Thật thà là đức tính tốt mà mỗi người đều chúng ta đều phải hướng tới. Người giữ được bản tính thật thà rất khó, nhất là trong thời đại “thật giả lẫn lộn” như hiện nay. Tuy nhiên, người xưa lại có câu “Thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm”, phải chăng người thật thà bao giờ cũng chịu thiệt?
Nếu sống ngay thẳng thật thà mà chỉ kiếm được chút cháo ăn, còn kẻ gian manh lại luôn giành phần hơn thì mấy ai còn giữ nổi sự thật thà. Rốt cuộc, chúng ta phải sống thế nào để thích nghi được với xã hội đầy biến động này đây?
“Thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm”
Câu tục ngữ này thật sự khiến cho người hoang mang. Bởi lẽ, chúng ta không biết phải sống thế nào cho đúng khi truyền thống xưa nay coi trọng sự chân thật mà người thật thà thì hay chịu thiệt. Người thật thà thì tốt nhưng thật thà quá lại hóa ra hư, nghĩa là không biết ứng biến, tùy cơ tùy người mà thật thà làm cho hỏng việc vì không ai thật thà với kẻ thù của mình cả.
Nhưng cũng có câu “thật thà là cha quỷ quái” nghĩa là nếu thật thà thì sự quỷ quái cũng phải chịu bởi người thật thà có chữ tín, không thể dùng quỷ quái mà khiến người ta tin được nhưng nếu lợi dụng tính thật thà thì quỷ quái cũng phải thua. Người thật thà thì thường là hiền lành mà người hiền lành quá thì thành ra nhu nhược, nhân nhượng nhiều lần chỉ tạo cơ hội cho kẻ thù lấn tới mà thôi.
Theo như câu tục ngữ trên, người thật thà chỉ giỏi lắm được ăn cháo vì kẻ láo nháo đã giành phần cơm trước rồi. Thật ra nghĩ cũng đúng, người nào mà lanh lợi một chút, khôn ranh một chút thì luôn biết cách tìm lợi cho mình. Còn người thật thà quá thành ra khờ dại, việc gì cũng chăm chăm theo quy tắc nên bị bỏ lại phía sau là đúng. Mặc dù thời bây giờ có chút “loạn lạc” nhưng người thật thà vẫn nên giữ đúng bản tính của mình. Nếu nói thay đổi, bạn nên học cách khôn khéo thêm một chút. Có như vậy, cuộc sống của bạn mới dễ dàng hơn.
Sống thế nào cho đúng?
Những năm mới “chân ướt chân ráo” lên thành phố lớn đi học, tôi đúng kiểu một con nai vàng ngơ ngác nhìn cuộc sống với cặp mắt màu hồng. Qua thời gian, bản thân vẫn cứ hiền lành như vậy nên chuyện bị ức hiếp hay bắt nạt thường như cơm bữa. Nhiều lúc tủi thân tự hỏi, mình nên thay đổi hay tiếp tục sống đúng như những gì mà ba mẹ đã dạy dỗ. Nếu cứ nhu nhược, liệu mọi chuyện có dần tồi tệ hơn không?
Xem thêm: “Đi với phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”
Có một lần, sếp tôi gọi tôi vào rồi tâm tình như một người anh trong gia đình: “Hơn hai mươi năm lăn lộn xã hội, hổ báo cáo chồn gì cũng đã gặp qua nhưng lần đầu tiên gặp người thật thà như em.” Tôi chẳng biết đó là lời khen hay lời nhắc nhở vì người hiền lành vốn chẳng có tiếng nói gì. Tôi biết mình mờ nhạt trong một tập thể sôi nổi, mọi người vốn không hề để tâm đến sự tồn tại của mình nhưng tôi có thể làm gì khác. Bởi vì con người đã quen sống thật thà sao phút chốc có thể hóa ra giả dối được?
