“Bụt chùa nhà không thiêng”
Người ta hay có xu hướng tin vào những điều đồn đoán, được làm quá lên từ những nơi tận đâu xa xôi chứ không chịu tin vào sự thật ngay trước mắt mình.
Con người luôn khao khát sáng tạo và muốn sáng tạo phải khác biệt. Nhưng còn gì buồn hơn khi nhiều sáng tạo luôn bị tìm cách phủ nhận, tiêu diệt ngay khi nó vừa xuất hiện ở đất nước mình. Đó cũng là hàm ý mở rộng của câu tục ngữ “Bụt chùa nhà không thiêng” được nói đến ở trên.
“Bụt chùa nhà không thiêng
Câu tục ngữ này vừa mang tính giải trí, vừa có ý mỉa mai và trách móc. Tại sao người ta lại cho rằng “Bụt chùa nhà không thiêng”? Một là, năng lực của bụt ở nhà không bằng năng lực của bụt ở nơi khác nên khi có một công việc gì đó cần thực hiện thì người chủ nhà phải đi rước bụt nơi khác về mới đủ sức để thực hiện được. Hai là, người chủ nhà là người có xu hướng cổ suý đồ ngoại, ưa khoe mẽ, lên mặt với người xung quanh nên cứ phải đi rước bụt ngoài, mặc dù bản thân chủ nhà cũng biết rằng công việc đó không nhất thiết phải đi rước bụt ngoài cho tốn kém, nhưng phải đi rước để còn lấy oai với người xung quanh.
Còn có một hàm ý khác thú vị hơn đối với việc đi rước bụt ngoài là người chủ nhà chẳng biết gì về khả năng thực sự của bụt nhà hay bụt người. Đôi khi còn đi rước những “ông bụt giấy” của người khác về cung phụng, trong khi tài năng của bụt nhà lại không được phát huy.
Tất nhiên câu chuyện bụt nhà hay bụt nơi khác cũng chỉ là cách ví von thâm thuý của cha ông ta về việc dùng người trong tay của mình. Càng suy ngẫm, chúng ta càng thấy nó chí lý và cần thiết với lối sử dụng con người thời hiện đại ngày nay. “Bụt chùa nhà không thiêng”, suy nghĩ đó đã giết đi những tài năng thật sự trong tay nhiều ông chủ để rồi nhận lấy cái kết cục thật cay đắng cho cả hai phía.
“Người Việt dùng hàng Việt”
Câu tục ngữ “Bụt chùa nhà không thiêng” đâu chỉ gói gọn trong việc người ta thích những “ông bụt” ở nơi xa xôi mà chê bai những “ông bụt” gần nhà. “Bụt chùa nhà không thiêng” ư? Chưa hẳn là như vậy!
Xem thêm bài viết tham khảo “Ăn đầu sóng, nói đầu gió”
Một phần vì thói xấu không muốn ai hơn mình, khi thấy ai làm được gì, nhất là những việc từ trước tới giờ không ai dám thực hiện, hay những việc không theo đường mòn thói quen, những sáng tạo mới mẻ…, thì bằng mọi cách chê, không thừa nhận, thậm chí hủy diệt nó từ trứng nước.
Giống như chuyện “Người Việt dùng hàng Việt”, đó là một chuyện đáng vui, đáng ủng hộ nhưng người Việt chúng ta lại không như vậy. Họ muốn dùng hàng ngoại, hàng nhập khẩu và có ý chê bai hàng Việt không xứng tầm. Tất nhiên rằng, ai cũng mong muốn và có quyền tìm cho mình những sản phẩm tốt nhất, hiện đại nhất nhưng việc ủng hộ nước nhà cũng rất đáng khen, phải không?
Tư tưởng ghanh ghét và đố kỵ
Nếu đất nước chúng ta có thể phát triển một cách vượt bậc, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu thì đúng là một chuyện đáng chúc mừng. Thế nhưng, tư tưởng của người Việt lại đa phần là “Bụt chùa nhà không thiêng”. Là vì họ không có niềm tin người dân chúng ta sẽ làm nên trò trống gì hay chính tại sự đố kỵ lớn dần làm ai ai cũng mất đi lý trí.
Tìm cách chê bai, dìm hàng hoặc thậm chí là những từ khó nghe được thốt ra như “ăn cắp”, “ăn xin” hay sự kì thị giới tính một cách rất không văn minh. Người nào ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế khen ngợi thì về nước mình chỉ nhận toàn gạch đá, hoặc ít hơn là sự chê bai khiếm nhã khiến ai cũng không chịu nổi. Đừng hỏi tại sao những người giỏi giang đều chọn sống và làm việc ở nước ngoài? Hãy nhìn lại bản thân mỗi chúng ta trước đã.
Khi nào người dân chúng ta sửa được tính xấu đó, đất nước mới mong có thể phát triển thêm một bước. Không mong xa xôi, chỉ mong chúng ta có thể công bằng đón nhận những tài năng và ưu tiên ủng hộ cho những nhân tài của nước nhà.
Công bằng và văn minh
Muốn cho quyết định của mình là sáng suốt, hiệu quả, không có con đường nào khác những ông chủ phải tự nâng cao cái tầm và cái tâm của bản thân. Cái tầm để nhìn thấu đáo năng lực thực thụ của từng con người để mà so sánh, còn cái tâm để xử sự cho đúng các mối quan hệ bên trong, bên ngoài bởi lẻ khi bụt nhà không thiêng thì tồn tại của bụt đó không còn giá trị nữa.
Xem thêm bài viết tham khảo “Cái khó ló cái khôn”
Những người trong tay ta, sống cùng ta bị ta biến thành kẻ không có giá trị thì làm ông chủ để làm gì? Thành kiến làm cho “Bụt chùa nhà không thiêng”, thích những cái lạ; thích gì thì phóng đại tô mầu, ghét thì cũng thế. Nhiều khi lý luận một chiều sai lệch, cái vô lý ngớ ngẩn cũng cho là hay là đẹp, hoặc không hiểu gì cũng cho là hay. Sống hoàn toàn theo dư luận, theo cách của người đời, không dám vượt trên dư luận sai lạc, vượt trên những phán đoán thiên lệch.
Đất nước chúng ta cũng có đầy rẫy nhân tài nhưng vì điều kiện chưa có nên chưa kịp phát triển. Thay vì tranh vùi dập hay luôn “bàn ra” để họ nản chí thì bạn nên tiếp thêm động lực cho họ bằng những lời ủng hộ chân thành. Thậm chí, bạn cứ im lặng cũng được, sự im lặng của bạn ít ra còn đỡ hơn là những lời chê bai trù dập.
Lời kết
Qua câu tục ngữ “Bụt chùa nhà không thiêng”, mỗi chúng ta nên có thời gian nhìn lại bản thân mình để sửa đổi cho hoàn thiện hơn. Đối với mọi người, mọi việc thì chúng ta nên có sự công tâm để mọi chuyện không đi quá xa. Dẫu thế nào thì cùng một tiếng đồng bào, người trong một nước chắc chắn phải ủng hộ và giúp nhau đi lên. Có như vậy, đất nước mới ngày càng lớn mạnh và phát triển hơn nữa. Theo đó, đời sống mỗi cá nhân cũng được cải thiện nhiều hơn.