Người Việt ta rất coi trọng hàm răng, mái tóc. Răng và tóc được coi là hai bộ phận quan trọng tạo nên nét đẹp của con người. Một hàm răng trắng, đều cộng với một mái tóc suôn mượt là những tiêu chuẩn để đánh giá cái đẹp. Để răn dạy cháu con về vấn đề này, ông cha ta có câu: Cái răng cái tóc là góc con người.
Bởi văn học dân gian có tính dị bản. Nên Cái răng cái tóc là góc con người hay bị nói lệch thành Cái răng cái tóc là gốc con người. Tuy nhiên, dù là “góc” hay “gốc” thì cả hai câu này cũng đều có chung một ý nghĩa. Câu nói nhắc nhở chúng ta phải biết chăm chút đến vẻ bề ngoài của bản thân. Đó chính là một yếu tố quan trọng có thể khắc họa nên tính cách của mỗi người. Có một vẻ ngoài hoàn chỉnh giúp bạn tự tin và xinh đẹp hơn trong mắt bản thân và người đối diện.
Tham khảo thêm bài viết: Ca dao “Rau răm đất cứng dễ bứng khó trồng/Dù thương cho lắm cũng chồng người ta”
Cái răng cái tóc là góc con người
Như đã chia sẻ ở trên, răng và tóc đều là những bộ phận trên cơ thể. Nó không chỉ thể hiện vẻ đẹp ngoại hình mà còn cho thấy tính cách của mỗi người. Cái răng cái tóc là góc con người nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm chút ngoại hình bên ngoài.
Tuy chiếm một vị trí nhỏ trên khuôn mặt, nhưng răng và tóc lại là điểm nhấn quan trọng tạo nên vẻ đẹp cho mỗi chúng ta. Một mái tóc gọn gàng, phù hợp với khuôn mặt sẽ làm ta thêm quyến rũ. Một hàm răng trắng, đều sẽ khiến ta thêm tự tin khi nở nụ cười.
Răng và tóc tạo nên những ấn tượng đầu tiên cho mỗi buổi gặp mặt. Dù chẳng thể “nhìn mặt bắt hình dong” nhưng vẻ bề ngoài giúp xây dựng một phần tính cách. Nó là một trong những tiêu chí để đánh giá con người. Người biết chăm chút ngoại hình sẽ dành được thiện cảm từ những người xung quanh.
Răng, tóc – hai bộ phận thể hiện quan niệm về cái đẹp
Tùy theo thời, chuẩn mực của cái đẹp có thể thay đổi. Trong đó răng và tóc dường như là hai bộ phận có tác động lớn nhất đến quan niệm của con người về cái đẹp.
Nếu như khi xưa, cả đàn ông và đàn bà Việt đều để tóc dài. Thì bây giờ người ta để tóc theo ý thích, theo xu hướng. Tóc được tạo nhiều kiểu, nhiều dáng khác nhau. Thậm chí người ta còn nhuộm màu cho tóc. Mỗi năm lại có một kiểu tóc mới, tạo nên những trào lưu mới trong xã hội.
Ngay cả với hàm răng – thứ tưởng chừng như không thể thay đổi. Thì giờ đây, khi y học phát triển, người ta hoàn toàn có thể chỉnh lại những hàm răng chưa đẹp. Xưa người Việt ta chuộng nhuộm răng đen. Răng nhánh hạt huyền mới được coi là đẹp. Thì bây giờ ta lại chuộng răng trắng. Răng càng trắng, càng đều thì càng được ưa chuộng.
Tuy mỗi thời điểm, quan niệm về vẻ đẹp lại khác nhau. Nhưng vị trí và tầm quan trọng của răng và tóc là không hề thay đổi. Chỉ cần thay kiểu tóc hay răng có vấn đề gì thì gương mặt cũng có sự thay đổi rõ rệt.
Và với sự thay đổi ấy, Cái răng cái tóc là góc con người lại càng đúng đắn. Bởi kiểu tóc, màu tóc, hình dáng của răng miệng cũng là cách để con người ta thể hiện cá tính và cảm xúc. Cái răng, cái tóc ngày càng trở thành phương tiện để con người thể hiện mình và đánh giá người khác.
