Biết sẻ chia chính là một trong những đức tính tốt đẹp nhất của con người. Dù bạn nghèo hay giàu, bạn dư dả hay thiếu thốn nhưng khi bạn biết nghĩ đến người khác thì đã được xem là “giàu có”. Một tấm lòng giàu nhân ái đáng quý hơn rất nhiều so với của cải và vật chất. Khi chúng ta thấu hiểu ý nghĩa của sự sẻ chia, chúng ta tự nhiên sẽ trở nên đầy đủ. Cho nhiều hay cho ít không quan trọng, quan trọng nhất là tấm lòng. Ông bà ta có câu “Của ít lòng nhiều” cũng vì lẽ đó.
“Của ít lòng nhiều”
Tương tự như những câu thành ngữ thường thấy, “Của ít lòng nhiều” ngắn gọn nhưng vẫn truyền tải được đầy đủ ý nghĩa mà người nói mong muốn. Của cho, của tặng tuy không đáng bao nhiêu nhưng ý nghĩa về tinh thần mới là quan trọng. Chỉ cần người cho đặt tấm lòng của mình vào đó thì người nhận chắc chắn sẽ cảm nhận được nó.
Giữa người với người, biết chia sẻ cùng nhau đã là điều đáng quý. Người xưa cũng bảo “Cách cho hơn của cho”, vật chất có nhiều mà cách cho như bố thí và xem thường người khác thì cũng vô nghĩa. Nếu đã bỏ công cho đi, tại sao chúng ta không thực hiện nó như một hành động tử tế. Có những người điều kiện thiếu thốn, cuộc sống khó khăn nhưng họ vẫn giàu lòng nhân ái. Họ vẫn biết “nhường cơm sẻ áo” cho những mảnh đời kém may mắn hơn. Điều đó đáng quý so với những kẻ lắm của nhưng nhân cách thì thật không cách nào nói.
Xem thêm bài tham khảo “Sông có khúc, người có lúc”
Những người nông dân tuy “tay lắm chân bùn”, lao động quanh năm chẳng dư dả gì nhưng vẫn sẵn sàng ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, bão lớn,…Tư tưởng “lá lành đùm lá rách” thấm nhuần từ bao đời nay nên dù “Của ít lòng nhiều” vẫn rất đáng trân quý. Hay như những anh chị công nhân dù đời sống cũng không mấy dễ dàng vẫn sẵn sàng cho tiền cụ già hay những em bé khuyết tật,…đâu đó còn nhiều lắm những tấm lòng.
Đừng sợ ít mà ngại cho
Nhà tôi ở quê, cha mẹ làm nông nên đời sống cũng chỉ ở mức tạm ổn. Được cái là cả nhà luôn yêu thương nhau và cha mẹ rất cứng rắn trong việc giáo dục con cái học hành tử tế và trở thành một người hữu ích. Tôi có mấy người họ hàng ở thành phố này, đời sống dư dả. Cứ thỉnh thoảng gần cuối năm, tôi lại “tha” một đống quần áo người ta không mặc nữa mà mang về nhà. Nhiều lắm, tận mấy bao cơ. Không phải tôi tham lam nhưng người ta cho mà người ta sợ mình chê đồ cũ. Mình cứ nhận không dùng được thì để người khác dùng, thế có phải hai bên đều vui không.
Xem thêm bài viết tham khảo “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”
Người ta đã nghĩ đến mình là quý, “cũ người mới ta” mà. Hễ ai cho gì là mình nhận, mình dùng không được thì anh, em, cô, chú,…của mình dùng. Cái gì cũng hữu dụng nên chẳng lo đâu. Cứ lấy quần áo ấy mặc quanh năm, mang tiếng đồ cũ thôi chứ cũng còn mới chán, tha hồ mà dùng. Cứ thế mà mỗi năm lại được bao nhiêu đồ, đỡ tốn tiền mua. Người ta vì ngại đồ cũ không dám cho, còn mình có mong mà không được. Thế nên mới nói, “Của ít lòng nhiều”. Người ta quý mình như thế nên nghĩ thấy mà vui.
Của cho là của quý
Thầy tôi kể lúc xưa nhà còn nghèo, hàng xóm thì lại có chút dư dả. Mỗi lần họ nấu gì ăn không hết lại hỏi xem nhà thầy có ăn không, bao giờ bố của thầy cũng bảo thầy mang bát qua lấy về và lễ phép cảm ơn. Chắc có người sẽ chê đó là đồ thừa và không thèm ăn nhưng bố của thầy chưa bao giờ như vậy. Ông dạy các con của mình biết cảm ơn và lịch sự nhận lấy tấm lòng của người khác, vì họ nghĩ đến mình nên họ mới cho. Cứ như thế vài lần, người ta lại nhớ đến gia đình thầy và nấu nhiều hơn một chút để phần trước khi họ dùng.
Cứ thế đấy “Của ít lòng nhiều” mà, tấm lòng người ta quý mình mới là trên hết. Mình nhận với thái độ vui vẻ thì người cho tự dưng cũng cảm thấy vui. Cứ như thế, họ lại nhớ tới mình nhiều hơn và “của ít” dần dần sẽ biến thành “của nhiều”. Trên đời này thật ra, còn rất nhiều người tốt. Tự mình ăn ở hiền lành thì cũng sẽ gặp được những người như vậy.
Trái tim sẽ đi đến trái tim
Dù bạn thật sự thiếu thốn về vật chất, bạn cảm thấy những món đồ của mình chỉ là nhỏ bé nhưng đối với những người thật sự cần thì nó là vô giá. Một bộ đồ bạn không sử dụng nữa có thể sẽ mang lại cái ấm áp và háo hức cho những bạn nhỏ không có tiền mua quần áo mới. Tuy cho đi ít nhưng tấm lòng của bạn đối với họ còn đáng quý hơn nhiều. Không quan trọng là cho cái gì, quan trọng là mong muốn của bạn gửi trao theo những món đồ đó.
Bạn nghĩ rằng chút tiền quyên góp của mình sẽ làm cho những đồng bào gặp thiên tai sẽ được vài bữa no; tập sách bạn gửi tặng sẽ cho các em nhỏ niềm vui đến trường; quần áo kia sẽ đem lại sự ấm áp và hạnh phúc;…Chỉ thế là đủ, những gì xuất phát từ trái tim thì sẽ đi đến trái tim thôi.
Đoạn kết
Thành ngữ “Của ít lòng nhiều” cho dù ở thời đại nào cũng luôn luôn đúng. Khi bạn cho đi một cái gì đó, không phải bạn cho nó mà cho cả tấm lòng của mình dành cho người được nhận. Sống là để yêu thương và sẻ chia, thế mới tạo nên một cuộc sống có ý nghĩa. Dù chúng ta không giàu có hay dư dả, chúng ta vẫn có thể chia sẻ nếu muốn.
Những phận người kém may mắn còn rất nhiều, bạn không giúp hết được họ nhưng bạn có thể làm họ vui hơn vì tấm chân tình của mình. Có ai đòi hỏi mình phải cho họ cái gì đâu, là vì mình xót xa đồng loại mà tự nguyện chia sẻ. Cho đi chút của mà tấm lòng nhiều còn hơn cho nhiều mà cái tâm không có….