Từ xưa đến nay, ông bà ta luôn xem trọng nội dung hơn hình thức, luôn đánh giá mọi chuyện theo nhiều khía cạnh chứ không chỉ vì vẻ bên ngoài. Quan niệm “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” cũng được chú trọng và lưu truyền từ trước đến nay.
Thời đại bây giờ, người ta thường bị hấp dẫn bởi bề ngoài hào nhoáng mà quên đi những giá trị ý nghĩa ở bên trong. Cái gì càng đẹp càng khiến người khác yêu thích, người tốt cũng không được quý bằng những người đẹp.
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”
Câu tục ngữ đã đưa ra hai hình ảnh cụ thể là “gỗ và nước sơn”. Đây đều là hai chất liệu đã trở nên quen thuộc với mọi người trong đời sống hàng ngày. Gỗ là vật liệu để làm nên đồ vật. Gỗ tốt sẽ làm nên những vật dụng tốt, gỗ xấu sẽ làm nên những vật dụng dễ bị hư hỏng. Nước sơn là vật liệu để quét lên đồ vật làm cho đồ vật thêm đẹp, thêm bền.
Câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là lời khẳng định chắc chắn, khi đánh giá độ bền của một vật dụng, chúng ta phải chú ý đến chất lượng gỗ để tạo nên đồ vật ấy, chứ không nên chỉ đánh giá bề ngoài của lớp sơn. Từ ý nghĩa rất thực trong cuộc sống, người xưa đã đề cao phẩm chất đạo đức của con người là quan trọng hơn tất cả vẻ đẹp của hình thức bên ngoài.
Mọi vật tồn tại trên đời đều có hai mặt đó là nội dung và hình thức. Hình thức là bên ngoài trực tiếp nhìn thấy bằng mắt thường. Nội dung là bên trong, chất lượng phải kiểm định trong thời gian dài mới thấy được. Bên cạnh đó, nội dung và hình thức không phải lúc nào cũng tương đồng cùng nhau. Một vật có hình thức đẹp nhưng chưa chắc chất lượng. Câu tục ngữ trên một lần nữa khẳng định quan niệm của ông cha ta về việc đánh giá xấu đẹp ở trên đời.
Đừng chỉ nhìn bề ngoài
Nhà nọ có hai cô con dâu, một cô dâu sành điệu và xinh đẹp, cô còn lại cục mịch lại quê mùa. Lẽ dĩ nhiên, người mẹ chồng sẽ yêu thích cô con dâu xinh đẹp vì cô hay tặng bà những bộ quần áo, phấn son hàng hiệu lại biết nói lời hay. Còn cô dâu kia chỉ biết lo chuyện giặt giũ, cơm nước và quanh quẩn với bộ dạng luộm thuộm trong nhà. Bà mẹ chồng luôn dành những lời có cánh cho cô dâu xinh và hàng xóm xung quanh cũng thay nhau xu nịnh cô để mong kiếm được chút lợi lộc gì.
Xem thêm bài viết tham khảo “Cái nết đánh chết cái đẹp”
Rồi một ngày kia, bà mẹ chồng lâm cơn bạo bệnh cần người túc trực thuốc thang chăm sóc. Lúc này đây, chỉ có con dâu quê mùa bên cạnh hỏi han, quan tâm và chăm sóc bà từng chút một. Cô dâu xinh đẹp không những không về thăm mà còn buông lời chê bà bẩn, hôi, khó chiều,…Giờ đây, bà mới thấm thía lời dạy của người xưa qua câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Có lẽ, phần lớn chúng ta đều mắc phải sai lầm tương tự như vậy. Chúng ta hay bị vẻ ngoài hào nhoáng làm hấp dẫn mà quên đi cái quan trọng nhất vẫn là nội dung bên trong. Một người xinh đẹp thật rất đáng yêu nhưng sẽ càng đáng yêu hơn nếu họ có cả một tâm hồn đẹp. Trong tất cả các mối quan hệ tình yêu, tình bạn, tình đồng đội,…chúng ta chọn người không phải vì họ đẹp hay giàu có mà vì tấm lòng của họ mà thôi.
Chất lượng quan trọng hơn hình thức
Xưa nay, tôi chọn bạn bè chỉ vì hợp tính tình và cảm thấy thoải mái bên người đó. Bạn bè thật sự không phải vì hình thức bên ngoài hay giá trị lợi dụng của người đó. Tôi vốn cũng không phải là người xinh xắn lại vụng về nhưng may mắn thay, tôi có rất nhiều người bạn chân thành. Trong số đó, có người từng bảo với tôi rằng mới đầu cũng không ấn tượng gì về tôi. Nhưng lâu dần, họ lại thấy tôi càng ngày càng trở nên xinh đẹp. Bởi vì tâm hồn tôi càng ngày càng lương thiện hơn.
Cuộc sống chính là như vậy, người ta đến với nhau vì thứ gì thì sớm muộn cũng xa nhau vì thứ ấy. Người ta đến với bạn vì bạn xinh đẹp thì ngày kia bạn xấu xí họ cũng sẽ rời đi; người ta đến với bạn vì vật chất thì cũng sẽ ra đi khi bạn trắng tay; chỉ có đến với nhau bằng tình cảm chân thành thì mối quan hệ đó mới có thể còn mãi được.
Một người có hình thức không xinh đẹp đã là kém may mắn rồi, chúng ta hà cớ gì phải bày tỏ thái độ xa lánh để xoáy sâu vào nỗi đau của họ? Vẻ ngoài không xinh đẹp thì đã sao, ít ra người ta có trái tim ấm áp và lương thiện. Còn hơn những người mang vẻ ngoài xinh đẹp, bóng bẩy mà nội tâm xấu xa, đáng ghê tởm. Chung quy lại, người với người đến bên nhau quan trọng nhất là ở tấm lòng.
Đâu là thứ nên xem trọng nhất?
Trong thực tế hình thức và nội dung có thể không thống nhất với nhau. Nhiều khi chúng ta thấy một đồ vật đẹp, lung linh nhưng thực chất lại làm từ nguyên liệu dễ hỏng và độc hại. Nhất là con người, khi mà cuộc sống ngày càng hiện đại khoảng cách con người càng lớn, giản dị, chất phác thời xưa dần dần suy thoái và gần như biến mất. Con người ngày càng giả tạo, che giấu bản chất bên trong. Vì vậy trước khi đánh giá 1 mộtai đó chúng ta luôn phải tỉnh táo suy xét và không nên vội vàng đưa nhận định qua dáng vẻ bề ngoài.
Xem thêm bài viết tham khảo “Đừng trông mặt mà bắt hình dong”
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là truyền thống quý báu dân tộc, nhắc nhở chúng ta cần phải xem xét mọi điều từ bên trong và trải nghiệm từ xưa đến nay chúng ta có thể thấy điều đó rất dễ dàng, thể hiện những điều tốt nhất từ con người, trong cuộc sống hiện nay, con người cần phải có cái nhìn đúng đắn hơn, nó sẽ chi phối mạnh mẽ mọi việc làm của chúng ta và đem lại những điều có giá trị và ý nghĩa nhất. Xem trọng và đánh giá cao những điều bên trong chỉ có nó mới mang lại những giá trị đích thực hơn là vẻ ngoài phù phiếm.
Lời kết
Hy vọng rằng, câu tục ngữ này sẽ giúp mỗi chúng ta có cách nhìn đúng đắn nhất về mọi việc trong cuộc sống. Mọi việc không nên nhìn bề ngoài mà phải suy xét nhiều góc độ. Sau tất cả, thứ quan trọng nhất vẫn là tâm hồn và tính cách của một người.