Quan niệm về cách sống đúng sai của mỗi người không giống nhau trừ những chuẩn mực đã trở thành quy luật từ trước đến giờ. Sau này, bạn sẽ nhận ra “Sống lương thiện khó hơn là thông minh vì thông minh là một dạng bẩm sinh, còn lương thiện là một dạng lựa chọn”. Nhiều người không lương thiện được như mình nên cho rằng mình giả tạo. Thì thôi, thời gian chính là lời giải đáp tốt nhất cho những nghi ngờ.
Sống khôn ngoan phù hợp với hoàn cảnh
Thật ra, chúng ta dù hiền lành nhưng cũng không thể để bản thân chịu thiệt. Thật thà, hiền lành nhưng vẫn phải bảo vệ được bản thân mình trước đã. Vì nếu không biết bảo vệ quyền lợi cho mình thì sao nói đến bảo vệ quyền lợi cho người thân của mình, cho tập thể?
Người hiền lành thì được nhiều người hiểu biết yêu mến. Cái gì cũng có hai mặt, như đồng tiền vậy. Do đó, biết lúc nào mặt sấp, lúc nào mặt ngửa để mà thắng mới quan trọng. Ở đâu thì sự cao thượng cũng là viên ngọc quý và sẽ được trân trọng. Khi bạn sống hiền lành, người ta lâu dần sẽ nhận ra và trân trọng bạn vì người như thế bây giờ rất đáng quý. Người ta chạy theo những thứ phù phiếm, đến trẻ con cũng trở nên ranh ma thì người thật thà có còn lại bao nhiêu?
Tuy vậy, bạn cũng nên có đủ bản lĩnh và năng lực để bảo vệ bản thân mình trước sóng gió. Thật thà khác với dại khờ, hiền lành khác với nhu nhược,…tùy theo hoàn cảnh mà chúng ta sẽ chọn cách giải quyết mềm mỏng hay cứng rắn. Thật thà là tốt nhưng đừng biến sự thật thà của bạn thành thứ để kẻ xấu lợi dụng.
Giữ lấy điều tốt đẹp làm cốt lõi
Chúng ta sẽ phải học cách khôn ngoan hơn để đối đãi với những người ranh mãnh. Trước hết là để bản thân không phải chịu thiệt, sau nữa là để có kẻ xấu không có cơ hội lợi dụng mình mà xấu xa thêm nữa. Nếu cuộc đời là hổ báo thì ít ra bạn cũng phải là con cáo, đừng làm nai tơ để bị nó nuốt chửng.
Xem thêm bài viết tham khảo: “Ăn theo thuở, ở theo thời”
Người khôn ngoan, khéo léo không những không xấu mà vừa hài lòng người khác mà lại mang lại lợi ích cho mình. Bạn không làm gì sai, bạn vẫn giữ được bản tính tốt đẹp chỉ là biết cách cư xử sao cho phù hợp với hoàn cảnh hơn mà thôi. Thật ra, cái cốt lõi vẫn là chúng ta sống tốt và sẽ nhận lại được những điều tốt đẹp. Người quá tính toán thành ra bị tính toán hại, sống đơn giản thì đời mới được thanh thản.
Tóm lại, bạn hãy sống sao để bản thân cảm thấy thoải mái nhất. Sống sao cho lương tâm không cảm thấy hổ thẹn, tốt nhất là ứng biến phù hợp với từng kiểu người. Đối với người quý mình, không lấn át; đối với kẻ muốn hại mình, không nhân nhượng. Nếu nắm được quy luật đó, tôi tin rằng bạn sẽ có một cuộc sống thuận lợi và nhiều mối quan hệ tốt đẹp.
Lời kết
Câu “Thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm” là một câu tục ngữ hay và mang đến cho chúng ta nhiều bài học ý nghĩa. Tùy vào cách bạn hiểu và áp dụng nó vào đời sống thì mọi việc sẽ diễn biến theo nhiều chiều hướng khác nhau. Chỉ mong rằng giữa dòng đời vạn biến, bạn vẫn giữ được một cái tâm bất biến.