“Ai ơi chớ vội cười nhau
Ngẫm mình cho kỹ trước sau hãy cười”
Có ai tự tin rằng mình chưa từng phạm phải một sai lầm nào trong đời không? Tôi không chắc và có lẽ bạn cũng không chắc. Hầu hết chúng ta đều mắc một căn bệnh chung, một căn bệnh khó chữa và cực kì xấu, đó là soi mói người khác. Tùy tiện phán xét, chê bai người khác mà không kịp nhìn lại “đống rác” trên đầu mình. Con người có mấy ai hoàn hảo, mỉa mai nhau cũng chẳng thể làm mình trở nên tốt hơn.
Vậy nên trước khi muốn cười cợt người khác, hãy tự ngẫm nghĩ lại bản thân mình trước đã. Vội cười người và chợt phát hiện ra mình cũng có hơn gì người ta, như thế là xấu hổ lắm đấy nhé.
“Ai ơi chớ vội cười nhau”
Có ai ủng hộ việc chê bai và phán xét người khác vô tội vạ đâu. Chúng ta chỉ biết chê cho sướng miệng nhưng quên rằng lẽ thường “Cái miệng hại cái thân”. Đó là lý do người xưa dạy “Trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần”. Không phải là thủ tục rườm rà mà là thời gian uốn lưỡi để chúng ta suy nghĩ thật kỹ những điều mình sắp nói.
Thực chất, hạ người khác xuống để nâng mình lên vốn được xem là hành động của kẻ tiểu nhân. Thế nhưng hành động này lại thường khiến chúng ta mắc phải vì con người ai cũng có nhu cầu để thể hiện mình. Một khi bản thân chưa đủ nổi trội, người ta thường sử dụng phương pháp “đòn bẩy” để trợ lực cho mình. Dìm hàng người khác và tâng bốc bản thân lên.
Xem thêm bài viết tham khảo “Ai ơi chớ vội cười nhau/Cười người hôm trước, hôm sau người cười”
Cho dù bạn có phạm phải sai lầm nghiêm trọng hay bình thường thì họ cũng không cần biết. Điều họ làm là bới móc và đào khoét sâu sai lầm đó để có cớ mà trù dập, chê bai. Đôi khi, đó không hẳn là sai lầm do bạn gây ra. Người ta có thể mượn cớ để cười cợt rằng bạn không xinh đẹp hoặc không thông minh,…Mặc dù rằng, điều đó chẳng khiến người chê trở nên tốt đẹp hơn?
Ai cũng sẽ có ít nhất một lần sai
Có ai tự tin rằng mình hoàn hảo đâu. Thật ra, con người nếu bao dung được là rất tốt. Biết thông cảm và thứ tha cho những lỗi lầm nhỏ của nhau thì tính nhân văn mới được đẩy lên tột cùng và mối quan hệ giữa người và người mới thật sự hòa nhịp.
Ở xã hội này, chúng ta đừng vội phơi bày vết thương của mình ra cho người khác thấy. Vì bản thân vốn không biết được họ sẽ giúp ta bôi thuốc hay tàn nhẫn xát muối vào. Người thích chê bai người khác sớm muộn cũng có ngày gặp cái kết tương tự. Vội vàng thì “Cười người hôm trước, hôm sau người cười” thôi. Cần nhất là “Ngẫm mình cho kỹ trước sau hãy cười”.
Tôi có đọc một đoạn trích, đại ý là nói con người chúng ta khi chê bai thứ gì chính là quan tâm thứ đó. Ví như bạn nói người khác phẫu thuật thẩm mỹ vì bạn quan tâm nhan sắc, bạn ghét người khác khoe khoang tình cảm vì bạn thiếu thốn nó,…Tôi không khẳng định rằng nó đúng hoàn toàn nhưng vài phần thì rất có thể. Ai cũng sẽ có ít nhất một lần sai trong đời, vậy thì còn đá đểu nhau làm gì? Thêm một chuyện chi bằng bớt một chuyện.
“Ngẫm mình cho kỹ trước sau hãy cười”
Trước khi phán xét người khác, bao giờ cũng nên nhìn lại bản thân mình trước. Mình đã đủ tốt hay chưa, mình có thật sự tài giỏi đến mức có quyền chỉ trích người khác? Quá vội vàng không chừng sẽ nhận lấy một cái kết xấu hổ đấy. Ông bà ta dạy “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” có sai bao giờ. Thậm chí ra đường thấy người khác chưa gạt chân chống xe, bạn cũng hãy nhìn lại mình trước khi nhắc nhở người khác. Chúng ta không ích kỷ vì con người đối với mình thì bản thân luôn quan trọng nhất.
Lúc nhận xét người khác, có thể rằng chúng ta vô cùng hả hê nhưng khi nhìn lại mình được gì? Ngoài giây phút vui sướng vô nghĩa, chúng ta mất đi một người bạn hay thêm một kẻ thù? Chỉ có loài vật mới mong có xác chết bốc mùi mà lao vào xâu xé thôi, con người chúng ta đâu cần phải bới móc chuyện xấu của người khác ra mà bêu rếu.
Xem thêm bài viết tham khảo “Chó chê mèo lắm lông”
Muốn mở lời hãy cẩn trọng suy nghĩ, muốn cười cợt người hãy ngẫm mình cho kỹ lưỡng trước sau.
Đừng đặt tâm trạng của mình lên miệng người khác
Cho dù chúng ta có là nạn nhân của trò đùa nào đó, là tâm điểm của câu chuyện mà dư luận xôn xao cũng đừng vội tuyệt vọng. Tôi đã nói, con người không có ai hoàn hảo. Không sự chúng ta sai, chỉ sợ sai lầm một lần nữa được lặp lại. Một lần lầm lỡ không có nghĩa là cả đời bị chôn vùi trong bế tắc, chúng ta phải lạc quan lên.
Biết sai và biết sửa sai đáng quý hơn nhiều so với những thành phần chỉ giỏi mạnh miệng lên án và không làm được trò trống gì. Chúng ta không để tâm trạng của mình bị người khác chi phối được. Buồn hay vui là do chính bản thân mình, là suy nghĩ của mình mà tạo nên. Những lỗi lầm sẽ nhanh chóng được tha thứ nếu bạn hối hận và tìm cách phục hồi mọi chuyện.
Hãy quên những lời đàm tiếu ngoài kia đi, thiên hạ chẳng nuôi chúng ta được ngày nào đâu. Những người chỉ chuyên săm soi người khác sớm muộn cũng sẽ gặp phải trừng trị thích đáng mà thôi.
Lời kết
Có quá nhiều câu chuyện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Có những câu chuyện xấu cần được lên án nhưng cũng không kém những hoàn cảnh đáng thương cần cảm thông. Xâu xé trên nỗi đau của người khác để mua vui là một việc làm tàn nhẫn biết bao nhiêu. Chúng ta cư xử như thế chẳng khác nào loài động vật “vô tri vô giác”.
Thời bây giờ, “Gieo nhân nào gặt quả nấy”. Hãy sống tốt để cuộc đời còn tươi đẹp, bằng sống thất đức thì quả báo sẽ đến nhà vào một ngày không xa đâu.