Trên đời này, người tốt thì ít mà kẻ xấu lúc nào cũng đầy rẫy. Nói không quá chứ chỉ cần sơ hở một chút, bạn sẽ bị bọn xấu chiếm lợi ngay. Có nhiều loại người đã lười biếng lại còn tham lam, lúc nào cũng muốn hưởng thụ trên thành quả của người khác. Trời lại sinh bọn này thường lắm mưu mẹo, dễ lừa người nhưng rốt cuộc cũng phải nhận cái kết đắng mà thôi. Kẻ cứ chăm chăm vào lợi dụng “Đục nước béo cò” thì có ngày nước trong cũng phải chạy tán loạn vì chết đói đến nơi.
“Đục nước béo cò”
Câu thành ngữ này bắt nguồn từ một hiện tượng thường gặp ở vùng nông thôn. Cò là một loài vật đêm ngày lặn lội kiếm con ốc, bắt con tôm, con cá trên đồng ruộng. Nhưng thức ăn cũng nào dễ kiếm, phải vất vả lắm chúng mới lo nổi bữa ăn hàng ngày. May mắn thay, trong các vụ cày bừa, ruộng nước đục ngầu, lắm bùn làm cho cá tôm ở dưới nước không chịu được phải ngoi mình lên mặt nước. Thế là chẳng vất vả bao công, cứ thế cò tha hồ kiếm ăn trên những con vật xấu số do hoàn cảnh “đục nước” mà phải ngoi mình làm mồi cho nó.
Đấy là nguồn gốc của câu thành ngữ này. Tất nhiên rằng, đây chỉ là nghĩa đen của câu và nghĩa bóng còn hàm chứa nhiều ý tứ sâu xa hơn nữa. “Đục nước béo cò” không chỉ là phản ánh sự rối ren của hoàn cảnh mà còn phần lớn do nhân tố con người. Người tốt không nói nhưng người xấu có thể lợi dụng hoàn cảnh đó để làm những việc lợi mình hại người. Thời thế thay đổi khôn lường, kẻ mưu tính sẽ dựa vào từng hoàn cảnh mà nghĩ cách tranh công, kiếm chác chút lợi lộc cho bản thân mình. Nhiều hoàn cảnh “Đục nước béo cò” khiến chúng ta chỉ biết căm phẫn và cay đắng.
Từ bài học cho đến cuộc sống
Chúng ta vẫn còn nhớ những vụ “hôi của” làm rung động dư luận những năm gần đây chứ? Tôi thật sự không hiểu, điều gì đã thúc đẩy người ta trở nên tàn nhẫn đến mức như vậy. Người xưa chẳng phải hay dạy “Lá lành đùm lá rách” hay “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” đấy hay sao? Vậy mà khi thấy đồng bào gặp nạn, chúng ta chẳng những không giúp đỡ mà còn lao vào tranh cướp của cải hòng kiếm chút lợi cho mình. Chúng ta nhận được gì ngoài dăm ba cái của không phải của mình và những giọt nước mắt đau khổ của người bị hại.
Xem thêm bài viết tham khảo “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”
Xem thêm bài viết tham khảo “Nhân nghĩa là chúa muôn đời/Bạc tiền là khách qua chơi bấy giờ”
Tôi đã từng tự hào biết bao khi mình là con cháu lạc hồng, trọng tình trọng nghĩa, yêu thương lẫn nhau. Nhưng có lẽ thời gian đã làm thay đổi quá nhiều thứ, thay đổi cả lòng người. Sự yêu thương và giúp đỡ biến thành tranh cướp và chiếm đoạt. Từng ấy thời gian, chúng ta đã làm gì để cho đất nước tươi đẹp hơn? Một đất nước mà lễ nghĩa và đạo đức không được đặt lên hàng đầu thì còn hy vọng gì ở mai sau nữa.
Rồi lớp trẻ sau này sẽ học hỏi được gì từ đàn anh, đàn chú đi trước. Sự vô tâm đến đáng sợ hay thói lười biếng đang gặm nhấm con người từng ngày. Thật đáng buồn làm sao.
Ý thức con người là quan trọng nhất
Những thành phần “Đục nước béo cò” có mặt ở khắp mọi nơi và không thể đếm xuể. Chỉ cần hoàn cảnh thuận lợi là có họ xuất hiện. Toàn là những chuyện nhỏ nhặt nhưng lại làm xấu đi hình ảnh của chúng ta trong mắt bạn bè ngoài nước.
Thấy người bị nạn không giúp mà vào “hôi của”; nhân lúc người ta thả cá chép phóng sinh thì chuẩn bị sẵn lưới điện để bắt cá bán lại; thấy người dân bức xúc một chuyện nhỏ là lao vào kích động phản nước; thấy đồng nghiệp bị mắng lại tranh thủ vùi dập giành công;…Những chuyện xảy ra hàng ngày, hàng giờ làm chúng ta phải lắc đầu ngao ngán bởi cái xã hội loạn lạc thời bây giờ.
Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, hoàn cảnh thuận lợi thì người ta phải làm ư? Không đâu, phần lớn là do ý thức của con người. Con người không tự làm chủ được mình, họ còn bị những nhân tố xung quanh cám dỗ và ảnh hưởng nữa thì làm sao? Chúng ta phải biết phân biệt đúng sai, phải trái. Có vậy thì mới sống đúng và sống đẹp được.
Mỗi người góp một ít
Tại sao khi thấy có người gặp nạn, một số chạy đến giúp đỡ còn một số lại trục lợi? Đó là ý thức của mỗi người, chúng ta cần biết việc nào nên làm và việc nào không nên làm. Không phải cứ việc có lợi cho mình là làm mà bất chấp tất cả.
Chúng ta là con người với nhau, là đồng bào cũng là đồng loại. Mối quan hệ đó đủ mật thiết để không giúp nhau thì thôi chứ cớ gì mà lại hại nhau. Tôi tin rằng, mỗi chúng ta đều có lòng thiện và không muốn mình trở thành một kẻ xấu xa. Vậy nên, tự chủ động tu dưỡng và rèn luyện bản thân theo hướng tốt hơn mỗi ngày là một điều hết sức cần thiết.
Đừng lợi dụng “Đục nước béo cò” mà quên đi nỗi đau của đồng loại. Chúng ta muốn là một thế giới hòa bình và một cuộc sống ấm no cho cả dân tộc. Chỉ cần mỗi chúng ta đều biết nghĩ thiện, làm thiện thì tương lai về một đất nước tốt đẹp sẽ không còn xa nữa. Tôi tin là như vậy.
Lời kết
Thật đáng buồn nếu mỗi chúng ta chỉ nghĩ cho bản thân mình mà mặc kệ cảm xúc của người khác. Cuộc sống này, khó khăn không thiếu, ai mà chẳng có lúc gặp hoạn nạn. Nếu biết nghĩ, hôm nay giúp người thì ngày mai chắc chắn có người giúp lại. Bạn “Đục nước béo cò” để làm gì, lỡ một mai mình rơi vào cảnh khốn đốn mới biết hối hận cũng đã muộn màng.
Hãy phấn đấu sống tốt và làm một người mang giá trị hữu ích cho cả bản thân và xã hội xung quanh. Chỉ cần sống và làm việc thiện thì khó khăn nào rồi bạn cũng sẽ vượt qua.