“Xa thương gần thường”
Tình cảm con người là vấn đề muôn thuở trong thơ ca, nhạc họa và cả trong kho tàng văn học dân gian cũng như thế. Người ta dành nhiều lời lẽ để nói về tình cảm giữa người với người. Đó không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là tình cảm gia đình, tình bè bạn tình làng nghĩa xóm,…Một trong những câu thành ngữ như thế, chúng ta vẫn thường nghe nhắc “Xa thương gần thường”.
Giải thích ý nghĩa “Xa thương gần thường”
Về mặt ngữ nghĩa, câu thành ngữ này khá đơn giản, từ ngữ dễ hiểu. “Xa” và “gần” dùng để chỉ về khoảng cách địa lý, “thương” là tình cảm yêu thương nói chung, “thường” là nhàn nhạt bình thường hay không có gì khác biệt. Vậy “Xa thương gần thường” ý chỉ khoảng cách xa thì yêu thương tình cảm, còn khoảng cách gần thì bình thường, mối quan hệ không có gì đặc sắc.
Đây có lẽ cũng là một trường hợp quen thuộc trong đời sống hàng ngày, chúng ta có thể bắt gặp trong bất kỳ nơi đâu. Thời xưa chiến tranh liên miên, gia đình ly tán nên hiếm khi có thể sum họp, kề cận bên nhau. Vì thế, tình cảm vô cùng trân quý, miễn gặp mặt là yêu thương đong đầy. Thời đại ngày nay, cuộc sống mưu sinh nặng gánh, vất vả bôn ba làm nhiều gia đình cũng khó có cơ hội gần nhau. Chưa kể chuyện dựng vợ gả chồng, con cái xa cha mẹ, anh chị em ở xa nhau là chuyện thường.
Sự ưu tiên tình cảm khi có khoảng cách
Như chúng ta thường thấy, người ở xa lâu ngày không gặp, mỗi khi về nhà thường được ưu tiên hơn. Ví như nhà có con cái đi làm xa hoặc dựng vợ gả chồng, thi thoảng về sẽ được thiết đãi gà vịt, nấu cho nhiều món ăn ngon, chuyện trò thân tình,…Còn con cái ở gần thì mọi chuyện cứ bình thường, ngày nào cũng gặp gỡ nên đâu có sự kiện gì đặc biệt.
Xem thêm bài viết tham khảo “Xa mặt cách lòng“
Hồi xưa ở nhà, thường gặp mặt ba mẹ, sống cuộc sống bình thường lại không biết trân trân trọng, cứ muốn thoát ra đi đâu đó thật xa. Bây giờ, một mình vật lộn ở nơi đất khách, nhớ da diết bữa cơm nhà, nhiều lúc tủi thân rơi nước mắt. Đi học, đi làm thi thoảng 3 – 4 tháng về một lần, vậy mà lần nào gia đình cũng vui, quan tâm, nấu đồ ăn ngon, hỏi thăm rôm rả. Mỗi lần đi xa nhớ lắm những khoảnh khắc đó, nghĩ lại là tự dưng mỉm cười.
Gần thường nhưng không vô cảm
Hôm gọi điện thoại về nhà nghe kể về câu chuyện gia đình nọ, mẹ già bị ngã trật chân. Anh chị ở xa nghe tin sốt sắng, nước mắt ngắn dài gọi về hỏi thăm liên tục, đòi đưa mẹ đi bệnh viện tốt nhất. Chỉ có cậu em út là bình thản chở mẹ ra trạm xá rồi đưa mẹ về nhà nghỉ ngơi, chăm sóc chu đáo, không than khóc, không hoảng loạn. Nói như vậy, chẳng lẽ người ở xa thương hơn người ở gần, ở gần dần trở nên vô cảm?
