Cha mẹ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc sống của con cái. Bởi có cha mẹ thì mới có con cái. Người xưa thường bảo “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Tuy nhiên, những bậc phụ huynh không thể bỏ mặc cho con của mình tự tung tự tác được mà phải uốn nắn và dạy dỗ chúng từng ngày. Thế nên tục ngữ mới có câu “Mũi vạy thì lái chịu đòn”.
“Mũi vạy thì lái chịu đòn”
Nhiều người bị hiểu sai về nghĩa khi câu này bị đọc lệch thành “Mũi dại thì lái chịu đòn”. Nhưng thật ra, dùng từ “vạy” ở đây mới đúng. “Vạy” có nghĩa là méo đi, cong đi, hay lệch đi,…Còn “đòn” lại có nghĩa là đòn lái chứ không phải là đòn roi như một số người hiểu sai khi câu bị đọc lệch.
Câu tục ngữ này bắt nguồn từ đặc điểm của nghề ghe thuyền. Mũi vạy là mũi lệch, mũi không đi đúng hướng cần thiết, có thể do nước xoáy hoặc nước xiết. Trong điều kiện này, người cầm lái đương nhiên phải vất vả và phải vững tay vì anh ta là người chịu đòn. Phải chịu đòn lái để giữ thuyền đi đúng theo hướng của mình, còn không thì thuyền sẽ đi lòng vòng theo hướng lệch ban đầu của nó.
Câu tục ngữ này muốn nói đến vai trò và trách nhiệm của người chỉ huy trong tình thế khó khăn, nguy hiểm. Nghĩa thường được sử dụng hơn chính là khi con cái có những biểu hiện sống buông thả, lêu lỏng thì các bậc cha mẹ phải uốn nắn, điều chỉnh, định hướng lại cho con cái. Vậy nên, chúng ta để ý nhà nào có con hư hỏng thì người ta thường chép miệng bảo “Mũi vạy thì lái chịu đòn”.
Hãy giáo dục con ngay từ đầu
Những đứa trẻ thường được ví như những tờ giấy trắng. Khi còn nhỏ, chúng chẳng biết gì đâu. Trẻ nhỏ trở thành một người như thế nào phụ thuộc rất lớn vào môi trường sống hàng ngày. Nếu cha mẹ chọn cho con một môi trường tốt thì còn đỡ phải lo nghĩ. Nếu chẳng may, cả gia đình phải sống trong một môi trường có phần phức tạp mà không còn lựa chọn khác thì phụ huynh cần hết sức cẩn trọng. Lúc này, chúng ta cần kềm cập và bản ban con mỗi ngày một ít. Giáo dục những cái hay, cái đẹp và cái tốt trên đời.
Xem thêm bài tham khảo “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”
Vì tuổi nhỏ nên con rất dễ bị bọn xấu dụ dỗ và lợi dụng. Nếu những thời khắc như thế này, cha mẹ không ở bên để giúp con phân định đúng sai thì thật là một điều tai hại. Bởi thế, con cái có hư cũng một phần do lỗi của cha mẹ. Đừng biện bạch rằng “Đứa nào nó hư thì hư, còn ngoan thì ngoan”, không phải thế. Chúng chỉ là những đứa trẻ ngây thơ nương theo cách giáo dục của chúng ta mà trưởng thành thôi. Người lớn là những tấm gương sống, trẻ con chỉ theo đó mà bắt chước làm theo. Vậy nên, cha mẹ nên sống tốt nếu muốn con của mình có một cuộc sống như mình mong muốn.
Hãy chú trọng vào việc giáo dục con trẻ
Mượn hình ảnh người đòn lái chiếc thuyền trên biển lớn để nói về vai trò của cha mẹ đối với con cái. Thật lòng, ai chẳng muốn con mình trở thành một người tốt, có ích cho gia đình và xã hội. Mà cả ngay bản thân những đứa trẻ cũng mong muốn như thế. Nhưng nhiều lúc, cuộc đời đầy rẫy cạm bẫy và cám dỗ. Người lớn còn đôi lúc lỡ sa chân chứ đừng nói gì đến trẻ nhỏ. Bởi thế, con cái nên cần cha mẹ bên cạnh bảo ban hàng ngày.
Xưa nay, mỗi lần nhìn thấy một đứa trẻ hư hỏng, người ta trước hết đều trách cha mẹ chúng. Nào là “Cha mẹ không biết dạy con” hay “Con dại cái mang”, “Con hư tại mẹ”,…Ngược lại, một đứa trẻ ngoan và được mọi người yêu quý thì sẽ bảo “Cha mẹ nuôi con khéo quá” hay “Con nhà ai mà khéo dạy”,…Qua đó, chúng ta đủ thấy rằng con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Cha mẹ như thế nào thì sẽ giáo dục ra đứa con như thế ấy.
Tôi không phủ nhận rằng, một đứa trẻ trưởng thành có nhân cách như thế nào không hoàn toàn phụ thuộc vào cách dạy dỗ của cha mẹ. Tuy nhiên, nếu những bậc phụ huynh uốn nắn, bảo ban con ngay từ đầu thì hướng tích cực thì chắc chắn đứa trẻ ấy sẽ phát triển tốt hơn.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”
Tục ngữ dạy “Mũi vạy thì lái chịu đòn”, vậy nên con cái có lầm đường lỡ bước thì cha mẹ chính là người hướng chúng về con đường đúng đắn. Ở một xã hội đầy rẫy những thành phần phức tạp và nguy hiểm như thời đại này, trẻ con cần được quan tâm và giáo dục nhiều hơn.
Xem thêm bài tham khảo “Ở chọn nơi, chơi chọn bạn”
Chúng ta cần chú trọng vào thực tế và bớt dạy con những giáo điều sáo rỗng, có thế mới phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh. Kinh nghiệm sống như thế nào, cách xử trí khi gặp kẻ xấu, nhận dạng người lạ,…là những cái nên học. Không ai muốn trở nên xấu xa và bị ghét bỏ, vậy nên đừng để con của bạn phải chịu cảnh như thế. Tôi tin rằng, mỗi ngày chúng ta dạy một ít, lâu dần con cũng sẽ hiểu thấu và nhận ra lý lẽ đúng sai.
Có những giây phút, chúng ta chỉ biết ngồi đó nhìn những sai lầm của mình với sự hối hận khôn nguôi. Vậy nên, bản thân cần hạn chế tối đa những sai lầm không đáng có. Những đứa trẻ đại diện cho cả một thế hệ sau này nên chúng ta đừng để chúng bị làm “hư hóa” đi. Người ta bảo “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” mà.
Đoạn kết
Câu tục ngữ “Mũi vạy thì lái chịu đòn” vừa là lời khuyên vừa là lời cảnh báo đối với những bậc phụ huynh. Chúng ta cần quan tâm đến con của mình nhiều hơn và chú trọng vào việc giáo dục chúng. Nuôi một đứa trẻ không phải là một điều dễ dàng, chuyện này có lẽ tất cả các bậc cha mẹ đều hiểu. Vậy nên, chúng ta hãy làm sao tạo điều kiện để con có mình phát triển thật tốt và trở thành một người như bạn luôn mong muốn.