“Ai ơi chớ vội cười nhau
Cười người hôm trước, hôm sau người cười”
Chúng ta hãy tin rằng cuộc sống rất công bằng và hãy cống hiến hết mình nếu bạn muốn nhận lại giá trị nào đó từ cuộc sống. Mỗi người đều mang cái khổ của riêng mình và chẳng ai giống ai. Cũng không có gì hay nếu bạn đem cái sự khổ đau của người ta ra làm trò mua vui giải trí. Cuộc đời ngắn lắm bạn tôi ơi, thấy đó rồi mất đó, vô thường đến mức chưa kịp cảm thụ đã đi hết đời. Chưa biết ngày mai sẽ ra sao đâu, có khi mình lại chính là nạn nhân của những trò vui mình từng khởi xướng? Đời có ai ngờ!
“Ai ơi chớ vội cười nhau…”
Cảm xúc là của riêng mỗi người, nghĩa là chúng ta có buồn hay vui hoặc giận giữ, lo lắng,…đều là chuyện của cá nhân. Bạn có thể thoáng buồn vì hôm nay vô tình lướt qua một câu chuyện đời bất hạnh, hay chợt phá lên cười như điên vì nhớ tới hành động của đứa bạn “mặn hơn muối” trong nhóm của mình. Nói chung, mình thích thì mình bày bày tỏ cảm xúc thôi. Nhưng hãy chắc chắn rằng, sự thể hiện cảm xúc của bạn không làm ảnh hưởng tới ai?
“Ai ơi chớ vội cười nhau”
Có những người, những chuyện trong cuộc sống đáng ra không nên để đem ra cho chúng ta cười cợt hoặc trêu chọc. Khi bạn vui sướng trên nỗi đau của đồng loại, bạn đang nghĩ gì? Là chúng ta đã quá vô tình đến quên đi truyền thống yêu thương đùm bọc của ông cha, hay tại cuộc sống vô vị đến nỗi bạn cần phải lôi kéo một cái gì ra để làm thế thân cho trò đùa cảm xúc?
“Ai ơi chớ vội cười nhau”, cười ở đây không phải là thấy chuyện buồn cười mà không cho cười, cười ở đây là cười chê, mai mỉa. Khi bạn thấy người mà bạn không thích gặp khổ đau vì một chuyện xấu hổ, bạn thấy hả dạ và cười cợt không tiếc. Kèm theo đó là lời dèm pha, thêm bớt để câu chuyện kia là niềm vui của hàng đống người. Những câu chuyện được biên tập vội vàng rồi lan truyền vô tội vạ, người thêm kẻ bớt thành ra một nội dung khác. Rồi một đồn mười, mười đồn trăm, chúng ta thưởng thức như thế có thật sự vui không?
Luật nhân quả không chừa một ai, mỗi khi làm việc gì thì bản thân cũng nên suy xét nặng nhẹ. Thời bây giờ “Quả báo nhãn tiền”, bạn sẽ không biết được chuyện gì sẽ xảy đến với mình đâu. Có khi hôm nay chuyện mà bạn đem ra làm trò tiêu khiển lại chính là chuyện bạn sẽ phải gặp trong tương lai. Đời có ai biết trước được chữ ngờ!
“Cười người hôm trước, hôm sau người cười”
Đó chính là một trong những nét thú vị của cuộc sống, nó mang đến cho bạn từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sống thế nào thì sẽ nhận lại thế đấy. Người xưa dạy “Ở hiền gặp lành”, chắc chắn không sai. Chưa đi đến cuối cùng sao biết cuộc đời bạc bẽo?
Sống thiện gặp thiện báo, sống ác gặp ác báo. Thấy người sa cơ chớ nên cười cợt, chưa biết mai này mình còn gặp chuyện trái ngang hơn. Cuộc sống là một vòng tuần hoàn, bỏ công chăm bón vun trồng ắt sẽ nhận lại quả ngọt. Hiền lành không phải để người ta lợi dụng hay hà hiếp, hiền lành là thiện trong tâm. Nghĩ thiện, làm thiện, bớt sân si với cuộc đời. Mình chỉ làm những việc bản thân thấy đúng, thấy không hổ thẹn là được.
Ai trong cuộc sống cũng sẽ có lúc gặp phải khó khăn, mình đã tốt hơn ai mà chê cười người khác? Dù mình tốt cũng không nên bày tỏ thái độ tiêu cực, vì lời nói là không là dao nhưng có tính sát thương rất lớn. Nếu được, xin hãy bao dung với cuộc đời.
Áp dụng thời hiện đại
Tôi đã từng nghe rất nhiều câu chuyện về những bạn trẻ mới lớn, sa vào tình yêu rồi gây ra những sai lầm đáng tiếc. Ai cũng từng trẻ dại mà chúng ta lại nỡ xoáy sâu vào sai lầm của người khác, sao không đặt bản thân vào hoàn cảnh của họ. Tôi cũng đồng ý rằng, có lẽ các bạn trẻ ấy đã sai nhưng lỗi không hoàn toàn do các bạn.
Thay vì động viên và giáo dục nhẹ nhàng để rút ra bài học, chúng ta_những người lớn, đã làm gì? Trù dập, chê cười, mỉa mai, thêm bớt,…? Sự vô tình đến đáng sợ của chúng ta đã đẩy những cuộc đời lùi vào bóng tối và khơi dậy góc yếu đuối nhất trong tâm hồn của những đứa trẻ, chúng ta đã “giết” rất nhiều người.
Còn rất nhiều câu chuyện như vậy, nhiều hơn những gì chúng ta được nghe và được thấy nhưng ai rồi cũng bị cuộc sống hối hả làm quên đi. Chúng ta có thể sẽ dễ quên những lời mình nói, những việc mình làm nhưng những nạn nhân hứng chịu hậu quả mà chúng ta mang lại thì làm sao? Ai giúp họ quên những tủi nhục và nỗi đau đớn đó?
Đồng ý rằng, con người đều phải trả giá cho những sai lầm của mình nhưng ông bà ta hay bảo “Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”. Vì là đồng bào, vì là những sai lầm không đáng nên có thể được vi vu bỏ qua. Những anh hùng bàn phím ngoài kia có thể sẽ hối hận khi nhận ra rằng, con em của mình một ngày nào đó sẽ gánh trả cái nghiệp mà mình đã gieo.
Kết luận
Một câu ca dao ngắn gọn, dễ nhớ nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa thâm thúy. Ngẫm lại mới thấy, ông cha ta mới thật là tài khi mọi đạo lý đều được lồng ghép và răn dạy từ những câu ca nghe có vẻ vui tai nhưng lại mang đầy hàm ý. Những bài học hay về cuộc sống, về con người, cách đối nhân xử thế,…đều được thể hiện rõ nét qua ca dao. Người không hiểu đọc rồi cười cho qua, người thật sự hiểu đọc rồi suy ngẫm. Tùy vào cách cảm nhận của mỗi người mà chúng ta hiểu theo những ý nghĩa khác nhau nhưng chung quy, chúng đều dạy con người ta sống tốt.
Tôi đã từng thấy nhiều câu chuyện nhân quả diễn ra thật bất ngờ xung quanh không gian sống của mình. Hôm nay cười người, hôm sau người cười lại. Cuộc sống cứ như vậy mà trôi qua. Nhưng quan trọng là chúng ta muốn nhận lại điều gì trong cuộc đời muôn màu này thì hãy suy ngẫm cách để tiến gần đến điều đó. Có sao đâu, miễn mình sống vui là được?
“Ai ơi chớ vội cười nhau
Cười người hôm trước, hôm sau người cười.”