Tất nhiên là không rồi, bằng chứng là cậu út vẫn đưa mẹ đi điều trị và chăm sóc chu đáo mỗi ngày. Chỉ là, tình cảm ấy không thể hiện ra bên ngoài một cách rõ ràng, nó không ồ ạt, không phô trương. Vì người ở gần mỗi ngày nhìn thấy mặt nhau, hiểu cuộc sống và sinh hoạt của nhau, biết nhau đau ốm mãi nên cũng không lấy làm lạ. Còn người ở xa, chẳng “xa mặt cách lòng”, mà còn quan tâm lo lắng khi không biết tin nhau hoặc khi nghe có biến cố xảy đến.
“Xa thương gần thường”
Hay trêu đùa với mẹ chuyện đi lấy chồng, tôi cứ đòi mẹ sẽ lấy chồng gần để cận kề bên ba mẹ, bên mấy cậu dì thân thương. Hoặc kể có lấy chồng xa đi chăng nữa, tôi cũng nhất quyết về gần mẹ để xây nhà, sớm tối bên nhau. Mẹ nghe vậy chỉ cười, nói thì dễ làm mới khó. Xong mẹ bảo, “Xa thương gần thường” con ơi, tưởng gần nhau là vui nhưng tháng rộng năm dài cũng không biết được.
Xem thêm bài viết tham khảo “Anh em như thể tay chân/Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”
Nói mới nhớ, ngẫm lại ông bà mình dạy đúng. Có khi ở xa vậy mà tốt, thỉnh thoảng về thăm đôi chút thời gian mà vui vô cùng, tình cảm khắng khít. Chẳng như mấy anh chị em ở gần, cứ cãi nhau miết về chuyện ai nuôi cha mẹ già, chuyện tranh giành đất đai rồi tính toán với nhau từng con tôm, con cá,…Nghĩ mà chán mà buồn, ông bà ta bảo “anh em như thể tay chân” mà mọi người lại không biết yêu thương nhau, cứ vì mấy chuyện nhỏ nhặt mà chia rẽ nội bộ, đấu đá để được gì?
“Gà chung một mẹ chớ hoài đá nhau”
Chuyện người trong gia đình hay họ hàng tranh chấp tài sản, giành giật đánh nhau rất thường gặp. Đó là những câu chuyện xuất hiện nhan nhản trên mặt báo, chuyện có thể nghe ngóng được hàng ngày. Vì chút lợi trước mắt mà anh em tương tàn, người một nhà lại biến thành “nồi da xáo thịt”.
Hễ có chuyện là người ở đây lại gọi cho người ở xa than thở, khóc lóc kiểu “anh chị về mà xem, ở nhà người ta thế này thế kia”. Rồi còn ước giá như có anh chị ở gần thì chuyện đâu ra nông nỗi. Thật ra, đâu ai biết trước được điều gì. Lỡ đâu “Xa thương gần thường”, người ở gần thì mọi chuyện cũng diễn ra như mô típ cũ thì sao.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một vài trường hợp đại diện có vẻ hơi tiêu cực. Đa số còn lại, người ở gần nhau không thể hiện tình cảm quá rõ ràng nhưng sự quan tâm và chăm sóc cho nhau vẫn có. Rõ ràng, tối lửa tắt đèn có nhau vẫn tốt hơn nhiều so với việc xa cách.
Kết luận
Tóm lại, câu thành ngữ “Xa thương gần thường” là một trường hợp thường gặp trong đời sống hàng ngày. Qua đây, người xưa muốn phần nào nhắc nhở mọi người nên yêu thương và trân trọng nhau bất kể khoảng cách xa hay gần. Người ở gần chưa chắc đã vô cảm lạnh nhạt, chỉ là tình cảm yêu thương trở thành một thói quen. Người ở xa chịu nhiều thiệt thòi, càng nên biết yêu thương khi còn có thể. Yêu thương chính là sự bao dung lớn lao nhất để giữa người với người, chúng ta có thể cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn áp lực trong suốt hành trình của cuộc đời.