Tục ngữ có dạy “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Dù là ở trong hoàn cảnh khó khăn và nghèo túng như thế nào cũng hãy giữ cho mình trong sạch. Trên đời này có rất nhiều người, cuộc sống của họ lúc nào cũng vất vả nhưng tấm lòng thì lại vô cùng đáng quý. Có thể không phải là những bộ quần áo đắt tiền và đời sống vật chất có phần khiêm tốn nhưng đối với nhân cách của mình, chúng ta hãy giữ cho nó thật đẹp…
“Đói cho sạch, rách cho thơm”
Như mọi câu tục ngữ khác, “Đói cho sạch, rách cho thơm” cũng mang đầy đủ nghĩa đen và nghĩa bóng.
Thứ nhất, “Đói cho sạch” nhắc nhở con người ta là dù có đói đến mức độ nào cũng nên chú ý sạch sẽ. Ăn uống nên đảm bảo vệ sinh để có lợi cho sức khỏe cũng như tạo thói quen tốt về sau. Còn “Rách cho thơm” ý là dù trong cảnh khó khăn, quần áo có rách nát cũng phải giữ cho nó không bẩn. Người ăn mặc tuy rách rưới nhưng vẫn giữ quần áo sạch sẽ, thơm tho thì không một ai kì thị và khó chịu.
Thứ hai, nói về hàm ý sâu xa của nó. “Đói cho sạch, rách cho thơm” là lời răn của ông bà ta về đạo lý sống ở đời. Cuộc sống thật sự có rất nhiều khó khăn và mỗi chúng ta phải học cách vượt qua nó. Nếu chẳng may, bạn lâm vào hoàn cảnh khốn cùng, nghèo đói đeo bám thì cũng đừng quá nản lòng. Đừng vì thế mà đánh mất đi giá trị của bản thân. Hãy sống giống như những đóa hoa sen, dù bị bùn vùi lấp vẫn thơm ngát và tỏa sắc kiêu hãnh. Như chúng ta, nghèo vật chất chứ đừng nghèo nhân nghĩa.
Những tấm lòng trong cuộc sống…
Mỗi ngày, tôi lại nghe biết bao nhiêu câu chuyện buồn, biết bao những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Nhưng đâu đó, tôi vẫn thấy họ mạnh mẽ vượt qua. Mạnh mẽ chống lại sự khắc nghiệt của tạo hóa. Thật ra, tôi luôn tin vào sự công bằng của ông trời. Chỉ cần chúng ta biết cố gắng thì ngày nhận quả ngọt sẽ không còn xa nữa. Hay ít ra, sống tốt một chút sẽ đỡ phiền một chút.
Xem thêm “Nhân nghĩa là chúa muôn đời/Bạc tiền là khách qua chơi bấy giờ”
Câu chuyện về người con hơn sáu mươi tuổi đầu vẫn hàng ngày đào bới trong những đống rác bốc mùi, kiếm vài cái vỏ lon đổi tiền nuôi mẹ già. Câu chuyện của một người tật nguyền nhưng vẫn sớm hôm bán từng tờ vé số nuôi thân, không mong làm phiền đến gia đình,….Quá nhiều câu chuyện khiến tôi nao lòng khi nhớ lại. Họ_những con người mạnh mẽ vượt qua số phận. Họ thật đáng học hỏi và đáng khâm phục biết bao nhiêu.
Còn có những người….
Ở cái thời phong kiến xa xưa ấy, lúc quan lại lạm quyền, sưu cao thuế nặng, lúc đồng tiền kiếm ra phải đánh đổi bằng xương máu thì ông bà ta vẫn hiên ngang sống đấy thôi. Họ giữ cái cốt cách thanh cao, “Đói cho sạch, rách cho thơm” của mình. Dù trong hoàn cảnh vất vả và gian nan như thế nào cũng không hạ mình làm những chuyện trái với lương tâm, thẹn với tổ tông.
Ấy vậy mà bây giờ, có những người thật lạ. Họ chấp nhận từ bỏ lòng tự trọng để đổi lấy mấy bữa ăn qua ngày, đổi lấy một cuộc sống “sung túc” đến đáng thương. Tôi bắt gặp một người thanh niên bị tật nguyền hai chân, anh lê la dưới bụi đường để xin từng đồng lẻ của mấy người đi chợ. Nhìn anh lam lũ thế, tôi cũng mủi lòng mà đưa một ít. Nhưng rồi chợ tan, tôi thấy anh gom tiền đứng dậy đi hiên ngang đến chiếc xe máy chờ sẵn. Ơ, hóa ra anh không bị tật ở chân.
Có lần, tôi thấy một phụ nữ gầy gò bế theo đứa con nhỏ đen nhẻm, mặt mày đầy bụi. Chị nói với tôi rằng chị đói quá, chẳng đi nổi nữa mà đứa bé cũng mấy ngày chưa có gì trong bụng. Tôi thương lắm, đưa chị ít tiền bảo kiếm gì lót dạ trước đã, chị cảm ơn rối rít và tôi ngỡ mình đang làm việc tốt. Tôi sẽ cứ tự huyễn hoặc mình như vậy nếu như mấy hôm sau, tôi không thấy một bài báo bắt những người đang tiêm chích ma túy ở một cái ngõ nhỏ. Quan trọng hơn, tôi thấy chị trên đó.
Sau những lần ấy
Sau nhiều lần như thế, tôi tự hỏi mình làm vậy có đúng không? Tôi đang giúp họ hay đang hại họ? Phải chăng, tôi và nhiều người khác lại tiếp tay để họ ngủ vùi trong sự lười biếng mà mãi không thể lay tỉnh nổi? Tôi không chắc nữa nhưng bây giờ tôi có vẻ khắt khe hơn rồi. Lắm lúc, tôi chỉ đưa ít tiền cho những người già thật già hoặc những người mà tôi nghĩ không thể lao động được nữa. Còn những người còn khả năng lao động, xin lỗi tôi không thể giúp nữa.
Tôi chẳng phải là người dư dả gì nhưng chia sẻ với họ một vài bữa ăn, tôi có thể. Có lúc, tôi đưa tiền những người thật khổ sở mà không cần lấy hàng của họ bán. Các bạn biết không, họ từ chối và cảm ơn tôi. Họ muốn được lao động, muốn tạo ra giá trị và hài lòng với thành quả của mình. Có những người sống đáng như thế còn có những người thì lừa lọc, thậm chí trộm cắp để đổi lấy bữa ăn. Mà không, họ muốn sung sướng hơn thế nữa nhưng lại sống trên sức lao động của người khác. Tôi tự hỏi, những bữa ăn như thế ngon đến độ nào?
Hãy sống cho xứng đáng với cuộc đời mình
Dù thế nào, tôi vẫn tin vào cuộc sống. Tin vào những giá trị và đạo lý tốt đẹp của cha ông truyền lại như “Đói cho sạch, rách cho thơm” vẫn còn được nhiều người gìn giữ. Thậm chí, họ phát huy nó và lấy đó làm động lực để phấn đấu nhiều hơn. Đã cùng là người với nhau thì ai cũng có nỗi khổ cả, không riêng gì người nào. Quan trọng là chúng ta cố gắng vượt qua nó bằng chính quyết tâm của mình.
Ai cũng khổ vậy nên đừng gieo thêm gánh nặng cho người ta. Chúng ta ăn no, mặc ấm trên mồ hôi của người khác thì làm sao được. Sống mà mình không thanh thản, sống mà để lương tâm giằng xé, sống mà để người ta xem thường mình thì làm sao gọi là sống được nữa?