Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng “Nhẫn là một đức tính đẹp, là cảnh giới cao nhất của đời người”. Ngẫm lại thấy rất đúng! Ở đời, người muốn gây chuyện, thể hiện cảm xúc nóng giận thì dễ chứ người tu được tính “nhẫn” có được mấy người? Vì giận dữ là một trong những cảm tính của bản năng còn “nhẫn” lại là có tính được hình thành thông qua rèn dũa và tu dưỡng. Người biết “nhẫn” bao giờ có được người người yêu quý, nhận được sự tín nhiệm và dễ thành công hơn trong cuộc sống. Tục ngữ xưa cũng có một câu nói về cái hay của việc “nhẫn” đó là “Một điều nhịn chín điều lành”.
“Một điều nhịn chín điều lành”
Tự bao đời nay, người Việt Nam ta luôn giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông. Hầu hết sống đúng với đạo lý, nhân nghĩa mà người đời trước đã truyền dạy. Trong đó, việc coi trọng hòa khí giữa người với người cũng rất nên được nhắc đến. “Dĩ hòa di quý” thì mọi chuyện đều thuận lợi, vui vẻ, khỏi mất lòng ai. Người dân ta sống trọng tình trọng nghĩa nên lấy hòa khí làm một trong những tiêu chí hàng đầu.
Tục ngữ dạy “Một điều nhịn chín điều lành” ắt phải có cái lý gì ở đây. Chỉ cần chịu nhịn “một” điều mà chúng ta lại có thể thu về tận “chín” điều lành thì chắc rằng có nhịn cũng xứng đáng. Nhịn một chút để mọi chuyện được êm đẹp, mọi người nhẹ nhàng với nhau và vẫn giữ được các mối quan hệ suôn sẻ là tốt. Sống trên đời, không thiếu gì những chuyện khiến bản thân phải nóng giận hay mâu thuẫn. Nhưng mỗi lần như thế, chúng ta lại giận dữ mà lao vào nhau không biết đầu đuôi thì thiệt sẽ hại biết bao nhiêu? “Giận quá mất khôn” cơ mà.
Xem thêm bài viết có liên quan “Giận quá mất khôn”
Những câu chuyện nhỏ trong cuộc sống
Đang đi trên đường, bạn tự dưng gặp phải một người chạy lại miệt thị bạn tới tấp, nói những lời khó nghe khi bạn chưa từng quen biết họ và cũng chẳng hiểu họ đang nói gì. Trong trường hợp này, bạn sẽ giải quyết như thế nào? Câu trả lời được chia thành hai luồng ý kiến. Một, bạn sẽ cố nhẫn nhịn chờ người đó bình tĩnh rồi cả hai cùng nói chuyện, giải quyết khúc mắc hiểu lầm. Hai, bạn sẽ lao vào đáp trả lại kiểu “ăn miếng trả miếng”, thậm chí là sẽ sẵn sàng xô xát nếu cần thiết; bạn sao có thể để người khác dễ dàng xúc phạm mình như thế chứ.
Có quá khó nghĩ để đưa ra lựa chọn là mình phải giải quyết thế nào cho hợp lý không? Tôi có thể khẳng định rằng, hơn chín mươi phần trăm các bạn đọc đến đoạn này sẽ chọn cách thứ nhất nhưng nếu ai chưa đọc thì tôi không dám chắc. Thật ra, con người đều đề cao cái tôi của mình và đó cũng là một quy luật tâm lý bình thường. Như tháp nhu cầu của Maslow, nhu cầu thể hiện bản thân ngang nhiên chễm chệ ở vị trí cao nhất. Ai cũng có lòng tự ái và họ chắc chắn không thích một ai xúc phạm đến nó.
Thế nhưng, tục ngữ dạy “Một điều nhịn chín điều lành” có sai bao giờ. Nhường một bước mà tránh được phiền phức và tổn hại thì cũng nên nhường chứ nhỉ. Người khác có thể hiểu lầm và cư xử tệ hại đối với bạn nhưng bạn không thể đáp trả họ bằng cái cách “thiếu suy nghĩ” như thế được, đúng chứ?
Nhẫn nhịn nhưng không nhẫn nhục
Phải công nhận rằng khi gặp chuyện tranh chấp, nhường một bước là mở ra một cơ hội làm hòa và hóa giải khúc mắc. Thế nên, người xưa mới khuyên “Một điều nhịn chín điều lành”. Khi chúng ta bình tĩnh suy xét, mọi chuyện đều có thể giải quyết theo một cách thấu đáo và hạn chế tối đa thiệt hại của nó. Còn cứ mất hết lý trí, ăn thua đủ với người thì không khéo lại vỡ lỡ thêm chuyện, hối hận cũng đã muộn màng. Người biết nóng giận hay hơn thua thì đầy ra đó, nhưng người hiểu được nhường nhịn sẽ mang lại giá trị mới đáng để khâm phục.
Tuy nhiên, chữ “nhịn” là đa nghĩa. Chúng ta phải hiểu rõ bản chất của nó và áp dụng tùy hoàn cảnh cho phù hợp. “Nhịn” ở đây là nhẫn nhịn chứ không phải là nhịn nhục. Chúng ta là những con người văn minh, cư xử theo truyền thống và đạo lý. Chúng ta hoàn toàn có thể nhường nhịn đối với những người thiếu hiểu biết hoặc chưa hiểu chuyện nhưng thái độ luồn cúi thì không. Tuyệt đối không khoan nhượng với những chuyện trái với luân thường.
Lúc nào nên nhịn, lúc nào không?
Thời nước ta bị thực dân hơn ngàn năm đô hộ, nếu ông cha ta cứ mãi nhẫn nhịn thì lấy đâu ra độc lập-tự do như bây giờ. “Con giun xéo lắm cũng quằn”, có ai mà nhịn nổi trước những kẻ thù tàn bạo, ngày đêm bòn rút máu thịt của đồng bào mình. Chắc chắn, nhờ sự kiên cường và bất khuất của họ thì chúng ta mới có được cuộc sống như ngày hôm nay.
Lại nói ra đường, bạn bị người khác ức hiếp và thậm chí là uy hiếp. Chúng hại bạn, hại cả người thân và gia đình bạn? Bạn có nên nhịn không? Tất nhiên, chúng ta sẽ tự bảo vệ mình và những người mình thương yêu bằng những phương pháp khôn ngoan và có suy tính chứ không đơn thuần là lao vào chống trả không phân biệt. Vì họ là những người không thể “cải tà quy chính” nữa và chúng ta cũng không cần giữ mối quan hệ tốt đẹp với những kẻ như thế. Vậy nên, tùy người và tùy tình huống mà chúng ta áp dụng “Một điều nhịn chín điều lành” cho phù hợp.
Những trường hợp như thế mà chúng ta chấp nhận “nhịn” là nhịn nhục. Chúng ta chấp nhận nhường bước vì những điều không đáng. Nó chẳng mang lại cho mình một lợi ích gì cả. Con người ai cũng có quyền sống và bình đẳng cho nhau, cớ gì lại không biết tự bảo vệ bản thân mình?
Tạm kết
Biết lắng nghe và tiếp thu những lời người xưa truyền dạy là một điều đáng quý. Nhưng chúng ta cũng cần kết hợp với phán đoán của bản thân để vận dụng cho đúng đắn. Tùy hoàn cảnh và con người mà cư xử ứng biến linh hoạt. Nghe và làm thôi chưa đủ. Nghe, hiểu, phân tích rồi làm thì mới thật là hay.