Từ xưa đến nay, kẻ phản phúc, vong ân bội nghĩa luôn khiến người khác chán ghét và xa lánh. Tuy vậy, những kẻ như thế lại tồn tại rất nhiều và gây ra nhiều chuyện khiến người đời bức xúc. Nhưng nếu kẻ đó mang một phần lỗi thì người cưu mang và giúp đỡ cũng sẽ mang lỗi nửa phần. Chính sự chủ quan và lòng tốt không đúng chỗ đã góp phần tiếp tay cho kẻ xấu nhanh chóng đạt được mục đích của mình.
Người xưa có câu “Nuôi ong tay áo, nuôi cáo chuồng gà” cũng là để nói lên vấn đề này và nhắc nhở mọi người nên cảnh giác hơn trong mọi chuyện kẻo hối hận cũng không kịp.
“Nuôi ong tay áo, nuôi cáo chuồng gà”
Có lẽ, đây là một câu tục ngữ khá quen thuộc đối với mọi người và hầu như ai cũng đã hiểu rõ đạo lý này. Ở đây “nuôi ong tay áo” không phải là nuôi dưỡng con ong trong tay áo vì ai cũng biết ong là loài nguy hiểm. Mà đây là loài ong đen làm tổ trên cành cây, loại tổ ong này xệ xuống như ống tay áo.
Tay áo ngày xưa thường được may rộng chứ không gọn gàng như bây giờ. Chính vì vậy, người ta gọi là vì hình dáng cái tổ của chúng giống như tay áo người. Theo như người xưa, loại ong đen thường bị cho là điềm gở (như quạ đen), mỗi lần chúng xuất hiện thì người dân thường hun khói đuổi đi. Trái ngược với ong đen, loài ong vàng có tổ giống hình đài sen, trông rất đẹp được cho là mang đến may mắn cho người nhà nên không bị xua đuổi. Do đó, “Nuôi ong tay áo” là chỉ để cho bầy ong tay áo sinh sống trong khu nhà mình, thế nào cũng gặp họa.
Tiếp theo là “nuôi cáo chuồng gà”, cái này không nói cũng biết là chuyện vô cùng nguy hiểm. Cáo vốn là loài gian xảo, ranh ma và luôn chực chờ để ăn thịt những con gà béo tốt. Việc bạn nuôi một con cáo trong chuồng gà dù mang ý cưu mang nó nhưng vẫn là một việc làm rất dại. Bạn đã tạo cơ hội cho nó làm hại mình và một ngày có hối hận cũng không kịp nữa.
Lòng tốt đặt không đúng chỗ
Trong cuộc sống, không thiếu những trường hợp phản phúc như thế. Con người ta có thể vì đồng tiền, vì vật chất hay cái lợi trước mắt mà quên đi tình nghĩa. Tình cảm giữa người với người có lúc đong đầy, có lúc vơi cạn không biết trước. Đôi khi lòng tốt đặt sai chỗ, chính sự lương thiện của bạn đã góp phần để kẻ xấu dễ dàng lợi dụng và hãm hại bạn hơn.
Xem thêm bài viết tham khảo: “Ăn cháo đá bát”
Lúc còn thịnh vượng, gia đình bạn tôi từng giúp đỡ rất nhiều người nhưng cuối cùng thứ họ nhận được chỉ là sự phản bội và xa lánh. Chua chát thay, cuộc đời người ta chỉ trân trọng vật chất, đời bạc như vôi. Ba của bạn tôi là một doanh nhân thành đạt, đối nhân xử thế chan hòa và luôn có lòng giúp đỡ những người yếu thế hơn. Nhưng có một thời gian, ông bị kẻ gian hãm hại khiến cho sự nghiệp suýt chút tiêu tan. Mà kẻ gian này lại chính là người ông cưu mang, giúp đỡ từ thuở còn hàn vi.
