Kho tàng văn học dân gian Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng. Trong đó, ca dao là một trong những thể loại dễ nhớ và để lại cho người đọc nhiều chiêm nghiệm nhất. Có khi là những câu ca ngắn gọn nhưng lại ẩn chứa nhiều bài học và kinh nghiệm quý giá cho con cháu đời sau. Nhất là hình ảnh của chính những người dân lao động cần cù, chịu khó, dạn dày sương gió đi qua năm tháng của thời gian. Họ bỏ ra công sức và đánh đổi những giọt mồ hôi của mình để nhận lại cuộc sống tạm gọi là no đủ.
“Muốn no thì phải chăm làm
Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi”
Người dân lao động cần mẫn
Không có gì vất vả bằng lao động, cả lao động chân tay lẫn lao động trí óc. Cứ có làm việc thì chẳng thấy việc nào là dễ dàng. Nhưng cũng phải thôi “Có làm thì mới có ăn”, một khi chúng ta chăm chỉ làm việc thì mới mong nhận lại quả ngọt và bản thân cũng thấy hài lòng vì điều đó.
Thời ông cha ta, công việc làm nông là chủ yếu. Đặc biệt là trồng lúa, đó là nghề chính cho hầu hết người lao động thuở ấy. Mà người ta quý hạt lúa lắm, lúa thóc được ví là quý như vàng vậy. Bởi lẽ, có thóc lúa mới có cái mà ăn. Con người chẳng phải cần ăn để sống đã sao?
“Muốn no thì phải chăm làm
Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi”
Muốn no bụng, trước hết phải chăm chỉ làm việc đã. Ở đời, có ai ngồi không mà tự có tiền bạc hay thức ăn chạy vào túi đâu. Ngay cả những kẻ có suy nghĩ nằm đấy “há miệng chờ sung” thì cũng họa hoằng lắm mới được một quả sung rụng vào miệng. Cứ trông chờ vào may rủi như thế thì chắc sẽ sớm chết vì đói.
Quả sẽ ngọt nếu bỏ công vun trồng
Ông cha ta bao đời nay đã lao động và làm việc chăm chỉ để đổi lấy chén cơm thơm ngọt, nhận thành quả xứng đáng với những gì mình bỏ ra. Mặc cho ngày nắng cháy da hay ngày mưa ướt lạnh, họ vẫn ở đó cần mẫn như những chú ong nhỏ, góp nhặt những hạt mật ngọt vun đắp cho gia đình của mình. Có ai thấu được nỗi vất vả trải dài qua năm tháng, sương gió làm bạc màu áo nâu nhưng những con người ấy vẫn ở đó mà “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Xem thêm: Ca dao “Nhân nghĩa là chúa muôn đời/Bạc tiền là khách qua chơi bấy giờ”
Rồi ngày này qua ngày khác, họ vun trồng, cấy lúa, làm cỏ, chăm bón,…và thu hoạch chúng với biết bao nhiêu là công sức đã bỏ ra. Nhưng những người lao động cần cù kia, họ vui với niềm hăng say trong công việc. Người ta hiểu rõ giá trị của lao động thực thụ, nghĩa là muốn nhận lại thành quả trước hết phải bỏ công ra. “Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi”, vậy nên chén cơm ăn rất đỗi ngọt ngào. Chén cơm có được nhờ những giọt mồ hôi không hề mặn mà nó thấm nhuần cái vị ngọt của niềm vui và hạnh phúc khi hưởng thụ thành quả mình làm ra.
Nếu bạn muốn gì, hãy bỏ công làm nó
Đã là người thì ai cũng phải ăn mới sống được, mà phải làm thì mới mong có ăn. Không có công việc nào là dễ dàng cả, nếu nó dễ dàng thì thành quả bạn nhận lại cũng chỉ tương xứng mà thôi. Tất cả đều do bản thân mình quyết định.
Nên nhớ, cuộc đời không ai cho không ai một điều gì. Bạn muốn nhận và cái gì đó thì trước hết, bạn phải phải cho đi đã. Hay ít ra, bản thân cũng phải làm việc, bỏ công sức mới mong được đền đáp xứng đáng.
Không giống như xưa, thời đại của chúng ta rất dễ tìm việc. Và các bạn biết không, dù là nghề nào, miễn lao động tạo ra vật chất thì đáng được trân trọng. Không có nghề sang hay nghề hèn, chỉ có nghề tạo ra giá trị. Khi bạn làm việc chân chính để đổi lấy những đồng tiền bằng mồ hôi và công sức của mình thì không việc gì phải xấu hổ. Chỉ có những ai lười nhác, ăn bám người khác khi mình đủ khả năng lao động mới phải thấy ngại vì hành động của mình. “Lao động là vinh quang”, nhất là những bạn trẻ nên ý thức được giá trị của lao động. Chỉ khi tự tạo ra vật chất, mình mới cảm thấy hạnh phúc khi sử dụng chúng.
Tuổi trẻ cần lao động nhiều hơn người khác
Tôi luôn cho rằng, nhân lúc mình còn có thể hãy làm việc nhiều hơn một chút. Vì khi tiêu những đồng tiền do chính mình làm ra, bản thân sẽ có một cảm nhận rất khác. Một số bạn trẻ gia đình dư dả, quen sống trong nhung lụa nên chưa thực sự hiểu được giá trị của lao động. Các bạn ấy tiêu xài hoang phí và dường như không hề nghĩ đến cách để kiếm tiền. Còn một số khác sinh ra đã khó khăn, bản thân luôn phải cố gắng hơn người khác. Mỗi một đồng tiền chi ra phải đắn đó suy nghĩ, xem xét trước sau, tiết kiệm từng chút. Thật ra, cũng không hẳn là người ta tính toán, mỗi người mỗi cảnh mà.
Xem thêm: Ca dao “Ai ơi chớ vội cười nhau/Cười người hôm trước, hôm sau người cười”
Biết đâu mỗi buổi sáng thức dậy, cái đánh thức bạn không phải là đồng hồ báo thức mà là trách nhiệm. Cha mẹ già và lũ em thơ dại đang trông chờ vào bạn, bạn là điểm tựa và là niềm hy vọng duy nhất của họ. Lúc này, bạn không chỉ phải cố gắng vì bản thân mình mà còn vì những người bạn yêu thương nữa. Lấy tiền của người ta đâu phải dễ vì ai cũng vất vả mới có tiền nên bạn phải bỏ công xứng đáng nếu muốn nhận lại nó. Hãy chủ động thực hiện những ước mơ nếu bạn muốn nó trở nên hiện thực hóa.
Lời kết
Ai cũng có nỗi khổ của riêng mình. Mỗi người đều phải tự vỗ về bản thân mà bước tiếp. Bạn muốn no bụng, bạn muốn giàu có, bạn muốn thế này, thế kia,…thì bạn hãy lao động trước đã. Lao động để thấy giá trị của những giọt mồ hôi, lao động để biết cuộc đời không hề dễ dàng và lao động để thấu những gì mà cha mẹ chúng ta đã phải chịu đựng. “Tự túc là hạnh phúc”, bạn chính là người quyết định cuộc sống của mình. Bạn, cha mẹ hay con cái của bạn sẽ sống một cuộc đời như thế nào, tất cả phụ thuộc vào suy nghĩ của bạn lúc này. Bước tới đi bạn tôi ơi, khi bạn chần chừ thì thời cơ hội lại chạy xa bạn hơn một chút rồi đó.