Ở đời, mọi chuyện đều khó lường và có thể vượt xa ngoài tầm tay của mình. Nếu dòng đời là thứ không thể thay đổi vậy chúng ta buộc phải đổi thay để thích nghi với nó. Hãy giữ cho “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, có thế mới đứng vững trong xã hội này được. Thành ngữ có câu “Giậu đổ bìm leo”, tránh xa những loại người cơ hội này cũng là một trong những cách hạn chế phiền phức về mình.
“Giậu đổ bìm leo”
Câu thành ngữ “Giậu đổ bìm leo” bắt nguồn từ một câu chuyện kể. Hàng giậu được người chăm sóc kỹ lưỡng, vươn cao và tự hào về sức sống của nó. Bìm bìm thì thấp bé nên muốn bám vào giậu để hưởng chút ánh nắng của mặt trời. Thế nhưng, mỗi lần bìm bìm leo lên người, giậu rất bực dọc. Nó bèn nói lại với người “Bìm bìm nó sắp lấn át hàng giậu của chúng tôi. Nếu chúng tôi đổ thì chó gà vào phá hết rau.”
Người nghe thế nên đâm lo, phạt bìm bìm không được leo lên hàng giậu nữa. Nhiều lần như thế, bìm bìm tức lắm. Rồi thời vụ cũng qua đi, người ta thu hoạch hết rau trong vườn, không còn ngó ngàng gì đến hàng giậu. Hàng giậu đứng đấy chịu nắng khô, giờ lại bị nước mưa làm mục hết chân. Một đêm, mưa to gió lớn đùng đùng, hàng giậu bỗng xiêu vẹo. Nó nghiêng dần và ngã xuống gần cây bìm bìm.
Rồi mùa khô qua đi, nước lại đến, bìm bìm phởn phơ hẳn lên, nó thấy hàng giậu nghiêng xuống mới bám vào. Lúc đầu còn một vài dây, sau thì mấy dây khác cũng hùa nhau bám vào, làm cái giậu bị nặng quá nghiêng hẳn xuống. Cả họ nhà bìm bìm lúc đấy được đà mới nói với hàng giậu: “Xưa giậu hắt hủi họ bìm bìm nhà ta, lúc ta cần thì chẳng cho nương tựa, giờ giậu nhà ngươi đổ kêu người nào có thấy ai. Không là hàng giậu ngăn chó, ngăn gà thì cứ để họ nhà ta leo lên, dẫu sao cũng còn có ích”
Bài học từ câu chuyện kể
Qua câu chuyện, chúng ta có lẽ phần nào cũng đã hiểu về câu thành ngữ “Giậu đổ bìm leo”. Một câu nói ngắn gọn và đơn giản nhưng lại hàm ý sâu xa trong đó. Ý chỉ những kẻ cơ hội, lợi dụng thời cơ lúc người ta ngã xuống chẳng những không giúp mà còn hại thêm hoặc chiếm lợi cho mình.
Xem thêm bài viết tham khảo “Đục nước béo cò”
Theo người xưa, những người “Giậu đổ bìm leo” chúng ta đừng nên kết thân mà phải tránh xa để đề phòng hậu họa. Đây là người tiểu nhân, hẹp hòi, vì lợi ích của mình mà sẵn sàng hy sinh người khác. Đối với họ, không có tình cảm thật sự, chỉ có những giây phút cơ hội và vụ lợi lẫn nhau mà thôi. Khi người khác gặp hoạn nạn, họ chẳng những không giúp đỡ mà còn “góp một tay” dìm người ta khốn đốn thêm. Nên chọn lọc bạn bè, kẻo chơi với kẻ nguy hiểm rồi có ngày bị hại mà không hay biết.
