Nói dối được xếp vào loại chuyện muôn thuở của loài người. Thậm chí nó từng được coi là một căn bệnh. Những lời nói dối đôi khi vô thưởng vô phạt. Nhưng lắm lúc cũng tai hại chết người. Để nói về vấn đề này, dân gian ta có câu: Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra. Sự thật giống như cây kim có đầu nhọn. Cây kim ấy dù có giấu kĩ thế nào cũng có ngày lòi ra.
Xem thêm bài viết: Con sâu làm rầu nồi canh
Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra
Câu nói Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra sử dụng những hình ảnh rất quen thuộc. Đó là cây kim, cái bọc – những vật vô cùng nhỏ bé, bình thường lại đem đến bài học ý nghĩa về cuộc sống.
Cái kim là một vật nhỏ, thuôn dài, mảnh. Một đầu của nó có lỗ để luồn chỉ, một đầu còn lại được mài nhọn để có thể đâm xuyên qua đồ vật. Nó được dùng chủ yếu trong may vá.
Bọc là từ ngữ chỉ chung các vật dụng dùng để đựng, gói. Nó có thể được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau. Có thể là vải, tre, nứa, lá cây,…
Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra nghĩa là cho dù gói chiếc kim bằng cái bọc nào đi chăng nữa thì một ngày đầu nhọn của chiếc kim cũng sẽ đâm xuyên chiếc bọc mà lộ ra ngoài.
Song song với ý nghĩa đó, Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra ý chỉ bất cứ lời nói dối nào cũng không thể giữ kín mãi được.
Chiếc kim với cái đầu nhọn ấy tượng trưng cho sự thật. Còn bọc chính là những lời nói dối, những việc làm nhằm che dấu, lảng tránh sự thật.
Tác giả dân gian muốn nhắn nhủ rằng: sự thật vẫn mãi là sự thật. Cho dù làm bất cứ điều gì để che dấu nó, thì một ngày, sự thật vẫn sẽ được phơi bày.
Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra là lời khuyên chúng ta nên nói thật, sống thật. Chớ nên dối trá, che dấu việc làm sai trái bởi chẳng có cái bọc nào có thể bao được cây kim nhọn mãi mãi.
Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng
Trong suốt cuộc đời, mỗi chúng ta ai cũng từng nói dối, ít nhất là một lần. Ai cũng có những lời biện minh cho sự dối trá của mình. Nhưng nhiều nhất và nghe có vẻ có lý nhất, đó là sợ mất lòng.
Lý do ấy trở thành một trong những lý do chính đáng cho lời nói dối. Bởi không phải ai cũng dám đối diện với sự thật. Những gì là sự thật đa số đều dễ khiến con người khó hoặc không dám chấp nhận. Vì vậy, nói dối trong những trường hợp này để không khiến người nghe khó xử, không khiến người nói ngại ngùng.
Giữa thẳng tính và vô duyên có ranh giới hết sức mong manh. Khéo léo đưa ra những khuyết điểm, sai lầm của người khác là điều không hề dễ dàng. Tuy vậy, dù sự thật có đắng hơn cả thuốc thì ta vẫn phải chấp nhận. Bởi Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, nếu một ngày sự thật được phanh phui thì coi như mối quan hệ cũng đổ vỡ.
Ta cần chấp nhận sự thật và cũng chấp nhận cả những tình huống gây mất lòng. Có thể cảm giác ấy đau đớn, ngượng ngùng nhưng sẽ mở ra cánh cửa mới tươi sáng hơn. Ở đó ta hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu ung dung sống nhẹ nhàng.
Sống thật, nói thật là cách phá bỏ cây kim trong mỗi con người. Không có cây kim nào xuất hiện thì ta cũng không còn mất công đi tìm cái bọc phù hợp cho nó. Cuộc sống này sẽ vui vẻ và hạnh phúc biết bao.
