một số thầy cô hiện nay cũng có lối sống khá buông thả. Để thỏa mãn cho cuộc sống riêng, có người cũng cướp giật, vào tù ra tội. Những hạt sạn ấy quả là nỗi đau của cả một ngành giáo dục đang phát triển.

Tham khảo thêm bài viết: Học tài thi phận

Giáo dục là yếu tố cốt lõi

Xã hội muốn phát triển thì phải đầu tư nhiều vào giáo dục. Và dù thế nào cũng không thể phủ nhận vai trò của người thầy. Ở khắp nơi trên đất nước ta vẫn có biết bao người thầy tần tảo sớm hôm để đem con chữ đến cho các em. Vẫn còn biết bao người thầy thức trắng đêm trăn trở trước từng trang giáo án.

Và ở đó cũng có biết bao thế hệ học sinh coi thầy cô là cha mẹ. Coi những điều thầy dạy là hành trang cho cuộc đời lắm dâu bể.

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư

Người thầy không chỉ xuất hiện trong trường học mà còn xuất hiện ở trường đời. Người thầy đầu tiên là cha mẹ. Tiếp đó là anh chị em, là bạn bè, đồng nghiệp,… Thậm chí một người xa lạ cũng trở thành người thầy dạy cho ta bài học cuộc sống.

Trong cuộc sống, nếu ta chịu khó học hỏi, quan sát thì bất cứ đâu ta cũng thấy xuất hiện những người thầy và những bài học đáng trân trọng.

Lời kết

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư không chỉ nhắc nhở về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Câu tục ngữ còn như răn dạy thế hệ học trò phải học tập không chỉ trong nhà trường mà phải học cả ngoài xã hội. Nó như nhắc nhở quý thầy cô giáo cũng cần cố gắng rèn luyện chuyên môn để có thể trở thành những tấm gương sáng cho các thế hệ học trò.

Xem thêm bài viết: Ca dao “Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng”

HostvnDownload Unikey Xem thêm: Download tải WinRAR 5.31 mới nhất 2016 Full Crack Windows XP/7/8/10, Download tải WinZIP 20 phần mềm tốt nhất cho nén file 2016, Dạy Học mat xa, dạy massage body, Mi Katun