Xem thêm bài viết tham khảo “Ở chọn nơi, chơi chọn bạn”
Câu thành ngữ “Giậu đổ bìm leo” vừa phê phán người lợi dụng hoàn cảnh để trục lợi vừa là lời nhắc nhở chúng ta nên cẩn thận khi kết thân với ai đó. Có nhiều người mưu sâu kế hiểm, rất tâm cơ nhưng bề ngoài thì vô hại. Muốn thân thiết với một người, chúng ta phải thông qua tìm hiểu kỹ càng rồi hãy quyết định tin tưởng họ.
Sống thế nào thì sẽ nhận lại như thế ấy
Lẽ thường ở đời, người sa cơ lỡ vận dù là do yếu tố chủ quan hay khách quan đều cần một bàn tay đưa ra để cứu giúp. Hoặc không thì an ủi và động viên họ trong lúc nguy khó. Nhưng đời là thế, người tốt thì hiếm mà kẻ “Giậu đổ bìm leo” lại nhiều vô kể.
Ở cái xã hội bây giờ, người ta rất sợ bị “bóc phốt”, nôm na nghĩa là bị bóc trần chuyện xấu của mình ra. Làm sao đây? Ai dám tự tin rằng mình chưa từng sai lầm? Cái sự chia sẻ không đồng nghĩa với tán đồng, “vẽ đường cho hươu chạy” đối với người gặp nạn do lỗi của mình, quan trọng là sự cảm thông, mở lối cho người ta làm lại cuộc đời, sống bình đẳng sau khi đã chịu hình phạt phù hợp với tội lỗi mà mình gây ra.
Kẻ cơ hội thì muôn đời vẫn là cơ hội, còn gặp đúng người mình ghét nữa thì như “cá gặp nước”. Lao vào tranh nhau trù dập, giành cái lợi rồi sau đó đẩy họ xuống dưới đáy vực. Từ những lĩnh vực chính trị, xã hội, giải trí,…đâu đâu cũng bắt gặp kẻ “Giậu đổ bìm leo”.
Hãy sống tốt để gặp người tốt
Cái thói “Giậu đổ bìm leo” rất xấu và xuất hiện trong tất cả các mặt của đời sống. Khi có người đứng trên nỗi tủi nhục của đồng nghiệp để mưu cầu việc riêng, hoặc giả là chỉ “nổ” cho sướng, thì xã hội cần lên án việc làm ác ý ấy của họ. Bởi, đơn giản là không thể đồng tình với người nỡ đạp thêm vào người đã ngã. Lên án, chứ nhất quyết không thể tạo “đất” cho người “ác” thể hiện.
Và những gì chúng ta làm hôm nay chắc chắn sẽ được báo ứng vào một ngày không xa. Thời bây giờ, luật nhân quả đến nhanh lắm, gọi là “Quả báo nhãn tiền”. Bạn chưa kịp hối hận thì đã bị trả đũa lại rồi.
Biết sẽ bị như vậy thì tại sao chúng ta không sống vì một tương lai tốt đẹp hơn. Đời mình có khi không trả hết, mình làm chuyện xấu để con cháu mình gánh chịu thì thật không phải đạo. Thay vì thế, hãy sống thiện ngay từ hôm nay để hưởng phước báo về sau. Không ai ép bạn giúp ai cả nếu bạn không có khả năng, chỉ cần đừng “Giậu đổ bìm leo”, đừng đâm thêm người ta vài nhát là đã đạo đức lắm rồi.
Đoạn kết
Bởi mới nói, chúng ta cần hết sức cẩn trọng trong tất cả các mối quan hệ. Người trước mặt cười nói, thân thiết với mình chưa chắc sau lưng họ đã như vậy. Vậy nên, khi chưa hiểu rõ ai đó, chúng ta chỉ dừng tất cả ở mối quan hệ xã giao rồi từ từ kết thân sau. Không phải bản thân mình quá cực đoan nhưng cuộc sống bây giờ phải đề phòng như thế. Sơ hở một chút là bị kẻ “Giậu đổ bìm leo” hãm hại ngay.