“Qua đình ngả nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.”
Mái đình và cây đa làng luôn là một trong những biểu tượng rất đẹp trong lòng người Việt Nam. Từ trong sâu thẳm tâm hồn, đó là khoảng trời quê hương mà ai đi đâu cũng nhớ. Vậy nên, khi so sánh hình ảnh của tình cảm yêu thương với mái đình làng trong những bài ca dao. Chúng ta sẽ nhận thấy được rằng, đây không đơn thuần là yêu thương vợ chồng mà ở đây chữ thương trở nên sâu sắc và đậm đà hơn. Thương người bạn đời hòa là một với tình thương quê hương. Trong cái tình còn thấm nồng cái nghĩa…
Cái nghĩa trăm năm vợ chồng
Cuộc sống lúc nào cũng hối hả, chúng ta không ai thoát nổi dòng chảy của thời gian. Lúc nhỏ thì vô ưu, vô lo, chỉ biết lăn tăn những chuyện vụn vặt. Khi lớn hơn một chút, chúng ta bắt đầu nhìn thế giới dần trở nên rộng lớn và hiểu rằng mình còn phải cố gắng thật nhiều. Độc thân có cái khổ của độc thân và người có gia đình cũng tương tự. Bởi mới nói “Đời là bể khổ”, ai cũng có những nỗi niềm chẳng biết phải tỏ bày làm sao.
“Qua đình ngả nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.”
Ông cha ta có cả một kho tàng ca dao. Và đây là một nét văn hóa dân gian quý báu để lại cho lớp con cháu sau này. Những câu chữ giản dị mà thấm đượm tình cảm, truyền dạy cái nhân nghĩa đáng quý trên đời. Dễ nhớ lại dễ đi sâu vào lòng người, ai cũng từng một thời lớn lên trong tiếng ê a của bài ca dao xưa.
Nhiều lúc vô tình không để ý, thời gian cứ thế mà vụt đi. Tháng rộng năm dài, vợ chồng kết tóc se tơ, ăn ở với nhau ngần ấy năm. Cái gọi là tình yêu sẽ dần bị lãng quên vào trong tiềm thức, nhường chỗ cho gánh nặng mưu sinh và trách nhiệm. Thế nhưng, không còn tình thì cũng còn cái nghĩa. Có hôm đi vội qua đình, nhìn thấy lớp mái ngói bạc màu nhưng sắp xếp tăm tắp đều đặn chợt nhớ tới người thương đã cùng ta gắn bó. Lại nghĩ “Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”.
Mái đình làng
Sao cứ phải dùng hình ảnh đình làng để so sánh. Vì nó gần gũi, nó gắn liền với người dân Việt Nam thời xa xưa. Nó không chỉ là một mái đình mà còn là khoảng trời quê hương gợi nhớ. Thương mình như thương những mái ngói bạc màu nơi mái đình đầu làng, có ngói đình trở nên rất đẹp. Như cuộc đời có mình cũng hóa thật nên thơ.
Đã là vợ chồng thì cái tình, cái nghĩa rất lớn lao. Tình cảm bền chặt, keo sơn gắn bó. Cả hai cùng chung tay xây đắp hạnh phúc gia đình. Chắc chắn phải từ hai phía mới có thể đạt kết quả trọn vẹn được. Bởi vậy vợ chồng, có nhiều khi ngẫm nghĩ lại mà thấy thật là thương. Có ai đếm được bao nhiêu ngói sắp ở mái đình, cũng như có ai đong đo được cái tình mà ta đã dành cho mình từ thuở ấy.
Mình đã vất vả sớm hôm, chu toàn tất cả mọi việc trong ngoài. Lo cho cha mẹ hai bên khỏi phiền lòng, giữ tròn đạo nghĩa với chồng và chăm sóc các con thơ. Đời người phụ nữ có được bao nhiêu giây phút sung sướng? Vì chồng con đến áo rách sờn vai, tay chai mặt nám mà có than trách nửa lời? Nghĩ đến thế mà ta thấy không thương sao đặng?
Thời bây giờ…
Lúc mới yêu thì vui đấy, cái gì cũng trở nên thật ngọt ngào. Nhưng cưới nhau về, thành vợ thành chồng thì mọi thứ lại khác đi nhiều so với tưởng tượng. Có quá nhiều chuyện khiến chúng ta phải đau đầu. Về nhà với nhau, góp gạo thổi cơm chung mới thấu cuộc sống thật không dễ. Vài năm đầu hẳn là còn ngọt ngào lắm nhưng có dần dần thử xem, lại biến thành ngột ngạt ngay thôi.
Có thêm thành viên mới, niềm vui chưa hưởng trọn vẹn đã phải đau đầu vì nhiều chuyện không của riêng ai. Nhà nào khấm khá thì còn đỡ, chứ nhà khó khăn một chút là mâu thuẫn sẽ xảy ra ngay. Thử nghĩ, hai vợ chồng đang hạnh phúc nay thêm một đứa bé. Vợ phải ở nhà chăm con còn chồng gồng gánh nuôi ba miệng ăn. Và tất tần tật các khoản chi bên trong lẫn bên ngoài đổ xuống đầu một người, thế không điên mới là lạ.
Cả hai đều phải có trách nhiệm
Nói vậy không có nghĩa là vợ thì sướng. Phụ nữ đã phải chịu cảnh mang nặng rồi, lại còn banh da xẻ thịt đẻ đau nữa. Sinh ra là phải chăm con rồi tất tả lo toan việc nhà. Chăm chút một đứa bé đau phải chuyện dễ, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi thư giãn. Còn ôm thêm một đống việc không tên vào người nữa thì còn tâm trạng đâu mà chia ngọt sẻ bùi, ái ái ân ân.
Thế đấy, cả hai vợ chồng thời nay đều phải chịu áp lực và gánh nặng từ nhiều phía. Vấn đề là chúng ta phải thông cảm và biết đặt mình vào vị trí của nhau. Đừng so sánh vì mỗi thời mỗi khác, mỗi nhà mỗi cảnh, chưa biết ai hơn ai. Quan trọng là cả hai cùng nhìn về tương lai, biết nghĩ đến cái lợi lâu dài mà nhường nhịn và cố gắng vì nhau. Lời yêu thương đôi khi không cần nói ra nhưng chỉ một hành động quan tâm nhỏ thôi cũng đủ khiến đối phương cảm thấy ấm áp.
Người xưa “Qua đình ngả nón trông đình/Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu” thì ít ra mình bây giờ cũng học hỏi được một phần, đôi khi cũng phải nghĩ mà thấy thương người bạn đời mình vất vả. Biết nghĩ cho nhau đã đáng quý, sống vì nhau càng đáng trân trọng hơn.
Kết
Dù là thưở đời xưa hay nay, nông thôn hay thành thị thì vợ chồng cũng nên mến thương nhau. Dễ gì mới nên duyên chồng vợ, vậy hãy trân trọng mối tình cảm này. Ai cũng mang trên mình gánh nặng và trách nhiệm nhưng nếu chúng ta biết sẻ chia và thấu hiểu thì mọi chuyện sẽ trở nên không còn là vấn đề nữa.
Rõ ràng là mình đã thương nhau nên mới quyết định tiến đến hôn nhân. Vậy thì hà cớ gì mà gặp chút khó khăn đã vội rời nhau tìm chân trời mới? Ai biết chân trời kia có trong xanh vời vợi hay cuối cùng cũng u ám, tối đen. Học cách hài lòng và trân trọng những gì mình có được cũng có thể xem là một loại hạnh phúc.