Lúc đó, những người ông tưởng giúp đỡ trước kia đếm không hết nhưng chỉ có hai, ba người chịu cho vay ít tiền. Thời gian đó, cả gia đình bạn tôi rơi vào khủng hoảng và khó khăn nghiêm trọng vì những món nợ khổng lồ. Lúc đó mới thấy, cuộc đời hay lòng người cũng chỉ bạc bẽo như thế. May mắn thay, trời còn thương ông ăn ở hiền lành nên khoảng thời gian khủng hoảng cũng qua đi và ông lấy lại cuộc sống sung túc như xưa. Thế mới thấy, ông trời không phụ người hiền và mọi sóng gió rồi cũng sẽ qua thôi.
Khi lòng tốt bị lợi dụng
Câu tục ngữ “Nuôi ong tay áo, nuôi cáo chuồng gà” mang bài học rất ý nghĩa và thiết thực. Đó là thực trạng đáng báo động, điều này cũng khiến cho chúng ta e dè hơn khi muốn mở rộng lòng lương thiện. Chúng ta tốt bụng, giúp đỡ người khác nhưng cứ gặp toàn chuyện không may và bị hãm hại lại thì có ai còn dám giúp nữa.
Chị là một người rất lương thiện, yêu gia đình và hết lòng vì bạn bè. Ngày cô bạn ở dưới quê nước mắt ngắn dài khăn gối lên thành phố tìm chị, chị đã rất xót xa và giữ cô ở lại lúc không có chỗ nương tựa. Nhưng chị đâu biết rằng, tấm lòng của chị không bằng sự dã tâm của người ta. Một ngày nọ, chị phát hiện chồng mình và cô bạn thân mờ ám trong chính ngôi nhà của mình thì chị mới biết thế nào là đau đớn thật sự. Hóa ra, không phải cứ sống tốt với người ta thì sẽ nhận lại điều tốt.
Cuộc sống luôn như vậy, nó bắt chúng ta phải lựa chọn và lựa chọn một cách rất khó khăn. Nếu giúp đỡ người khác, bạn sẽ đôi khi lo lắng thiệt cho bản thân mình. Ngược lại nếu không giúp đỡ, bạn lại thấy áy náy với lương tâm. Rất nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra theo mô típ ở trên, bạn thân cướp chồng, em gái cướp chồng và cả người giúp việc cũng thế. Điều đó biến chúng ta trở nên đa nghi và dè dặt hơn đối với mọi người.
Ai tốt, ai xấu?
Chúng ta chỉ là những người bình thường thì làm sao phân biệt được ai tốt và ai xấu. Chỉ biết làm theo những gì bản thân mình cho là đúng, sống tròn với lương tâm là cảm thấy vui. Có thể hôm nay, người mà mình giúp đỡ sẽ quay lưng và thậm chí hãm hại mình. Nhưng ít ra, mình không hối hận vì bỏ sót một người đáng thương. Bạn cứ yên tâm, người đang làm trời đang nhìn kia mà. Rồi sẽ có một ngày, bạn được người khác giúp đỡ lại một cách tương tự như thế.
Chúng ta hãy cứ sống lương thiện, mọi biến cố hay đau khổ chỉ như một kiếp nạn mà sớm muộn bạn cũng sẽ gặp phải trên đời. Nhưng nếu sống tốt, kiếp nạn đó sẽ tự động hóa giải và nhanh chóng qua đi. Tin vào điều đó, bạn sẽ có dũng khí vượt qua tất cả.
Lời kết
Câu tục ngữ “Nuôi ong tay áo, nuôi cáo chuồng gà” mang đến cho chúng ta một bài học sâu sắc và ý nghĩa. Hy vọng rằng, chúng ta sẽ sống sao để người khác yêu quý và lương tâm không hổ thẹn. Còn những gì người ta đối đãi tệ bạc với mình, mình không cần làm gì cả vì luật nhân quả sẽ đến nhanh thôi.