Bạn có tin vào luật nhân quả ở trên đời không? Tin rằng nếu chúng ta sống thiện sẽ gặp quý nhân giúp đỡ, còn bằng sống thất đức thì sẽ phải chịu bị trừng phạt thích đáng? Ông bà ta bảo “Có kiêng mới có lành” nên dù có tin hay không thì sống cẩn thận vẫn hơn. Ranh giới giữa thiện và ác đôi khi rất mong manh. Sống sao mới gọi là ác, còn thế nào là lương thiện? Chung quy thiện hay ác là do định nghĩa của mỗi người, cần nhất là sống đúng với lương tâm của mình và làm những điều mình cho là hợp lý. Cẩn thận đừng để “Ác giả ác báo” rồi mới hối hận cũng không kịp nữa.
“Nhân chi sơ, tính bổn thiện”
Đây là một thành ngữ cũng như bao thành ngữ khác, ngắn gọn nhưng vẫn mang một hàm ý vô cùng sâu xa. “Ác giả ác báo” ý nói những người từng làm việc ác, có lúc sẽ gặp lại báo ứng vì những hành động sai trái của mình. Bạn sống như thế nào thì sẽ nhận lại kết quả như thế ấy, đó là quy luật hiển nhiên. Sống tốt thì không hẳn là luôn gặp chuyện tốt nhưng ít ra mọi chuyện xui xẻo sẽ sớm được hóa giải, còn sống ác thì chắc chắn phải gánh lại cái nghiệp mà mình đã tạo ra.
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe câu nói “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Nghĩa là con người ta thuở mới sinh ra đã mang trong người bản tính lương thiện, việc sau này trở thành một người thế nào là còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có thể đúng, môi trường sống ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của một đứa trẻ. Và đứa trẻ đó sẽ có thiên hướng mang tính cách phù hợp với môi trường xung quanh nó. Cứ tin rằng con người ta từ tính thiện mà lớn lên.
Trẻ con như tờ giấy…
Một đứa trẻ mới sinh ra hệt như một tờ giấy trắng. Và chúng ta_những người lớn xung quanh sẽ là người tô điểm cho tờ giấy ấy. Nếu chúng ta điểm xuyết hoa lá, trời mây thì tờ giấy sẽ thật tươi đẹp; còn nếu vẽ vào những chém giết, khói lửa thì tờ giấy kia sẽ biến thành một màu sắc khác. Tất nhiên, một phần cũng do bản tính của con người. Nếu là người có ý chí mạnh mẽ thì sẽ khó bị mọi cám dỗ xung quanh làm lung lay được.
Chúng ta hãy tin rằng, ai cũng muốn trở thành một người tốt. Ngay từ lúc chào đời, họ đã mong được như thế nhưng nhiều yếu tố chi phối buộc người ta phải thay đổi. Thế nào là tốt, thế nào là xấu? Có ai định nghĩa được hay không? Miễn sống sao mà không gây tổn hại cho người khác, đó cũng là một loại lương thiện. Không cần phải luôn luôn hết lòng giúp đỡ người khác nếu bạn không có khả năng. Chí ít bạn chỉ cần không hại mình, hại người đã xem như là tốt.
“Ác giả ác báo”
“Gieo nhân nào thì gặt quả nấy”, đây được xem như là một quy luật muôn đời không đổi. Thật sự, có nhiều người không tin vào luật nhân quả nhưng có hàng ngàn câu chuyện chứng minh điều đó là có thật. Thậm chí, cho dù con người không phải trả giá cho những sai lầm của mình đi nữa thì chúng ta lại nỡ hại nhau làm gì? Cùng là đồng loại, là đồng bào thương nhau còn không hết mà cứ muốn hại nhau.
Đừng nói đến những chuyện như giết người, cướp của, sát sinh,…đó là những tội lỗi rành rành. Bây giờ, con người ta lại hại nhau theo một cách tinh vi và thầm lặng hơn. Thức ăn, trái cây,…được tẩm một lượng không nhỏ chất độc để tung ra thị trường mà buôn bán. Nhưng bán cho ai? Đúng vậy, người Việt bán cho người Việt. Người ta vì những cái lợi trước mắt mà dần dần giết nhau trong khổ sở và bệnh tật.
Hại người cũng chính là tự hại mình
Biết là hại người nhưng vẫn làm. Ngày xưa, không ăn có thể sẽ bị chết nhưng bây giờ, ăn vào có khi còn chết nhanh hơn. Vì người ta chẳng cần quan tâm ai bị hại tiếp theo, miễn mình có tiền là được. Nhưng trớ trêu thay, sai lầm của mình không đổ xuống đầu mình mà do con cái mình gánh chịu. Kể một ví dụ mà tôi đã từng chứng kiến để các bạn hiểu rằng “quả báo nhãn tiền”.
Nhà nọ, thu nhập chính bằng nghề trồng hồng. Bao nhiêu năm nay, ông chủ vẫn trồng và chăm sóc cây hồng theo cách truyền thống. Phải năm mất mùa, hồng trông không căng bóng và ít ngọt, thương lái ép giá nên chẳng thu được bao nhiêu. Nhìn sang nhà hàng xóm, họ cũng trồng như mình nhưng quả to và bóng đẹp, bán được giá. Ông sang hỏi bí quyết thì được hàng xóm mách nước cho cách dùng thuốc tăng trưởng trước khi thu hoạch. Nhưng như thế thì ăn vào người sẽ rất hại vì thời gian thuốc chưa kịp tan hết đi. Ông cảm thấy quá nguy hiểm nên không làm theo. Hàng xóm cười nhạo rằng ông quá dại.
Rồi mấy hôm sau, ông nghe mọi người bảo nhau con gái hàng xóm vì ăn hồng trong vườn mà bị ngộ độc suýt chết, cũng may cứu kịp. Ông thở phào nhẹ nhõm vì đã giữ vững lập trường của mình.Thế đấy, đời có mấy ai ngờ. Mình làm để con mình chịu. Sau lần đó, hàng xóm đã sợ xanh mặt và trở lại trồng hồng theo đúng lượng thuốc quy định. Ông lại ngao ngán về bài học nhân quả trên đời. Đúng là “Ác giả ác báo”.
Sống đúng lương tâm là được
Không cần biết thế gian có vật đổi sao dời ra sao, mình chỉ cần sống đúng với lương tâm là được. Cứ lấy câu thành ngữ “Ác giả ác báo” mà tự răn dạy mình. Sống ở đời nên lấy lương thiện làm cốt yếu, đừng suy tính hại người rồi có khi lại hại lây đến mình. Người cầm đèn trong đêm cũng hưởng được chút ánh sáng, còn ném bùn vào người khác thì chắc chắn tay mình cũng bị vấy bẩn mà thôi.
Vậy nên, cần nhất là sống đúng với đạo lý. Tâm nghĩ thiện và làm điều thiện. Những gì mà bạn làm hôm nay có thể sẽ không báo ứng trên người bạn. Nhưng rủi thay, lớp con cháu của bạn sau này phải gánh chịu món nợ nặng nề đó. Vì vậy, sống sao cho đúng với lương tâm, sống để mai này khỏi phải ân hận vì cái nghiệp mình đã từng mang lại.