“Chó chui gầm chạn”
Một câu tục ngữ đã trở nên quá quen thuộc với mọi người. So với ngày xưa thì tình trạng “Chó chui gầm chạn” ngày nay vẫn không thiếu. Con người chúng ta thật khổ sở biết bao khi phải sống trong một không gian tù túng và bó buộc. Bạn muốn tiến cũng được mà muốn lùi cũng không xong. Đến cuối cùng, chúng ta nên chấp nhận số phận hay đứng lên vẫy vùng chống lại đây?
“Chó chui gầm chạn”
Tương tự như những câu tục ngữ khác, “Chó chui gầm chạn” cũng được thể hiện bằng nghĩa đen và nghĩa bóng. Về mặt nghĩa đen, đây đại ý nói con chó chui dưới gầm chạn, không dám lên tiếng cũng không thể động đậy. Thứ duy nhất mà nó có thể làm là rên ư ử một cách đáng thương. Nghĩa bóng bao quát và sâu sa hơn, con người rơi vào cảnh khó khăn và khó có khả năng trở mình. Câu tục ngữ này thường dùng cho những trường hợp đàn ông đi ở rể.
Như chúng ta đều biết, đàn ông ở thời xa xưa vốn rất được xem trọng. Họ được xem là trụ cột trong gia đình, đầu đội trời chân đạp đất và chỉ làm những việc lớn. Tất cả mọi việc trong nhà đều do người đàn ông quyết định, họ nói một thì người phụ nữ chẳng dám cãi hai. Ở cái xã hội mà người đàn ông luôn được xem trọng thì họ cũng dần cho đó là một điều hiển nhiên.
Ngày nay, câu chuyện “Trọng nam khinh nữ” đã không còn phổ biến nhưng đâu đó vẫn bắt gặp được những trường hợp này. Và dẫu không nói ra nhưng người đàn ông vẫn ngầm hiểu về vị trí của mình trong gia đình. Vì thế, việc đi ở rể, nương nhờ nhà vợ đối với người đàn ông là một điều xấu hổ không muốn để người khác biết.
Thân phận ở rể
Thật ra, việc ở rể không hẳn lúc nào cũng khiến người đàn ông cảm thấy mệt mỏi. Nhất là nếu gia đình nhà vợ tử tế và thấu tình đạt lý thì mọi chuyện sẽ diễn ra bình thường. Người đàn ông ở rể thường nhận được cái nhìn ái ngại từ phía mọi người bởi ảnh hưởng từ quan niệm xưa cũ. Họ luôn cho rằng, người đàn ông ở rể như “Chó chui gầm chạn”, không có tiếng nói, không được phép quyết định bất kì việc gì. Điều đó sẽ làm mất đi tôn nghiêm của người đàn ông nhưng sự thật thì như thế nào?
Xem thêm bài viết tham khảo “Cưới vợ phải cưới liền tay/Chớ để lâu ngày thiên hạ dèm pha”
Điều này còn tùy thuộc vào từng trường hợp và từng gia đình nữa. Ví như, bạn gặp phải gia đình thấu hiểu đạo lý thì không sao nhưng gặp phải gia đình khó khăn, tính toán thì lại là lẽ khác. Nhất là gia cảnh không tương xứng, vợ giàu chồng nghèo càng khiến người đàn ông thêm áp lực và bị chèn ép hơn. Sống trong gia đình vợ, người đàn ông làm gì cũng phải giữ kẻ, không được quyết định việc gì. Cuộc sống như thế mới thật là khó chịu làm sao.
Người đàn ông thường có lòng tự trọng mạnh mẽ, khao khát làm những chuyện lớn lao ở trong đời nhưng đến tiếng nói ở nhà vợ cũng không thể hiện được thì còn ra thể thống gì nữa. Bởi vậy, người đàn ông mới xem chuyện ở rể như một điều kiêng kỵ, không muốn nhắc đến và bất đắc dĩ mới phải chấp nhận.
Ở rể hay làm dâu?
Nói đi cũng phải nói lại, chuyện ở rể thật ra cũng không có gì là xấu hổ cả. Thời bây giờ, nam nữ đã trở nên bình đẳng như nhau. Vậy ra, việc ở rể hay làm dâu gì cũng thế. Ai cũng sẽ phải rời xa gia đình của mình rồi về sống trong một môi trường xa lạ, chịu ánh mắt dò xét của mọi người.
Nếu nói người đàn ông ở rể sẽ gặp nhiều khó khăn thì người phụ nữ mềm yếu làm sao chịu được? Trên đời này, những bà mẹ chồng cay nghiệt đâu có thiếu, chưa kể lại còn chị chồng, em chồng, cô chồng,…Tất cả mọi chuyện hầu như đều đổ lên đầu cô con dâu mới. Xưa nay, gái lớn là phải theo chồng và ai cũng xem điều đó như chuyện hiển nhiên. Vậy nên, người ta mới có thái độ khác biệt về chuyện ở rể. Suy cho cùng, ở rể hay làm dâu nào có quan trọng, quan trọng là bạn cảm thấy tốt hơn khi sống trong môi trường nào.
Nếu ở rể hay làm dâu mà được yêu thương, đối đãi thân mật, bình đẳng thì có lẽ chuyện đó đã không còn quan trọng nữa. Cuộc sống đôi khi có những chuyện không giống như ý mình, cố gắng sống tốt thì cuối cùng bạn cũng sẽ nhận được kết quả tốt thôi.
Sự lựa chọn của mỗi người
Nhìn chung, việc ở chung với gia đình vợ hay chồng thông thường đều không mấy dễ chịu. Có nói thế nào đi nữa, người ta vẫn thiên vị con ruột của mình hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ không có tiếng nói trong gia đình. Bởi thế, nhiều người mới lựa chọn cách tách riêng, cùng xây dựng chân trời mới của hai người.
Xem thêm bài viết tham khảo “Chỉ đâu mà buộc ngang trời/Tay đâu mà bụm miệng người thế gian”
Nếu gia đình dễ chịu, bạn có thể học cách chấp nhận mọi chuyện. Bằng ngược lại, bạn có thể chọn đứng lên đấu tranh nếu cảm thấy không chịu nổi. Thời bây giờ, chuyện vợ chồng dọn ra ở riêng không thiếu. Phần lớn là họ muốn tự do, không bị ràng buộc về mọi mặt. Huống hồ sau này, họ cũng phải xây dựng gia đình của riêng mình mà. Lựa chọn như thế nào là tùy quyết định của mỗi người. Đôi khi, việc dứt khoát một chút cũng là một chuyện tốt.
Lời kết
Cuộc sống hiện đại kéo theo suy nghĩ của mọi người cũng dần thoáng hơn. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một vài bộ phận bị tư tưởng cổ hủ “chiếm đóng”. Người ta vẫn còn đặt nặng quan niệm thanh niên ở rể là “Chó chui gầm chạn”, không có tiếng nói và rất mất mặt. Thế nhưng, việc suy nghĩ và lựa chọn như thế nào là do cá nhân của mỗi người. Nếu họ chấp nhận thì đã không ca thán, còn nếu không chấp nhận đã tìm đến một con đường khác rồi.
Ai cũng có những nỗi khổ trong lòng như việc sống khó có thể theo ý mình. Nhưng sau tất cả, bạn chọn cách an phận hay đứng lên để đòi lại quyền lợi đều do bạn. Tin rằng, mỗi chúng ta đều sẽ hạnh phúc hơn nếu biết lựa chọn con đường đúng đắn cho mình.