“Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo
Miệng không vành méo mó tứ tung”
Miệng lưỡi thế gian là thứ rất khó lường, miệng của người ta nên người ta muốn nói thế nào thì nói. Sống trên đời dù tốt cỡ nào cũng sẽ có rất nhiều lời đàm tiếu. Cho nên hãy sống sao để đừng đánh mất đi bản thân mình là được.
Người ăn nói hàm hồ, trước sau không thống nhất gây ra hiểu lầm, chia rẽ hoặc ảnh hưởng tới người khác thì sớm muộn gì cũng sẽ trả giá. Vậy nên, bạn không cần quan tâm đến những lời ác ý, cứ sống thật tốt theo đúng lương tâm mình là được.
Từ câu chuyện kể dân gian
Theo lưu truyền, câu ca dao “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo/Miệng không vành méo mó tứ tung” bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian dưới đây.
Chuyện kể rằng lưỡi và miệng cùng sinh ra và cùng gắn bó nên lúc nào cũng giúp đỡ nhau. Tuy vậy, chúng cũng có khi cãi vã hay đổ lỗi cho nhau mỗi khi bị người quở trách.
Hôm nọ, người là học giả có khách đến chơi nên bèn hỏi miệng:
– “Ta có bạn từ xa đến chơi nên thiết đãi gì cho phải?”
Thế là miệng nhanh nhảu đáp:
– “Cứ mua món lưỡi lợn về thiết đãi khách là sang trọng nhất”.
Trong bữa ăn, khách thấy chỉ có một món lưỡi nên mới thắc mắc hỏi tại sao. Miệng nhanh chóng bảo lưỡi trả lời và cái lưỡi từ tốn nói:
– “Thưa ông, món lưỡi có thể nói là món ngon lành nhất. Lưỡi là chìa khóa của sự hiểu biết, nhờ có lưỡi mà ông có thể nói ra được những điều hay lẽ phải. Lưỡi tô vẽ lên cái đẹp, biến cái không thành có, cái xấu thành tốt. Món lưỡi giúp tình bạn hai ông thêm bền chặt. Như vậy thật chẳng có gì qua cái lưỡi cả.
Rồi câu chuyện ngày hôm đó cũng qua đi. Bẵng một thời gian, người học giả và người bạn gặp chút xích mích dẫn đến bất hòa. Họ không ưa nhau một thời gian nhưng rồi người bạn nghĩ lại món lưỡi lợn thơm ngon với ý nghĩa sâu sắc kia, người bạn liền thấy hối hận và mời người học giả đến chơi nhà. Ông cũng không quên thiết đãi món lưỡi lợn.
Nhân lúc nói chuyện vui vẻ, người bạn mới hỏi người học giả:
– “Hôm nay, tôi lại tiếp ông toàn bằng lưỡi lợn, một thứ ngon nhất trên đời, ông thấy thế nào?”
Lúc đó, cái miệng lại ra hiệu cho cái lưỡi đứng ra nói:
– “Thưa ông, lưỡi là thứ dở nhất trên đời, nó là đầu mối của sự chia rẽ. Nó là biểu hiện của sự sai lầm, mọi sự đặt điều vu khống. Cũng do cái lưỡi mà sinh ra bất hòa.”
Lúc ấy, cả hai người cùng đồng thanh thốt lên: “Đồ lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Rồi hai ông gật gù với nhau: “Nó là cái lưỡi không xương nên cái gì mà chẳng nói được. Thôi, muốn nói xuôi nói ngược thế nào mặc nó, ta cứ nâng ly thôi.”
“Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”
Thế đấy, lưỡi không xương nên muốn nói gì cũng được, nói gì cũng thành hay nên ta hãy liệu mà nghe. Tốt nhất, mỗi người đều nên có những chính kiến và suy nghĩ riêng, luôn giữ vững được lập trường của mình để không bị làm cho lung lay. Có như vậy, chúng ta mới mong không bị miệng lưỡi dụ dỗ.
Xem thêm bài viết tham khảo: “Mật ngọt chết ruồi”
Trên đời lắm kẻ ba hoa xấu bụng, họ có thể khen như hát trước mặt bạn nhưng lại nói xấu tan tác sau lưng. Ai biết lòng người nông sâu thế nào, cái chúng ta cần là luôn giữ “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.
Chuyện cái lưỡi không xương, cái miệng không vành là câu chuyện muôn thuở có thể xảy ra hàng ngày trong đời sống. Từ gia đình đến nơi làm việc, tình bạn, tình yêu, các mối quan hệ xã hội khác,…Bởi vậy, chúng ta cứ liệu mà nghe, nghe rồi để đó, mang về phân tích đúng sai rõ ràng rồi hãy tin theo.
“Miệng không vành méo mó tứ tung”
Người ta cũng hay nói kèm là “miệng lưỡi”, người biết sử dụng chúng đúng đắn sẽ rất tốt, còn kẻ sử dụng sai mục đích thì thật rất tai hại. Có câu “Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ”, câu này cũng không sai. Người biết vận dụng sự khéo léo của mình trong lời nói sẽ dễ gây thiện cảm với người khác, biết nói lời hay thì mọi chuyện sẽ được phần suôn sẻ hơn.
Những lời khen đúng lúc, đúng chỗ không chỉ giúp người nghe cảm thấy thoải mái mà còn có thể mang tính khích lệ, thay đổi cuộc đời một con người. Như vậy, tùy theo hoàn cảnh phù hợp mà chúng ta nên vận dụng “miệng lưỡi” cho khéo léo.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần mạnh mẽ lên tiếng phê phán cái xấu, chỉ ra những cái sai trong thực trạng xã hội để bảo vệ không chỉ bản thân mình mà còn với những lời xung quanh. Khi bạn biết lúc nào mình nên nói ra lời hay ý đẹp, lúc nào cần lên tiếng đấu tranh thì cuộc sống sẽ trôi chảy và thuận lợi hơn.
Những lời nói ác ý
Thế gian này, lòng người là thứ khó đoán nhất, là thứ chúng ta không thể nhìn thẳng. Có lẽ, mọi người đều hiểu rõ sức mạnh của lời nói, nó như lưỡi dao vô hình có thể xoáy thẳng vào tim người nghe bất cứ lúc nào. Mà người nói đôi khi vô ý, đôi lúc cố tình cứ mặc sức nói để rồi gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Xem thêm bài viết tham khảo “Dò sông dò biển dễ dò/Mấy ai lấy thước mà đo lòng người”
Người bị nói luôn một mình chịu những tổn thương, họ chịu đựng, đau khổ rồi sinh ra những suy nghĩ tiêu cực. Bạn có thể trêu người khác xấu, béo, ngu dốt nghèo,…bạn cho rằng điều đó làm mình vui và chẳng ảnh hưởng gì nhưng thật ra, người nghe luôn ghi nhớ và có thể muốn chết đi để không phải nghe những lời đáng sợ như thế nữa.
Bên cạnh đó, những kẻ nịnh hót, chuyên bợ đỡ cũng không thiếu. Họ luôn tìm cách nâng bạn lên và dìm người khác xuống tùy ý muốn. Để đến cuối cùng, người được khen sống trong ảo tưởng ngã đau, người bị dìm sống trong tiêu cực. Cuối cùng, kẻ hưởng lợi lại là kẻ xu nịnh. Vậy nên, chúng ta cần nhất là phải có cái đầu lạnh, phân tích mọi thứ để biết nên và không nên nghe những gì.
Lời kết
Câu ca dao “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo/Miệng không vành méo mó tứ tung” hẳn là quá quen thuộc với mọi người. Hy vọng rằng, chúng ta đều hiểu rõ ý nghĩa của nó và không bị nó làm ảnh hưởng quá nhiều.