“Có thực mới vực được đạo”
Có lẽ, câu tục ngữ này đã quá quen thuộc với mọi người trong đời sống hàng ngày rồi. Từ xưa đến nay, chuyện ăn uống đã được xem là vấn đề quan trọng và cấp thiết. Vì có ai mà không cần ăn để sống, có ăn mới có sức khỏe để làm những việc khác lớn lao hơn.
Nếu có khác nhau thì chỉ là ngày xưa, người ta chuộng “ăn no mặc ấm”, còn bây giờ là “ăn ngon mặc đẹp” mà thôi. Nhưng chung quy lại, chúng ta đều phải công nhận “Có thực mới vực được đạo”.
Có ăn mới có lý tưởng
Thật ra không cần giải thích nhiều, mỗi chúng ta đều dễ dàng hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ này. Xét về nghĩa đen, “Có thực mới vực được đạo” ý nói có ăn mới có sức làm tiếp mọi chuyện. “Thực” là lương thực, “đạo” là con đường. Muốn đi đến đích thì phải có sức khỏe, muốn có sức khỏe thì phải ăn. Đơn giản là như vậy thôi.
Bên cạnh đó, nhiều người còn có một lý giải khác về câu tục ngữ này. Chữ “đạo” là đạo lý, là những gì cao siêu, to lớn. Muốn đạt được cái to lớn, vĩ đại thì phải có sức khỏe, nhờ lương thực nuôi dưỡng. Có một cách giải thích hơi thực dụng, là muốn người ta làm điều gì thì không phải chỉ hô hào mà không cho người ta chút lợi lộc. Cho nên, chữ “thực” có thể được hiểu là lợi lộc, và chữ “đạo” được hiểu như điều mình muốn người ta làm.
Nhưng dù thế nào, chúng ta cũng phải công nhận rằng có “thực” hay nói dễ hiểu là có ăn thì mới tính tiếp được những chuyện tiếp theo. Con người dù giỏi đến đâu cũng chỉ nhịn đói được 5 – 7 ngày với điều kiện không làm gì trong thời gian đó. Có ai không ăn không uống mà có sức làm mọi chuyện qua năm này tháng nọ đâu. Nếu thật như thế thì người ta đã không phải đau đầu.
“Có thực mới vực được đạo”
Nhiều người cho rằng, chuyện gì cũng quy ra miếng ăn, đong đếm cái ăn thì thật là quá thô thiển. Con người được ăn học đàng hoàng nên biết đến đạo lý trước sau, nghĩ về những cái hay, những điều lớn,…Nhưng không ăn thì lấy đâu ra sức sống để làm những điều cao cả. Dù cho cái miếng ăn có thật sự dung tục nhưng nó cũng chính là thứ quan trọng trong đời sống hàng ngày.
Xem thêm bài viết tham khảo: “Bé người to con mắt“
Thời sinh viên, giảng viên giáo dục kỹ năng trong một buổi đứng lớp đã nói rằng: “Các em còn trẻ nên hãy va vấp đi, dấn thân đi, làm những điều có ích cho xã hội đi. Nên tích cực tham gia các phong trào, hòa mình vào cộng đồng xã hội, sống có lý tưởng,…”. Tôi nghe rất nhiều và không nhớ hết nổi bởi vì còn mải mê những suy nghĩ trong đầu.
Các bạn có biết tôi nghĩ gì không? Tôi lúc ấy còn bận làm thêm hai ba nơi, ban ngày học, thời gian còn lại đi làm, có dư thời gian là ngủ để lấy sức. Như vậy thì lấy đâu ra thời gian đoàn đội với xã hội. Mỗi tháng, tôi phải đối mặt với tiền nhà, tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền học,…lý tưởng liệu có đủ chỗ chen vào. Tôi nghĩ vu vơ rằng lý tưởng có là gì khi mình mang một cái bụng rỗng tuếch?
Ăn để sống hay sống để ăn?
Vâng, bản thân tôi nhiều lúc cũng thắc mắc về vấn đề này. Liệu mình ăn để sống hay là sống để ăn? Có lẽ, điều đó còn tùy thuộc vào hoàn cảnh sống của mỗi người. Nếu bạn luôn sống trong nhung lụa, ăn sung mặc sướng mỗi ngày, trước mắt toàn sơn hào hải vị thì bạn sẽ thấy mình sống để ăn. Còn nếu bạn sống trong hoàn cảnh khó khăn, mỗi ngày phải nuốt vội ổ bánh mì hay bát cơm nguội để tiếp tục cuộc sống lam lũ thì chính là ăn để sống.
Dù thế nào thì cũng phải ăn, chúng ta trước hết phải sống được, phải có sức sống thì mới nói được những câu chuyện tiếp theo. Đừng cho rằng, người cố gắng kiếm tiền, chắt chiu tiết kiệm và trân trọng từng miếng ăn là người tầm thường. Thật ra, họ chỉ sống thực tế mà thôi. Chúng ta đâu phải chỉ có một mình, chúng ta còn cả gia đình đang chờ mình nuôi nấng.
Mỗi ngày, mọi người đều phải ăn, phải nạp lương thực thì mới sống được. Làm ruộng cần phải ăn, bác sĩ cần phải ăn, giáo viên cần phải ăn, ca sĩ cần phải ăn, người bệnh lại càng cần ăn hơn nữa,…Vậy nên, “Có thực mới vực được đạo” là đạo lý muôn đời nay rồi.
Có phải tất cả đều cần no bụng?
Đúng vậy, ăn chính là xuất phát điểm của tất cả. Ngay cả tình yêu lãng mạn như thế, bay bổng như thế thì đời sống bình thường yêu cũng cần phải ăn. Tôi nhớ nhà văn Nam Cao từng nói: “Phàm đã là nam nhân trong thiên hạ trước khi muốn đặt môi mình lên khuôn miệng xinh đẹp của nữ nhân nào đó thì trước tiên phải có trách nhiệm đổ đầy cơm vào“.
Xem thêm bài viết tham khảo: “Đất lở chim bay, đất lành chim đậu“
Bạn thấy đấy, chúng ta đều phải nên thực tế như thế. Tôi lại cảm thấy, lời “thả thính” này rất thực tế, rất giá trị và đánh đúng tâm lý người nghe. Dù có bao nhiêu bay bổng và lãng mạn, con người vẫn phải cần no bụng trước tiên. Bạn có thể yêu một người vì bạn yêu nhưng liệu có thể sống cả một đời với họ khi họ không có gì trong tay?
Đừng trách ai đó ham tiền tài vật chất, họ chỉ muốn có một cuộc sống ấm no hơn mà thôi. Tất nhiên, tôi không nói đến trường hợp phụ nghĩa vì tham giàu sang hay bất chấp thủ đoạn để hại người. Nhưng chung quy “Có thực mới vực được đạo”.
Lời kết
Câu tục ngữ “Có thực mới vực được đạo” là một trong những câu tục ngữ tôi rất tâm đắc. Nếu bàn về nó, chúng ta có khi nói cả ngày cũng không hết nên hãy để nó được hiểu theo suy nghĩ của mỗi người. Và từ đó, bạn vận dụng nó vào thực tế và có cách sống hay cư xử cho phù hợp. Chung quy lại thì con người đấu đá, hãm hại, tranh giành lẫn nhau cũng chỉ vì “miếng ăn” mà họ cho rằng là tầm thường mà thôi.