Người Việt Nam ta xưa nay vốn xem trọng nhân nghĩa và luôn đặt nó là yếu tố hàng đầu để đánh giá một con người. Từ lâu, truyền thống đó đã ăn sâu vào máu thịt và được lưu giữ đến tận bây giờ. Dù là thời xưa hay thời nay, người già hay người trẻ, cô gái hay chàng trai đều phải giữ lấy nhân nghĩa làm tiên quyết.
Mặc cho cuộc sống hiện đại có chút xô bồ, chúng ta cũng đừng vì đồng tiền mà quên đi những giá trị đạo đức tốt đẹp cần gìn giữ. Tại sao lại như vậy?
“Nhân nghĩa là chúa muôn đời
Bạc tiền là khách qua chơi bấy giờ”
Ở đời, nhân nghĩa là cốt yếu
Khi người ta đem nhân nghĩa ra so sánh với những bậc vua chúa, đủ thấy tầm quan trọng của nó đang ở mức độ nào. Vua chúa cao cao tại thượng, nắm được nhân nghĩa ở đời là coi như một phần nắm được “thiên hạ”. Mỗi người được sinh ra như một tờ giấy trắng, thông qua môi trường sống, giáo dục, rèn dũa,…để từng bước hoàn thiện và trưởng thành. Bởi thế nên “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” là phải. Một đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành một người như thế nào phụ thuộc rất lớn vào những yếu tố vừa kể trên.
Người ta luôn dựa vào phương diện đạo đức để xem xét một người có tốt hay là không. Và tất nhiên, những người đạo đức và nhân phẩm tốt luôn được xem trọng trên mọi phương diện. Chẳng ai coi thường hay cười cợt những người nhân cách tốt cả, có chăng là những thành phần lấy việc ganh ghét, tị nạnh làm niềm vui cho mình.
“Nhân nghĩa là chúa muôn đời”
Có nhân nghĩa thì chúng ta không cần phải quá lo lắng bởi để đạt được nó là cả một quá trình dài. Bạn phải rèn luyện và tu dưỡng ngay từ nhỏ, mà dẫu có như vậy thì cám dỗ bên ngoài cũng sẽ khiến bản thân dễ sa ngã. Quan trọng là chúng ta vượt qua những cám dỗ phù phiếm đó và giữ vẹn nguyên nhân nghĩa tốt đẹp trong con người mình. Làm được điều đó thể hiện được bạn là một người thật sự có bản lĩnh.
Cứ “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” được thì mới hay. Rất khó để giữ được lòng mình trước những cái xấu muốn xâm nhập, nhưng khi chúng ta đã quyết không quan tâm rồi thì chẳng có gì chạm đến mình được. Khi bạn nắm được cái hay của nhân nghĩa cũng tương tự việc nắm chiếc chìa khóa thành công trong cuộc sống. Điều này chắc chắn sẽ mang lại rất nhiều cơ hội mới cho bạn, cứ yên tâm.
“Bạc tiền là khách qua chơi bấy giờ”
Hình ảnh so sánh tiền bạc chỉ là những vị khách ghé chơi bất chợt, lúc đến lúc đi chẳng lường trước. Cũng giống như khi mình nắm giữ bạc tiền, tưởng có khi rất nhiều mà khó giữ được lâu. Vì cuộc sống là một cuộc đổi trao giữa cho đi và nhận lại, cứ được và mất thì mới chiêm nghiệm được cái hay. Những vị khách thường xuất hiện bất ngờ, ghé qua đó rồi thôi nhưng thiếu họ thì đời lại cũng buồn chán quá.
Bởi người ta bảo “Tiền bạc là phù du”, mà phù du thì sớm sinh tối mất, tạm bợ và ngắn ngủi. Ai cũng chỉ có một cuộc đời, nếu quá xem trọng những cái dễ mất đi thì há chẳng phải tự chuốc thêm phiền não và gánh nặng cho mình sao? Nói bạc tiền dễ mất nhưng cũng dễ kiếm, kiểu như “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm” ấy. Chỉ cần bản thân muốn thì sẽ có cách để hiện thực hóa ước mơ.
Nói như vậy không có nghĩa là tiền bạc không quan trọng, nhất là trong thời đại ngày nay. Nếu tiền mà không quan trọng thì người ta chẳng vì nó mà phản bội tình nghĩa, lao vào lửa đỏ như con thiêu thân không biết lối ra. Tiền quan trọng chứ, vì người ta lao động để kiếm tiền, có khi dành cả đời để có được nó. Có tiền thì ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, được coi trọng và lắm khi vui hơn nữa. Tất nhiên không phải mọi người đều giống như vậy nhưng phần lớn là vậy đấy.
Sức mạnh đồng tiền?
Chúng ta không thể phủ nhận sức mạnh của đồng tiền vì nó mạnh thật!? Thử nghĩ xem, không có tiền trước hết là đói nhăn răng ra mất. Rồi tiền nhà (nếu ở nhà thuê hoặc trọ), tiền điện, tiền nước, tiền mua sắm, tiền lễ lộc cưới xin,…nghĩ thôi đã muốn chạy trốn khỏi thực tại. Chưa kể có tiền thì làm gì cũng dễ dàng hơn một chút so với người ta. Đi khám bệnh được nhảy hàng lên vài người, đi học được thầy cô “quan tâm” hơn, rồi thậm chí nói chuyện vớ vẩn vớ va bạn bè nó cũng ậm ừ hưởng ứng,…Đấy, thế thì không thích mới là lạ.
Nhưng chúng ta kiếm tiền như thế nào và cách chúng ta nhìn nhận về giá trị của đồng tiền mới thật sự là quan trọng. Chúng ta hãy đừng quên, ông bà ta lấy nhân nghĩa làm cốt yếu. Họ cho rằng:
“Nghèo nhân nghèo nghĩa thì lo
Nghèo tiền nghèo bạc chớ lo là nghèo”
Tiền không cần quá nhiều, chỉ cần tiền do công sức mình làm ra và nó mang lại cho mình đủ giá trị cần thiết là được. Khi bạn giữ được nhân nghĩa vẹn toàn, bạn sẽ lại tiếp tục tạo ra những đồng tiền ý nghĩa mà thôi. Đời người lên voi xuống chó mấy hồi, bạn có ước mơ và bạn nỗ lực thực hiện thì lo gì không thành công? Miễn sao bạn nhớ giữ gìn cái cốt cách tốt đẹp trong người mình, cái nhân nghĩa thấm nhuần từ bao đời truyền lại để khỏi hổ thẹn khi nghe ai bảo:
“Người còn thì của hãy còn
Miễn là nhân nghĩa vuông tròn thì thôi.”
Kết
Đời người thật sự rất ngắn, bạn sẽ không đủ thời gian để làm hết tất cả những việc mình mong muốn đâu. Thế nên, bạn cần hiểu được đâu là những mục tiêu quan trọng hàng đầu và ưu tiên cho chúng trước. Người nhân nghĩa được người đời kính trọng, còn kẻ giàu mà thiếu đức thì cũng chỉ bằng vô dụng và khó có được hạnh phúc thật sự. Không quan trọng là bao nhiêu tiền, quan trọng là bạn xem nó là bao nhiêu. Tiền chẳng qua cũng chỉ là những tờ giấy được người ta tranh giành mà ngày càng nâng lên giá trị. Nhưng chúng ta cũng không thể nào thiếu những tờ giấy đó, đúng không?