Giao tiếp nắm vai trò chủ chốt trong đời sống hàng ngày, đó cũng là một trong những bệ phóng lý tưởng để dẫn dắt con người ta đến gần với thành công hơn. Và lời nói lại chính là công cụ hỗ trợ đắc lực cho bạn rút ngắn khoảng cách vươn tới đích. Lời nói ư? Nghe có vẻ dễ vì ai cũng nói được nhưng cái chính là bạn cần nói những gì và diễn đạt chúng như thế nào để người đối diện cảm thấy dễ chịu. Bạn có để ý không? Phần lớn những người khôn ngoan, khéo léo trong lời nói thường dễ đạt được thành công nhanh hơn số còn lại. Thế nên, nói hay cũng là một nghệ thuật cần phải được học hỏi. Ca dao Việt Nam có dạy:
“Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.”
Hãy để bản thân trở nên có giá trị
“Kim vàng”, nghe đến tên thôi đã phần nào thể hiện được giá trị vật chất của nó. Dù là một cây kim bé nhỏ nhưng nếu được làm bằng chất liệu vàng thật thì quý giá biết bao nhiêu. Ai lại nỡ lấy kim vàng uốn thành móc câu rồi đem câu cá, đó chẳng phải là phí phạm quá hay sao? Dù cho bạn là một người có điều kiện dư dả đi chăng nữa thì việc uốn câu kim vàng cũng thật không hay.
Khi bạn tạo ra cho mình một giá trị nhất định, chắc chắn bạn sẽ được trọng dụng và đền đáp xứng đáng. Bạn có tin vào sức mạnh của lời nói hay không? Lời nói sẽ khiến người đối diện có cái nhìn rất khác về bạn.
Có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ngay cả việc ăn là nhu cầu thiết yếu và là công việc cơ bản của mỗi người mà còn phải học thì chắc chắn trên đời còn có khối chuyện để học đấy. Kế ăn là nói, miệng là miệng của mình nhưng mình không thể tùy tiện muốn nói sao thì nói được. Nói hay, nói khéo thì tốt còn nói dai, nói dở lại thành ra mất vui.
Sức mạnh của lời nói?
“Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.”
Khôn ở đây là khôn ngoan, khôn khéo, biết nghĩ trước sau, hiểu và chịu trách nhiệm những gì mình nói ra. Nó khác với khôn lõi, khôn vặt, luôn hạ bệ người khác và muốn mình giành phần hơn. Khi chúng ta khéo léo trong cư xử và giao tiếp, lợi ích mà chúng ta nhận lại chắc chắn sẽ rất tương xứng. Những người khôn ngoan luôn biết cách dùng lời lẽ của mình để thuyết phục và xoa dịu người khác. Ngôn từ có cái hay của nó, nếu biết vận dụng thì sẽ thu được kết quả cực kì tốt. Lời nói mang nhiều sắc thái và âm vực, tùy vào hoàn cảnh và con người mà chúng ta có cách thể hiện khác nhau. Nhưng chung quy, phải khôn khéo.
“Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.”
Có ai mà thích gặp phải người ăn to nói lớn, thô lỗ cộc cằn đâu?
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”
Vì lời nói đâu có mất tiền mua, nói dễ nghe một chút thì thành ra kết thêm một người bạn, giải quyết êm xuôi một vấn đề. Còn cứ cáu bẩn, nặng nhẹ nhau thì hiềm khích sẽ kéo dài, không khéo chuốc thêm kẻ thù. Thôi “Thêm một chuyện chi bằng bớt một chuyện”. Được lòng người hay không là do cách mình bày tỏ. Sống không nhất thiết được tất cả mọi người yêu quý nhưng sống mà ai cũng ghét thì phải nên xem lại bản thân.
“Người thanh thì tiếng cũng thanh
Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu.”
Bạn nghĩ gì về câu ca dao này? Lời nói không chỉ chi phối cảm xúc của người đối diện mà còn phần nào thể hiện con người của bạn trong mắt họ. Rõ ràng “Người thanh thì tiếng cũng thanh” mà. Phải vừa xinh đẹp vừa ăn nói mặn mà có duyên thì mới đủ trọn vẹn được chứ.
Người khôn ngoan luôn khéo léo trong cách cư xử và giao tiếp đối với mọi hoàn cảnh. Họ thường thốt ra những lời hay ý đẹp, dễ nghe và dễ đi vào lòng người. Chỉ cần uyển chuyển một chút trong lời ăn tiếng nói, bạn cũng có thể sẽ nhận lại một cơ hội bất ngờ nào đó. Nặng lời để làm gì khi mình còn có thể tử tế được với nhau?
Nói hay là một nghệ thuật
Lời thô lỗ hay thiếu suy nghĩ thì ai cũng có thể nói. Nhưng thốt ra được những lời vàng ý ngọc, khéo chiều lòng người mới là nghệ thuật. Và người nói dĩ nhiên cũng được xem là một nghệ nhân. Khi có xung đột xảy ra, cãi cọ qua lại chỉ khiến mâu thuẫn được đẩy lên đến mức cao trào và không góp phần giải quyết tranh chấp. Nhưng nếu chúng ta biết bình tâm suy xét, dùng lời lẽ nhẹ nhàng để phân tích, hóa giải hiểu lầm thì lại là một chuyện khác. Thế đấy, lời nói tuy có vẻ vô hại nhưng lại mang một sức mạnh to lớn ẩn chứa.
Khi chúng ta nói ra những lời hay, cuộc sống xung quanh cũng bỗng chốc thật nên thơ, mọi người đều vui vẻ. Bằng nặng lời với nhau, mọi chuyện sẽ trở thành u ám, nặng nề và thậm chí rơi vào bế tắc. Bởi người ta mới nói, tất cả là do mình. Nếu khôn ngoan thì được nhờ, còn ngu dại thì phải chịu. Để nói hay không quá khó, cốt lấy thái độ từ tốn, khiêm nhường làm điều kiện tiên quyết. Cái gì cũng có thể học và cái gì cũng có thể đạt được nếu chúng ta đủ quyết tâm.
Tạm kết
Để hiểu rõ hơn về giá trị của lời nói trong cuộc sống thì chính bản thân mỗi người chúng ta hãy tự trải nghiệm nó. Hoặc bạn có thể quan sát những câu chuyện, những diễn biến xảy ra xung quanh mình mỗi ngày. Biết nói lời hay thì được gì, còn thô lỗ nặng lời thì kết quả sẽ ra sao? Có như thế chúng ta mới cảm nhận sâu sắc được cái hay của ông cha ta đã đúc kết và truyền lại cho con cháu đời sau thông qua những bài ca dao. Hôm nay lại nghe thêm một bài học hay về cách đối nhân xử thế trong đời sống.
Chúng ta hãy lấy đó làm tấm gương sáng và uốn nắn bản thân vào khuôn khổ đúng đắn ấy để không phun lòng người xưa đã cất công truyền dạy. Và quan trọng nhất là bỏ công tu dưỡng để nhận được giá trị nào đó cho bản thân mình.
“Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.”