Trên đời này, mỗi sự vật đều có cái ranh giới rành mạch của nó, như “Ao có bờ, sông có bến”. Chính nhờ vào cái ranh giới phân minh đó mà sự việc nào ra sự việc nấy, tạo nên nếp trật tự cho đời sống muôn loài. Vạn vật đều có giới hạn nên chúng ta phải biết cân nhắc trước hậu quả khi muốn vượt qua cái giới hạn đó.
“Ao có bờ, sông có bến”
Đây giống như là một quy luật bình thường trong cuộc sống, mọi vật đều có ranh giới xung quanh. Chúng nhắc cho ta nhớ ta nên biết dừng lại ở đâu, đó là khái niệm giới hạn. Khi bạn muốn vượt qua giới hạn, bạn phải chắc rằng mình đủ tự tin để gánh vác hậu quả về sau. Đó cũng là lời khuyên mà người xưa muốn gửi gấm lại cho thế hệ chúng ta bây giờ.
Trong cuộc sống, chúng ta rất nhiều lần đã vượt qua một giới hạn nào đó. Dẫu là vô tình hay cố ý thì điều đó cũng thật không nên. Tất nhiên nói ở đây là giới hạn của người khác chứ riêng về giới hạn của bản thân thì chúng ta nên từng bước bức phá. Giới hạn đặt ra là để người khác biết đâu là điểm dừng, nếu chúng ta cứ cố gắng chen chúc vào nó thì sẽ thành ra tai hại.
Biết bao nhiêu câu chuyện vì không thắng nổi chính mình, vượt qua lằn ranh của giới hạn mà nhận lại hậu quả không mong muốn. Mọi sự trên đời đều có giới hạn, không có gì là vô tận hay mãi mãi. Khi chúng ta hiểu được những chân lý đó thì cuộc sống của mình sẽ bớt đi phiền phức và gặt hái nhiều thuận lợi hơn.
Tôn trọng giới hạn của nhau
Trong bất kì các mối quan hệ nào, chúng ta cũng cần đặt ra một giới hạn nhất định cho nhau. Ngay cả mối quan hệ gia đình giữa cha mẹ và con cái hay tình yêu vợ chồng,…cũng không ngoại lệ. Người xưa dùng câu tục ngữ “Ao có bờ, sông có bến” để nhắn gửi điều gì? Vạn vật đều có giới hạn rõ ràng, chúng ta hãy tôn trọng điều đó và đừng vượt qua lằn ranh của nó.
Cha mẹ dù có công sinh ra và dưỡng dục con nhưng cũng không có quyền ép con nhất quyết nghe theo ý mình. Thời bây giờ, chuyện duyên nợ ai nỡ còn ép uổng, người ta nói “Ép dầu, ép mỡ ai nỡ ép duyên”. Đôi trẻ yêu nhau nhưng không đến được với nhau mới thật là đau khổ. Nhìn thấy con cái như thế, cha mẹ cũng đâu có vui vẻ gì. Thôi thì cho con tự do lựa chọn, sướng khổ gì thì chúng cũng chịu vì ai cũng đã trưởng thành cả rồi.
Xem thêm bài viết tham khảo: “Áo mặc sao qua khỏi đầu”
Lòng tin yêu không bao la, không vô tận.. mà cũng chỉ như ““Ao có bờ, sông có bến”, nếu vượt quá giới hạn cho phép thì sẽ ngập lụt, khó nhận biết bờ bến ở đâu. Chuyện tình cảm hay mối quan hệ vợ chồng cũng tương tự thế, dù là tri kỷ trăm năm nhưng cũng đừng nên đi quá giới hạn. Đành rằng là thương nhau nhưng cả hai cũng nên cho nhau những không gian riêng tư, ở đó mỗi người tự do trong thế giới của riêng mình.
Tình yêu sẽ làm cho chúng ta cảm thấy tốt hơn chứ không phải mang đến sự bó buộc mệt mỏi.
Sống kỷ luật và nề nếp
Bên cạnh đó, câu tục ngữ “Ao có bờ, sông có bến” cũng nhắc nhở chúng ta nên sống theo lối sống nề nếp và kỷ luật. Bạn nên có kế hoạch cho cuojc đời mình, chia nhỏ mục tiêu và dần dần thực hiện nó. Có như vậy, bạn mới có động lực phấn đấu và dễ dàng hơn trong mọi chuyện. Người sống không mục tiêu, không kế hoạch giống như con diều đứt dây đung đưa trước gió. Ai biết ngày mai, gió sẽ đưa ta về nơi ngập tràn ánh sáng hay tăm tối vô biên?
Bạn vạch ra con đường cho mình và đi theo đúng quỹ đạo của nó. Những người thành công trên thế giới xưa nay đều sống theo cách kỷ luật như vậy. Họ từng bước, từng bước chinh phục ước mơ của mình. Họ không chán nản hay quá đau khổ vì mọi thứ dường như đã nằm trong kế hoạch sắp đặt sẵn. Tính kỷ luật cao hỗ trợ bạn rất nhiều trong cuộc sống cũng như công việc hàng ngày.
Người làm đúng luật, công bằng khi làm trong nhà nước thì được người dân yêu quý và tin tưởng. Còn khi làm việc ngoài xã hội thì được tín nhiệm và đề bạt cao hơn. Cứ như vậy, thành công chắc chắn sẽ đến với bạn vào một ngày không xa nữa. Trong một cuộc tuyển chọn nhân viên xuất sắc, những nhân viên được chọn chắc chắn phải là người có tính kỷ luật cao.
Hậu quả của lối sống buông thả
Trong cuộc sống, chúng ta gặp và tiếp xúc với rất nhiều người. Có người mang đến cho bạn sự ngưỡng mộ, còn có người chỉ khiến mình thêm chán ghét và phẫn nộ. Thật ra, mỗi chúng ta đều là những tờ giấy trắng lúc mới sinh ra. Theo thời gian, chúng ta biến đổi và trở nên những con người chính mình cũng không ngờ tới. Vậy điều gì tạo nên sự thay đổi đó? Hoàn cảnh, môi trường sống,…có thể là mọi thứ nhưng phần lớn là ở chính bản thân mình.
Vì ý chí của chúng ta chưa đủ lớn để vượt qua cám dỗ. Sao chúng ta không như những đóa hoa sen dưới bùn kia, luôn thơm ngát mặc cho bùn đất vây quanh? Chỉ một lần sa ngã, chúng ta sẽ trở thành người xấu, người bị xã hội và bạn bè xa lánh. Nỗi đau đó không chỉ gặm nhấm bạn mà còn ảnh hưởng tới gia đình và những người luôn yêu thương bạn.
Những tháng ngày buông thả đi qua, chúng ta còn lại gì ngoài sự hối hận và mất mát. Hãy dừng lại đi trước khi quá muộn, bạn và cả tôi đang phí hoài tuổi trẻ đấy. Chúng ta hãy trở lại cuộc sống lành mạnh trước khi quá muộn đi.
Lời kết
Câu tục ngữ “Ao có bờ, sông có bến” cũng như bao nhiêu câu tục ngữ khác trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Nó mang đến những lời dạy, lời khuyên bổ ích của cha ông ta để lớp con cháu sau này thêm trưởng thành hơn.
Chắc chắn rằng, dân tộc ta sẽ ngày càng phát triển và lớn mạnh hơn nữa, nếu mỗi người đều giữ gìn cũng như phát huy được cái nôi truyền thống quý báu này.