Tham khảo thêm bài viết: Ca dao “Ai ơi chớ vội cười nhau/Ngẫm mình cho kỹ trước sau hãy cười”
Đường đi hay tối, nói dối hay cùng
Có một sự thật là bao giờ nói thật cũng thoải mái hơn nói dối. Khi nói dối bạn phải ghi nhớ rất nhiều thứ. Bởi một lời nói dối sẽ kéo theo nhiều lời nói dối khác. Nếu ta không ghi nhớ hết câu chuyện hư cấu của mình thì sẽ nhanh chóng bị lộ tẩy.
Làm việc gì mà không muốn người khác biết thì tốt nhất là đừng nên làm. Nếu đã làm thì dù có giấu cách nào, cuối cùng cũng bị lộ ra. Lời nói dối cứ như cây kim giấu trong bọc, đầu nhọn sẽ tự đâm rách bọc để lòi ra ngoài.
Nói dối trước hết đem đến những hệ lụy không tưởng cho bản thân bạn. Nói dối là bước chân đầu tiên đưa ta đến đường cùng. Nói dối khiến ta ảo tưởng nhiều về bản thân và cuộc sống. Khiến ta luôn sống trong cảm giác sợ hãi và lo lắng.
Thêm đó, nói dối còn ảnh hưởng nhiều đến người khác. Dối trá là bạn đã xây dựng cho người khác những lòng tin ảo tưởng. Là bạn đã gián tiếp làm tổn thương người khác. Nói dối làm đổ vỡ các mối quan hệ, dễ khiến bạn trở nên cô độc, lẻ loi.
Những lời nói dối ngọt ngào
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, những lời nói dối cũng phát huy tác dụng của mình. Bởi chỉ một lời nói nhưng có thể cứu giúp người khác thì cũng rất đáng để đánh đổi.
Chắc có lẽ ai cũng từng biết đến tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của nhà văn O. Henry. Trong câu chuyện có Sue và Johnsy và cụ Behrman. Họ đều là họa sĩ.
Mùa đông năm ấy, Johnsy bị bệnh sưng phổi rất nặng. Bệnh tật khiến cô cảm thấy tuyệt vọng. Mỗi lần nhìn ra cửa sổ, Johnsy luôn nghĩ rằng khi chiếc lá cuối cùng trên cây thường xuân rơi xuống cũng là lúc cô lìa đời.Biết được ý nghĩ của Johnsy, cụ Behrman âm thầm thức suốt đêm mưa gió bão bùng để vẽ chiếc lá thường xuân. Chiếc lá đã khiến Johnsy có thêm nghị lực sống.
Mặc dù hành động của ông họa sĩ già về nguyên tắc vẫn là một hành động dối trá. Nhưng chính bởi chiếc lá giả dối ấy mà cô gái có thêm lý do để sống tiếp. Đó chẳng phải là sự dối trá ngọt ngào hay sao?
Chỉ cần dùng đúng lúc, đúng hoàn cảnh thì những lời nói dối đôi khi cũng mang lại những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, ta không nên lạm dụng nó. Bởi như đã chia sẻ, chiếc kim kia chẳng thể nào có thể giữ mãi trong bọc. Những người đã bị tổn thương thì khi bị lừa dối sẽ càng đau đớn gấp bội.
Nói dối luôn là con dao hai lưỡi mà mỗi chúng ta phải luôn cẩn thận khi muốn sử dụng.
Lời kết
Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra mang đến những ý nghĩa sâu sắc. Sự thật thì mãi mãi là sự thật. Dù có cố che giấu bằng những việc làm hay những lời nói dối thì nhất định sẽ có một ngày sự thật ấy được phơi bày. Cái bọc sẽ không thể bao nổi cây kim nhọn. Cũng như việc nói dối của ta sẽ không thể trơn tru và trùng khớp hết với lời nói dối ban đầu được.
Vì thế nên, nếu muốn người khác không biết việc xấu mình làm, chỉ có một cách duy nhất đó là đừng bao giờ làm việc xấu, việc sai trái. Đặc biệt là những việc xấu có ảnh hưởng hoặc gây bất lợi với người khác.
Xem thêm bài viết: Chó treo mèo đậy