“Nói chín thì làm nên mười
Nói mười làm chín kẻ cười người chê”
Dù là xưa hay nay, những kẻ ba hoa cũng chưa lúc nào vắng mặt trong xã hội. Những người chuyên dùng miệng lưỡi của mình để “Khua môi múa mép”, vẽ ra những câu chuyện tưởng như thật nhưng chẳng xảy ra bao giờ.
Nhiều người bất tài nhưng cứ một mực thể hiện mình tài giỏi, trong khi những người giỏi thì lại giả vờ không biết gì. Nói chung, xã hội cứ đảo lộn cả lên và chúng ta không biết đâu mà lần hết được.
“Nói chín thì làm nên mười”
Giải thích về ý nghĩa của câu ca dao này, nó khá đơn giản và không khó để hiểu rõ ý nghĩa. Về mặt nghĩa đen, người nói chín phần thì nên làm mười phần mới phải. Còn ngược lại, lúc nói mười phần nhưng khi làm thì có chín sẽ bị người ta chê cười. Nói thì nhiều mà không làm được, đây là bài học cho những kẻ nhanh mồm nhanh miệng, chỉ biết ba hoa, thể hiện bản thân.
Xã hội bây giờ, chúng ta không khó để bắt gặp những người đó, thậm chí là họ hầu như có mặt ở mọi nơi. Từ trường học cho đến văn phòng, bệnh viện, hàng quán,…không nơi nào là thiếu những thành phần đó. Chúng ta cũng khó trách vì tâm lý của con người luôn như vậy, ai ai cũng muốn thể hiện bản thân mình dù đôi lúc, sự thể hiện đó trở nên thái quá.
Xem thêm bài viết tham khảo “Ăn lắm thì hết miếng ngon/Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ”
Bước ra đường cả ngày thì đã gặp vài người có tính cách như thế. Có thể họ không sai nhưng cách cư xử đó làm người khác khó chịu và người ta sẽ sớm chán ngán khi cứ mãi nghe những câu chuyện vẽ vời đó. Đôi lúc, tính xấu đó sẽ làm cản trở con đường thành công của bạn. Vì vậy hơn lúc nào hết, chúng ta nên thay đổi ngay từ bây giờ.
Ảnh hưởng xấu từ thói ba hoa
Ông bà ta có câu “Nói chín thì làm nên mười/Nói mười làm chín kẻ cười người chê” cũng vì lẽ đó. Thông thường, những người giỏi giang sẽ không cần tự chứng minh vì mọi người đều ngầm hiểu là họ giỏi. Giống như “lúa càng nặng càng cúi đầu” vậy. Họ luôn thích hành động hơn là lời nói, âm thầm làm việc và khi đại sự hoàn thành, người khác tự khắc công nhận. Đó chính là kiểu “Nói chín thì làm nên mười”.
Trong công việc lẫn cuộc sống, người nói nhiều làm ít thường không được tin tưởng và tín nhiệm. Cho dù bạn có khéo miệng đến đâu, bạn cũng không thể hoàn thành được việc mình đã hứa. Bạn càng thể hiện nhiều bằng lời nói càng khiến người khác chán ghét khi sự thật được phơi bày. Bởi vậy, nói ít làm nhiều mới là khí chất của người đáng tin cậy. Không có một nhà lãnh đạo nào lại thích tuyển dụng những nhân viên ba hoa, suốt ngày khoe khoang về bản thân với những chiến tích lẫy lừng nhưng khi thực chiến thì toàn là kết quả thảm bại.
Ngay cả trong tình yêu cũng thế, người càng biết cách hứa hẹn lại càng không đáng tin. Tốt nhất, chúng ta hãy tìm hiểu một người thông qua hành động của người ấy. Người đó có thể không biết nói những lời hoa mỹ, không hứa hẹn nhiều về tương lai, cũng không nhận định bản thân mình tốt đẹp nhưng họ luôn dùng hành động để bạn cảm nhận tình yêu luôn đong đầy.
“Nói mười làm chín kẻ cười người chê”
Mỗi người đều có nhu cầu thể hiện mình, muốn được mọi người chú ý đến và nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ. Thế nhưng, sự phù phiếm đó chỉ làm chúng ta vui vẻ trong phút chốc. Thứ cuối cùng còn lại, bạn phải đối mặt với sự chán ghét và cười cợt của mọi người. Không có gì bằng chúng ta sống thật với chính mình và những người xung quanh. Nếu bạn muốn đạt được một ngưỡng nào đó, bạn hãy phấn đấu nhiều hơn.
Trước đây khi đi làm ở công ty cũ, tôi đã gặp một kiểu người “nói mười làm chín” như thế. Tôi đã nghe người ấy huyên thuyên về tài năng của mình, kinh nghiệm lẫy lừng ra sao nhưng khi vào việc thì lại không làm được gì hết. Cả công ty lúc ấy mới vỡ lẽ về những chiến tích kia và từ đó, ai cũng hiểu về mức độ chân thật của những lời nói đó.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không tránh khỏi gặp phải những người như vậy. Và kết quả là, bản thân thấy chán ngán khi phải nghe họ thể hiện. Bạn có nhiều lần khéo léo nhắc nhở nhưng người ta vẫn không hiểu. Hoặc có khi, họ cố tình không hiểu vì tính họ đã như vậy rồi. Khi đó, cái mà chúng ta có thể làm là lơ đi và lấy đó làm bài học cho mình.
Ai cũng muốn sống tốt
Rõ ràng, chúng ta đều mong muốn và hướng đến một cuộc sống tốt đẹp. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ một phần là nhờ những con người với tính cách khác nhau. Xã hội với đủ kiểu người tính này hay tính nọ, điều đó cũng là một cái hay. Có những lỗi lầm không thể tha thứ được, có những cái sai không thể cứu chữa, có những người không thể tha thứ nhưng đâu đó, vẫn có những người chúng ta có thể chấp nhận.
Xem thêm bài viết tham khảo “Chì khoe chì nặng hơn đồng/Sao chì chẳng đúc nên cồng nên chuông”
Chúng ta có thể chấp nhận một vài điểm xấu xí của một người nếu như nó không ảnh hưởng nhiều đến người khác và không làm hại ai. Đôi khi, chúng ta bao dung cho những điều tưởng như bình thường trong cuộc sống. Mình ngầm hiểu là một người ba hoa vì họ thích thể hiện, người nói nhiều vì họ hay tò mò, người hay gây chú ý vì họ cô đơn,…Những tính cách này có thể làm người khác khó chịu nhưng cũng có thể bỏ qua.
Có những chuyện đã thuộc về bản tính nên rất khó thay đổi. Chúng ta chỉ có thể dành những lời khuyên nhẹ nhàng để họ nhận thức và thay đổi dần. Sớm muộn có một ngày, ai rồi cũng sẽ nhận ra mình đã sai ở đâu và nên sống tiếp như thế nào cho đúng.
Không một ai hoàn hảo
Đã là con người thì hiếm có ai hoàn hảo nên những lỗi nhỏ đều có thể được xí xóa bỏ qua. Có những người luôn khiến người khác chán ghét nhưng thật ra, họ vô hại. Chúng ta hãy bao dung với những người biết hối lỗi và dứt khoát với kẻ cố chấp với bản tính xấu xa.