“Ăn lắm thì hết miếng ngon
Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ”
Mọi sự trên đời đúng là cái gì cũng nên có chừng mực mới hay. Nhiều quá không tốt, ít quá thì không hay nhưng vừa đủ thì chắc chắn đẹp. Một món ăn dù có ngon đến đâu thì cứ ăn mãi cũng sẽ đến lúc không còn mà ăn nữa. Nói hay mà nói nhiều cũng thành ra nhàm chán và lộ điểm yếu của chính mình. Thế nên, mọi việc trên đời chúng ta đều phải cân nhắc cho thật kỹ lưỡng. Làm sao thì làm, đừng để chuyện đi xa tầm kiểm soát của mình.
Cái gì vừa đủ sẽ đẹp
Những câu ca dao của ông bà ta luôn mang đến những bài học không chỉ hay mà còn đẹp. Chúng hướng con người vươn tới những giá trị đạo đức hay cách sống thấu tình đạt lý, đây là kinh nghiệm quý báu mà ai cũng mong muốn có được trong đời.
“Ăn lắm thì hết miếng ngon
Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ”
Có phải con người chúng ta ai cũng tham lam không? Tham ít hoặc tham nhiều, có khi là lòng tham vô đáy nữa. Vì chúng ta là con người chứ đâu phải bậc thánh nhân, cám dỗ của cuộc đời thì khó ai mà tránh nói. Không nói đâu xa, trong câu ca dao trên đã chỉ ra hai việc đơn giản là “ăn” và “nói” thôi mà cũng phần nào phê phán bản chất tham lam của con người.
Miếng ngon dù có thật sự ngon nhưng cứ ăn mãi cũng có ngày hết, ăn mà không chia sẻ, chỉ biết cho riêng mình? Những “lời hay ý đẹp” cũng nên thể hiện cho phù hợp, nói ít để người ta hiểu nhiều, để người ta từ từ lãnh ngộ. Cứ muốn thể hiện mình, cứ huyên thuyên cho lắm để người ta biết mình học rộng hiểu nhiều nhưng biết đâu “Nói dai, nói dài thành nó dở”. Nói lắm thì những lời khôn ngoan cũng sớm hết, chừa đường cho cái xấu, cái dốt nó hiện ra. Bởi vậy, chúng ta mới đừng quá tham lam và nên biết đâu là đủ.
Điểm dừng ở đâu?
Đôi khi, chúng ta không hiểu chuẩn mực của cuộc đời nằm ở đâu và cũng chẳng thèm quan tâm tới nó. Có lúc, chúng ta cứ sống “bất cần” như thế, mặc ra sao thì ra. Những thói xấu của con người như: tham lam, ích kỷ, keo kiệt,…đều được cho là bản năng, phần tiềm ẩn bên trong. Chúng tùy thuộc vào chủ nhân, chờ một chút lơ là của chúng ta mà thoát ra tung hoành hay quấy phá. Dù thật sự là bản năng nhưng kiềm chế nó mới cho thấy bản lĩnh của bạn, đúng chứ?
Trở lại chuyện “ăn” và “nói” trong câu ca dao trên, người xưa muốn nhắn nhủ với chúng ta điều gì? Miếng ngon thì ai chẳng thích, nhưng chẳng lẽ cứ thích là phải chiếm cho bằng được sao? Nếu ngon thì cứ từ tốn thưởng thức, ăn vội ăn vàng thì chỉ chóng hết mà thôi. Lời nói cũng thế, nói lắm thì lời hay cũng hết, nói lắm lại quá thể hiện và cũng khiến người khác mất vui. Đôi khi, chúng ta cũng rất cần những giây phút im lặng quý giá.
Xem thêm bài viết tham khảo “Im lặng là vàng”
Tất cả mọi chuyện đều nên có một điểm dừng nhất định, bất kể là chuyện gì. Chúng ta biết được giới hạn nằm ở đâu và tiết chế bản thân lại mới thật là hay. Đừng quá tham lam và cũng đừng giành giật hào quang của người khác. Tất cả chúng ta phải chăng nên tạo cơ hội cho nhau tỏa sáng ít nhất một lần trong đời?
Đừng để bản thân trở nên vô duyên trong mắt người khác
Lúc đi làm, tôi gặp phải những người đồng nghiệp có vẻ ngộ nghĩnh. Họ ca thán và duy trì việc đó hàng ngày, họ làm tôi nhức đầu không thôi. Trong khi, tôi nhìn những người đồng nghiệp đang miệt mài làm việc chăm chỉ, thậm chí không có thời gian để ăn. Một số khác, công việc nhàn hạ và than vãn, kể xấu cấp trên. Đúng là không nên để con người ta rảnh rỗi, “Nhàn cư vi bất thiện” không sai mà.
Tôi không hiểu họ đang nghĩ gì? Chấp nhận công việc nhàn hạ thì phải chịu lương thấp, muốn lương cao thì phải chịu áp lực công việc, muốn được khen ngợi thì phải bỏ công mà làm cho xứng đáng chứ? Những con người đó, đều là những người có ăn học hẳn hoi, cả người trông lúc nào cũng chỉnh tề lịch sự mà lời nói chỉ bằng những đứa trẻ “Ăn chưa no, lo chưa tới” mà thôi. Thời gian rảnh rỗi và họ ca thán nhiều hơn, nói xấu nhiều hơn,…và cuối cùng cũng phải nhận một cái kết đắng. Xưa nay, “Cái miệng hại cái thân” có sai bao giờ.
Nên biết tiết chế bản thân
Tiết chế bản thân không phải là sống giả tạo. Không ai bắt bạn phải che giấu cảm xúc thật của mình nhưng làm ơn hãy thể hiện nó một cách văn minh. Ngay cả khi bạn vui mừng quá độ hay tức giận đến mức phải nổ tung, cũng đừng hét vào tai người khác. Chúng ta là con người mà, chúng ta hiểu thế nào là phép lịch sự chứ? Chúng ta hoàn toàn có thể để mình sống trong khuôn khổ tự do để phù hợp với chuẩn mực của xã hội. Không tại sao cả, bạn có thể làm điều mình muốn nếu điều đó không ảnh hưởng tới ai. Sống tập thể phải như thế chứ. Hoặc cứ tùy hứng đi rồi có ngày bạn sẽ hối hận.
Đừng huyên thuyên không ngừng nếu bạn không phải là một nhà diễn thuyết. Ngay cả nhà diễn thuyết còn biết bản thân nên dừng lại ở đâu vì nói nhiều có khi lại hại mình và phiền người. Có thể người ta đã chán ngán với những lời của bạn vì chúng chẳng mang một giá trị nào cả. Những lời hỏi thăm hóa thành sự sáo rỗng hay lời an ủi một cách máy móc. Đâu phải lúc nào chúng ta cũng biết nói lời hay. Nhưng tất nhiên, bạn tự tin về bản thân thì cứ việc thể hiện.
Lời kết
Câu ca dao trên tuy ngắn gọn về mặt chữ nhưng ý nghĩa thì vô cùng vô tận. Cái hay của ca dao là như thế, chúng ta cứ nghiền ngẫm từ chữ và phát hiện đâu đâu cũng mang hàm ý sâu xa. Đó là bài học hay, kinh nghiệm quý giá mà mỗi chúng ta cần nhớ trong đời.
“Ăn lắm thì hết miếng ngon
Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ”