KHÔNG NÊN ĂN THỊT CHÓ?
Khúc Hải Vân
Hôm nay biên lại bài này, mục đích là để cho những bạn còn đang hoài nghi về vấn đề đạo đức trong việc ăn thịt chó có một cái nhìn đa chiều hơn.
Quay lại vấn đề, về mặt pháp lý (khía cạnh luật pháp) lẫn như về tính văn hóa (truyền thống dân tộc) thì việc ăn thịt chó là hết sức bình thường. Thành thật, mình có chút buồn cười khi phải viết về một vấn đề hoàn toàn bình thường chỉ để giải thích cho những cái đầu thượng đẳng biết về một thứ bình đẳng.
Hiện ở Việt Nam có hai nhóm người chính đang xung đột về lý niệm: Nhóm thích ăn thịt chó (được pháp luật bảo vệ) và nhóm tẩy chay ăn thịt chó (đấu tranh để điều chỉnh luật). Còn nhiều nhóm cực đoan chửi người thương yêu chó mèo là thần kinh cũng như nhóm lên án nguyền rủa người ăn thịt chó là mọi rợ mình sẽ không xét ở đây. Nhắc lại, bài viết này phản biện văn minh và lịch sử.
Trong bài viết này hệ quy chiếu mình chọn sẽ mở rộng ra một chút, đó là pháp luật và giá trị văn hóa của đa quốc gia, sắc tộc trên thế giới qua các giai đoạn lịch sử. Vì nếu chọn hệ quy chiếu là pháp luật và văn hóa của Việt Nam (đáng ra phải chọn) thì nhóm tẩy chay ăn thịt chó thua chắc chắn.
Ok, let’s go. Giờ chúng ta sẽ đi vào vấn đề chính.
TẠI SAO ĂN THỊT CHÓ LẠI LÀ VI PHẠM CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CỘNG ĐỒNG
Giờ tôi sẽ nói về chuyện ăn thịt chó trên quan điểm cá nhân. Theo tôi, ăn thịt chó là chuyện rất bình thường, chả có gì phải lên án hay cấm cản cả.
1. Ăn thịt chó có vi phạm luật lệ không?
Người văn minh là người thượng tôn pháp luật. Nguyên tắc của luật học hiện đại, tức là tất cả mọi người đều bình đẳng trước Pháp luật, con người ta được làm bất cứ điều gì pháp luật không cấm.
Trở lại vấn đề: Những người ăn thịt chó có vi phạm luật không, Việt Nam có cấm mọi người ăn thịt chó không? Xin thưa, ăn thịt chó là một thú vui tao nhã ở Việt Nam và được pháp luật bảo vệ (không khuyến khích nhưng không ngăn cấm).
Vậy nên, mọi hành vi lên án chuyện ăn thịt chó là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Nếu nguyền rủa xúc phạm đích danh người khác chỉ vì họ ăn thịt chó, bạn sẽ bị kiện ra tòa và thua kiện chắc chắn. Chỉ là không có ai rảnh việc làm to chuyện này lên thôi.
Nhưng nhiều bạn trẻ sống ở Việt Nam cứ thích mang tiêu chuẩn ở đâu đâu ra làm hệ quy chiếu. Nó hết sức buồn cười. Được rồi, tôi đồng ý hiện tại có một số quốc gia và vùng lãnh thổ có quy định cấm ăn thịt chó. Vậy thì ăn thịt chó ở những nơi đó là phạm luật. Nhưng số lượng các vùng cấm thịt chó nhiều hay ít ạ? Xin thưa, tôi biết hiện chỉ Đài Loan, HongKong, Singapore, Hoa Kỳ, Áo… và một số vùng khác cấm ăn thịt chó. Một số quốc gia như Nhật, Canada, Úc… không khuyến khích ăn thịt chó và buôn bán thương mại nhưng không có luật cấm thịt chó.
Ấy tức là số lượng các quốc gia cấm thịt chó chiếm thiểu số. Haha, tức là phe được ăn thịt chó đang chiếm đa số và nhóm số ít được quyền vận động đấu tranh để pháp luật cấm ăn thịt chó – tất nhiên đấu tranh văn minh.
À, có một số bạn trẻ có nói rằng năm 2021 sẽ cấm thịt chó ở Hà Nội. Tôi xin thưa, đó mới chỉ là dự luật và chỉ cấm buôn bán ở các quận nội thành. Đã là dự luật thì chắc gì đã thành hiện thực và dẫu có thành hiện thực thì nó cũng chỉ là câu chuyện của tương lai – ở trong một số quận. Vậy chờ đến năm 2021, khi có lệnh cấm rồi tính tiếp ha.
2. Câu chuyện về giá trị của chó so với các loại động vật khác.
Đầu tiên, xét trên Việt Nam đi ha!
Để ngụy biện cho rằng tại sao chửi người ăn thịt chó mèo nhưng sao vẫn ăn gà, bò, lợn… sẽ có nhiều bạn trẻ lại so sánh về 2 loài động vật: thú cưng và động vật nuôi để lấy thịt. Các bạn ấy sẽ nói rằng chó mèo là thú cưng, còn trâu bò lợn gà là thú nuôi lấy thịt.
Xin thưa, các bạn đã nhầm lớn. Giá trị con vật ra sao nằm ở việc người chủ nuôi chúng với động cơ/mục đích nào. Con người ta nuôi động vật với nhiều mục đích: Làm giống, làm cảnh và làm thịt. Vậy nên cũng sẽ có chó nuôi làm giống, chó nuôi làm cảnh và chó nuôi làm thịt.
Hiện tại ở Việt Nam có những làng người ta nuôi chó là để bán kiếm thêm thu nhập, là để ngả thịt khi nhà có giỗ chạp cưới xin. Cả làng, mâm cỗ nhà nào cũng đều có món thịt chó. Lại cũng có những trang trại (chí ít là những hộ) nuôi chó cả đàn để bán, để làm thịt. Các bạn nghĩ chó thịt mà Việt Nam mình tiêu thụ hàng năm đều là chó bắt trộm, chó cưng cả ư? Xin thưa, phần lớn là từ nguồn cung nhập từ Lào, Cambodia, Myanma… và số lượng lớn thu mua từ trang trại lẫn các hộ gia đình bán đấy ạ.
Lại có nhiều bạn trẻ nói rằng: Loài chó là động vật được thuần hóa và gắn bó với con người hơn 15.000 năm nay. Hiện tại nhiều người nuôi chó để trông nhà và là thú cưng trong gia đình cũng vì nhiều lý do tích cực mà chúng mang lại. Thật ra, vậy rất có tội với con trâu con bò, khi mà chúng từng được xem là đầu cơ nghiệp, là sức kéo chính của nông nghiệp – đã từng có những thời điểm (thời Phong kiến) xử tội nặng những người giết mổ trộm trâu bò đó thôi. Rất có tội cho những con chiến mã, yếu tố then chốt trong những trận chiến, truyền tin…
Nuôi để làm bạn hay nuôi để làm thịt thì tùy thuộc vào cách chúng ta đối xử với chúng. Có nhiều người xem chó là bạn của con người. Ờ, đồng ý, nhưng đó là bạn của bạn còn trong mắt những người thích ăn thịt chó thì chỉ xem chó là vật nuôi. Tôi nuôi một con chim cảnh, một con gà chọi cũng coi chúng nó là bạn. Vậy tại sao bạn cho phép được ăn thịt chim, thịt gà mà không cho phép chúng tôi ăn thịt chó? Chúng tôi cũng đâu có bắt trộm chó cưng của các bạn làm thịt đâu. Nên nhớ giá trị mỗi con vật phụ thuộc vào cách mà bạn đối xử với nó. Nếu bạn coi nó là bạn thì là bạn, còn chúng tôi xem con chó là vật nuôi thì là chuyện của chúng tôi.
3. Tại sao người văn minh là không ăn thịt chó? Chỉ mọi rợ, tàn nhẫn mới ăn thịt chó.
Hiện phe yêu chó và đề xuất lệnh ăn thịt chó có nói rằng: Người văn minh sẽ không ăn thịt chó. Lý giải cho điều này họ có nói rằng nhiều nước phương Tây không ăn thịt chó. Và người phương Tây là người văn minh.
Haha, thực ra văn minh nó chả liên quan mẹ gì đến việc ăn thịt chó hay không, nó thuộc về vấn đề văn hóa và nhận thức. Tây cũng như ta thôi, có người nọ người kia, và mỗi nên văn minh có một giá trị riêng, khó phân sang hèn.
Giờ tôi sẽ nói đến vấn đề rằng: Người Tây có ăn thịt chó không? Xin thưa là Có. Trước đã từng thế, nay vẫn còn ăn.
Ở hiện tại, vẫn có nhiều vùng miền ở châu Âu ăn thịt chó, và họ có cách chế biến thịt chó rất riêng theo kiểu châu Âu. Ví dụ như nông dân ở các khu vực Appenzell và St. Gallen (Thụy Sỹ) có thói quen giết thịt chó để chế biến thành món ‘mostbröckli’. Đây là món ăn tương tự như thịt hun khói hoặc giăm bông nhưng được làm từ thịt chó, mèo.
Trong ngôn ngữ Pháp có từ “Cynophagie” để chỉ ăn thịt chó. Chiến tranh Pháp – Phổ (1870), ở Paris có rất nhiều cửa hàng thịt chó, chợ chó ở phố Saint Honoré được ghi chép lại trong lưu trữ lịch sử Paris. Đầu thế kỷ 20, nước Pháp khủng hoảng kinh tế vì đại chiến thế giới lần thứ nhất. Thịt chó giai đoạn này bán tràn lan ở Pháp, Hà Lan.
Ðại chiến thế giới thứ nhất, lính hy sinh trên mặt trận được chở về, nhà thờ nổi tiếng Guillaume Apollinaire (1880-1918) trong bài Nhà táng đã có câu thơ: “Nhiều đứa vào quán rượu/ Vài đứa bỏ chúng tôi/ Ðến cửa hàng thịt chó/ Mua cơm tối để ăn”. Bài thơ là bằng chứng: Thịt chó là một trong những món ăn tiêu thụ đầu thế kỷ 20 ở Paris.
Đại văn hào Pháp Victor Hugo đã kể trong tiểu thuyết của ông: “Dân Paris ăn tất cả mọi thứ vào năm 1870, khi Paris bị quân đội Ðức vây, mèo chó, và tất cả đều chui vào dạ dày như trên con tàu cứu thế Noé ngày xưa.” – Ấy tức dân Pháp từng có thời kỳ thứ thịt chó nào cũng ăn, đừng nói thịt chó.
Đấy, các bạn thấy chưa, xưa và nay thì người châu Âu (Tây) vẫn ăn thịt chó bình thường, chẳng có gì là văn minh với vô nhân đạo ở đây cả. Còn vì sao người Tây ít ăn? Xin thưa: Là do mục đích nuôi chó mèo của họ không phải để thịt, thứ hai là họ không có nghệ thuật thịt chó mèo (cũng có thể do thịt chó mèo Tây không ngon, hehe).
Hiểu nôm na, người châu Âu không ăn thịt chó đó là do tập quán và mục đích nuôi chó của họ. Và trào lưu yêu chó chỉ xuất hiện khi đời sống đầy đủ vào giữa thế kỷ XX. Người dân châu Âu nuôi chó làm cảnh, nuôi chó dẫn người mù, nuôi chó bảo vệ nhà, chó nuôi để tìm thủ phạm buôn ma túy, vũ khí…
Tóm lại, người châu Âu nuôi chó không phải để thịt, vậy tất nhiên họ sẽ không ăn thịt chó. Còn rất nhiều người Á Đông, họ nuôi chó nhiều lý do trong đó có nguyên nhân nuôi chó để thịt. Thậm chí nhiều nơi thịt chó trở thành truyền thống ẩm thực của địa phương.
Theo quan điểm sống không thiên về hòa nhập cộng đồng, con cái không phụng dưỡng cha mẹ, người châu Âu càng về già càng cô đơn. Thậm chí guồng quay tất bật của Tư bản, càng nhiều người châu Âu không có nhu cầu kết hôn sinh con, thế là họ nuôi chó. Chó trở thành người bạn chia sẻ cô đơn với người. Ngay kẻ ăn mày, lang thang ngoài phố cũng có chó theo cùng chờ bố thí… Thế nên, người châu Âu không ăn thịt chó.
4. Ăn thịt chó là một tội ác, là hành vi man rợ.
Nếu có ai đó nói rằng ăn thịt chó là câu chuyện của quá khứ, còn giờ là thời đại văn minh. Ô hay, bạn tự cho mình cái quyền tuyên bố rằng: người văn minh thì sẽ không ăn thịt chó ư? Tự bao giờ bạn quyết định, ăn thịt một con chó thì có tội hơn ăn thịt một con heo, một con gà, một con bò trong khi hàng ngày bạn “đồ con chó” để chửi nhau?
Tôi sẽ lấy ví dụ tiếp. Bạn có từng uống sữa bò không? Nếu có, vậy bạn có biết số phận bất hạnh của những con bò sữa trong trang trại không? Không biết để tôi kể cho mà nghe. Bê con sinh ra nếu là bê cái sẽ bị cưa sừng, bị tiêm thuốc để biến đổi gen, 50-60% số bò sữa hoặc sẽ bị viêm vú do việc vắt sữa quá mức hoặc sẽ bị què chân do việc mang thai liên tục. 100% số bò sữa chỉ có tuổi đời bằng 1/5 bò sống trong tự nhiên.
Đấy, chúng sinh ra trong bi kịch và kết thúc trong bi thương. Ấy vậy mà các bạn vẫn quen dùng những sản phẩm có sữa bò trong cuộc sống hàng ngày đấy. Sao không kêu ca nhân văn, nhân đạo nữa đi.
Bạn lại bảo chó là loài thông minh, sống tình cảm nên không được ăn. Ơ hay, heo thông minh hơn chó nhưng nó vẫn sống đời bi kịch. Bạn lại bảo chó biết dẫn người mù qua đường, biết dò ma túy, biết canh nhà. Đúng, nhưng chó không biết kéo cày như trâu, chó không cho sữa như dê bò, chó không biết chở người xung phong ra trận như ngựa, không cho bộ lông dày như dê, cừu… Nghề nào cũng là nghề, tại sao nghề canh nhà lại thượng đẳng hơn nghề kéo cày?
Còn mấy con thú cảnh khác, như chim như gà thì sao? À, tôi nuôi chim, cho nó ăn uống tử tế, mở lồng ra nó cũng chẳng bay, thậm chí tôi còn dạy được nó hót theo giai điệu, biết nói mấy lời vui tươi. Chó có làm được như con chim tôi nuôi không? Đấy, đành là lớp thú cao cấp hơn lớp chim nhưng mỗi loài vật có một thế mạnh của nó. Nhưng chim – gà của tôi nuôi đâu có gây nguy hại cho cộng đồng loài người như chó. Tôi được biết rằng có 5-7 triệu người phải điều trị bệnh dại mỗi năm và hàng trăm nghìn người chết vì bị chó cắn.
5. Thói quen ăn thịt chó sẽ dẫn tới nhiều tệ nạn?
Bạn bảo ăn thịt chó tạo cơ hội cho những tên trộm chó – đội ngũ Exciter cẩu tặc càng có lý do đi bắt trộm chó? Cái này khác gì “đái dầm đổ tại trym” – vậy tôi yêu cầu bạn đừng tiêu tiền, đừng dùng đồ hiệu, đừng xài trang sức – vì đây là nguyên nhân để bọn trộm cướp ngứa mắt táy máy và lộng hành.
Vậy nên, việc của chúng ta cần quan tâm đó có phải là vì nhiều người ăn thịt chó, dẫn đến có quá nhiều tệ nạn trộm cắp diễn ra. Xin thưa là không? Số lượng các vụ trộm chó để bán lấy thịt nó chỉ là thiểu số. Các bạn cảm giác nó nhiều, chính bởi vì truyền thông quá quan tâm và để ý tới nó mà thôi.
Các bạn lại nói ăn thịt chó sẽ truyền nhiễm nhiều loại bệnh khác như cầu khuẩn, xoắn tả…, nguy hại cho sức khỏe con người. Xin thưa, tỷ lệ các bệnh vì chó còn kém xa so với các loại bệnh gây từ lợn, gà đấy ạ.
Có nhiều người châu Âu thường hay chê người châu Á về việc ăn thịt chó, có nhiều bạn trẻ bị sính Tây, do thiếu hiểu biết nên cũng hay lên án hành vi ăn thịt chó là tàn nhẫn, là vô nhân đạo. Xin thưa, ăn gì tất cả là thói quen, sở thích và tập quán của từng dân tộc. Các nước đạo Hồi không ăn thịt lợn. Ở Ấn Độ thờ bò, không ăn thịt bò. Không thể quy đồng những ai ăn thịt hay ăn thịt lợn hay bò là vô đạo đức.
*** Thay lời kết: Bạn yêu chó vì chúng trung thành, gắn bó với gia đình bạn, thân thiết với bạn hay đơn giàn vì chúng đẹp… là quyền của bạn. Bạn không ăn thịt chó vì bạn sợ ăn nhầm thịt của một thú cưng nhà ai đó, đó là sự lựa chọn của bạn. Nhưng phải nhớ, bạn không có quyền được áp đặt lối sống quan điểm của mình lên người khác, buộc người ta phải giống bạn. Ăn thịt chó hay không nó chưa bao giờ là vấn đề tiêu cực ảnh hướng tới đời sống văn hóa, nó không kéo lùi sự phát triển của kinh tế xã hội hay là thước đo đánh giá sự nhân văn, nhân đạo cả.
Cứ đấu tranh đi, nhưng làm ơn theo cách văn minh!
Sẽ nghĩ sao khi đang ăn một bát phở bò ở Việt Nam, bạn bị một người Ấn Độ lao vào nguyền rủa mắng chửi? Sẽ nghĩ sao khi đang ăn một xiên lợn nướng, bạn bị một người Hồi giáo Indonexia lao vào tấn công? Và đám người ấy chửi Việt Nam chúng ta là hạ đẳng, là man di mọi rợ… chỉ vì chúng ta ăn thịt bò và thịt lợn? Nực cười không?
Các bạn đừng ngụy biện cho việc nhân văn với nhân đạo, thú cưng với vật nuôi… hay trăm ngàn thứ tư tưởng siêu hình và vô chừng khác. Một khi luật pháp chưa cấm cản việc ăn thịt chó, vậy thì chuyện ai đó ăn thịt chó cũng chỉ là một sự lựa chọn thôi, đừng có mang chuyện này ra để đánh giá người ta. Thậm chí, tôi còn buồn cười những bạn nói rằng “các nước phương Tây văn minh không ăn thịt chó” – vậy ý tức là nước Việt chúng ta không văn minh?
Nhiều người Việt Nam nuôi chó để thịt, qua nhiều năm, có nhiều giống chó thịt thơm ngon, nhiều phương thức chế biến độc đáo. Nói không ngoa, thịt chó (ở Việt Nam gọi là cầy tơ) đã trở thành tinh hoa ẩm thực của Á Đông. Nên nhớ văn hóa Đông Tây khác nhau, người Âu khác người Á, ăn gì và không ăn gì tùy bạn chọn lựa nhưng đừng khoác lên mình bộ mặt “văn minh – văn hóa”.
Mỗi một quốc gia hay vùng miền có một tập tục, một truyền thống văn hóa cũng như “thế giới quan” khác nhau. Chén cầy tơ hay không ăn thịt chó, ăn mặn hay ăn chay… đều chỉ là sự lựa chọn thôi. Cái quan trọng để đánh giá con người nó nằm ở nhiều yếu tố kìa, không phải vì do họ là kẻ thích ăn thịt chó hay không đâu.
Trịnh Công Sơn từng nói: Người với người sống để yêu nhau. Một nhà tư tưởng nào đó thì nói: Đồng loại thì không nên ăn thịt lẫn nhau.
Tôi hoàn toàn đồng ý.
—st—