Xem thêm bài viết: Một cánh én không làm nên mùa xuân
Hàm răng, mái tóc phản ánh vòng đời của con người
Ở một tầng nghĩa khác, hàm răng, mái tóc còn phản ánh phần nào một vòng đời của con người. Ở từng độ tuổi, hai bộ phận này lại có sự chuyển biến rõ rệt.
Khi ta còn bé, những chiếc răng sữa lú nhú mọc lên, đánh dấu sự bắt đầu của một cuộc đời mới. Khi ta lớn dần, răng sữa rụng đi và thay vào đó là sự xuất hiện của răng vĩnh viễn. Đến tuổi trưởng thành, ta lại phải sống chung với những cơn đau do răng cùng, răng khôn mọc dại.
Sau đó những chiếc răng bắt đầu sậm màu hơn, mòn đi và có những vết rạn nứt. Rồi thậm chí là đến một ngày chúng lung lay và rụng mất. Điều đó chứng tỏ rằng bạn đã già. Hành trình của một chiếc răng, gắn chung với hành trình của một đời người.
Mái tóc cũng vậy. Nó cũng chứng kiến toàn bộ những đổi thay của cuộc đời mỗi người. Những em bé thì có cho mình mái tóc máu từ trong bụng mẹ. Khi ta lớn lên mái tóc theo đó cũng dài ra. Rồi khi tuổi đã xế chiều thì mái tóc kia điểm thêm những sợi bạc. Tóc xanh ngày nào sẽ được thay thế bằng mái tóc hoa râm sương gió.
Cái răng, cái tóc không chỉ gắn bó trực tiếp với cuộc đời mỗi con người. Thêm đó, nó còn gián tiếp phản ánh sức khỏe của chúng ta. Răng và tóc có vấn đề thì chính tỏ cơ thể bạn cũng không được khỏe. Theo dõi tình trạng của hai bộ phận này cũng là cách để bạn theo dõi sức khỏe của mình.
Cái răng cái tóc và cội nguồn văn hóa Việt
Bên cạnh đó, cái răng cái tóc còn có mối quan hệ mật thiết với văn hóa dân tộc. Trong xã hội xưa, mái tóc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tóc là vật đính ước, là sợi dây gắn kết nhân duyên.
Nó còn là tiêu chí để đánh giá đức hạnh của người phụ nữ. Phụ nữ thời xưa, nếu chửa hoang hoặc làm chuyện ô ế thì sẽ bị cạo trọc đầu, bôi vôi. Lúc bấy giờ, bị cắt bỏ đi mái tóc là sự trừng phạt vô cùng nặng nề. Hay trong quan niệm của Phật giáo, những người muốn quy y thì phải cạo trọc đầu. Họ cho rằng, bỏ đi mái tóc là cách để đoạn tuyệt với trần tục, không vương vấn nhân gian.
Hàm răng cũng mang trong mình những ý nghĩa rất riêng. Trước đây, người Việt Nam quan niệm rằng một nụ cười đẹp bao gồm một hàm răng được nhuộm cho đen bóng.
Năm quan mua lấy miệng cười.
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen”
Hàm răng đen kèm với tục ăn trầu đã khiến cho người phụ nữ Việt có một nét duyên riêng. Cái duyên từ hàm răng đen ấy vừa thể hiện truyền thống Việt, vừa là cách để giữ gìn sức khỏe và răng miệng.
Theo thời gian, xã hội ngày càng hiện đại, mức sống người dân được nâng lên. Việc chăm sóc cái răng, cái tóc được chỉnh chu hơn, công phu hơn. Tuy nhiên, hình ảnh cái răng, cái tóc khi xưa sẽ mãi được lưu giữ. Nó trở thành những nét truyền thống đẹp đẽ trong kho tàng văn hóa Việt.
Lời kết
Qua phân tích trên, câu tục ngữ Cái răng cái tóc là góc con người là một lời khuyên hết sức đúng đắn và sâu sắc dành cho chúng ta. Những ý trên cho thấy sự quan trọng của hàm răng và mái tóc đối với con người. Trong văn hóa Việt, nó không dừng lại đơn thuần ở nghĩa hình thức. Nó còn thể hiện nét truyền thống, văn hóa ngàn đời của dân tộc. Gìn giữ cho mình một hàm răng, mái tóc đẹp là bạn đang giúp bản thân có được thiện cảm từ tất cả mọi người.
Tham khảo thêm bài viết: Ca dao “Cũ người thì lại mới ta/Người chê rách rưới, ta là gấm nhung”