Trong cuộc sống, những kẻ hay ba hoa chích chòe, không biết tự lượng sức mình thường không thiếu. Những người chỉ biết được một phần mà cứ ngỡ mình nắm hết cả mười phần trong tay thì thật là tai hại. Hơn nữa, nếu cộng thêm cái tính kiêu ngạo, thích hơn người khác thì lại càng khó hơn. Ông bà ta có câu “Trứng khôn hơn vịt”, nếu mình còn non yếu mà lại muốn thể hiện qua mặt bề trên thì hậu quả chắc chắn rất khó lường.
“Trứng khôn hơn vịt”
Câu tục ngữ này xuất hiện nhiều trong đời sống hàng ngày, chúng ta có thể nghe nó ở khắp mọi nơi miễn hai nhân vật đang nói đến là hai người có sự chênh lệch về độ tuổi. Trứng là đại diện cho những người non nớt, suy nghĩ còn chưa chính chắn, nông nổi, kiêu ngạo. Còn vịt ở đây là những người từng trải, đã có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống thường ngày.
Ý nghĩa cả câu này là phê phán những người tự cao tự đại, ngu dốt, thiếu kinh nghiệm luôn tỏ ra là mình thông minh, ” khôn” hơn những người có kinh nghiệm, từng trải trong cuộc sống. Như vậy có phải là hóa ra một trò cười hay không? Kiến thức trên đời mênh mông và vô tận như những đại dương rộng lớn và chúng ta chỉ là giọt nước ở trong đó. Những người “Gừng càng già càng cay”, họ có đời sống nhiều trải nghiệm, đi qua bao nhiêu thăng trầm ở trên đời nên hiểu được nhiều đạo lý là điều rất hiển nhiên.
Chúng ta là lớp trẻ, là những quả trứng non nớt mới bước vào đời. Cho dù, bạn có thật sự tự tin về tài năng của bản thân mình thì cũng nên tham khảo ý kiến của những người đi trước. Chúng ta có thể sàng lọc một cách kỹ càng rồi sau đó mới tiếp thu chứ không ai bắt bạn phải nhất nhất nghe theo những người đi trước. Khi hiểu được đạo lý đơn giản đó, cuộc sống của bạn chắc chắn sẽ bớt đi một mớ rắc rối cho mà xem.
Thái độ hơn trình độ
Đợt công ty mình có một bạn mới được tuyển vào, hồ sơ xin việc vô cùng đẹp, tốt nghiệp trường đại học danh tiếng và còn khá trẻ. Trong công ty, có người hy vọng, có người ngưỡng mộ cũng có người ganh tỵ nhưng hết thảy cũng chỉ là tự nghĩ trong lòng. Sau một thời gian, bạn trẻ đến công ty quả thật là có chút tài năng nhưng thái độ lại rất có vấn đề. Bạn ấy tự cao, không xem ai ra gì và không chịu nhận cái sai của mình.
Xem thêm bài viết tham khảo: “Thùng rỗng kêu to”
Là con người, ai mà chẳng có lúc sai sót hay mắc phải lỗi lầm. Mọi người sẵn sàng bao dung nếu bạn biết hối lỗi và sửa chữa nữa. Thế nhưng nếu bạn cứ ngoan cố như thế thì thật tai hại, tương lai người trẻ rồi sẽ đi về đâu nếu chúng ta cứ giữ cái tâm thế như thế?
Bạn trẻ tôi nhắc đến vẫn giữ cái thái độ kiêu ngạo không thèm nghe lời khuyên của những người đi trước và đến một ngày cũng nhận một cái kết không mấy tốt đẹp. Bạn ấy đã mắc phải một sai lầm lớn và không một ai còn đủ bao dung để giúp đỡ bạn ấy. Cái giá phải trả là rời khỏi công ty, rời khỏi môi trường thân thiện nhất mà tôi từng thấy. Với tài năng của mình, bạn trẻ sẽ không lo sợ thất nghiệp nhưng với thái độ đó thì công việc sẽ kéo dài được bao lâu?
Mong muốn thể hiện bản thân
Sự kiêu ngạo đôi khi có thể giết chết một người. Đúng vậy, tôi hoàn toàn không nói quá. Bởi lẽ, bạn sẽ mãi chết chìm trong sự tự mãn của bản thân mình mà không thể nhận ra mình nên thay đổi điểm nào chưa tốt. Cứ như thế, bạn dần mất đi những cơ hội, sự rèn giũa và trở nên càng ngày càng tệ hại.
Tôi quen biết những người rất giỏi, vô cùng giỏi nhưng họ vẫn không ngừng học hỏi vì kiến thức vốn bao la và vô tận. Chỉ có không ngừng nâng cao bản thân thì thành công mới nhanh đến với mình. Sự khiêm tốn là đức tính chúng ta cần rèn luyện, dù nó có khó rèn nhưng cũng phải rèn. Tại sao những người sếp lớn, đức cao vọng trọng vẫn được người ta kính nể? Không chỉ đơn giản là vì họ có tiền mà còn họ đã khiến cho người khác tôn trọng.
Còn nhìn cảnh những bạn trẻ bây giờ chỉ làm chúng ta cảm thấy chán ngán, họ sống vội vã và có niềm tin quá lớn vào bản thân mình. Tự tin là tốt nhưng tự tin biến hóa thành tự kiêu thì không tốt một chút nào. Họ vỗ ngực xưng tên trong khuôn mặt non choẹt với dăm ba cái thành công, cố thể hiện “Trứng khôn hơn vịt” cho người khác thấy. Chúng ta đừng nói quá nhiều về mình mà hãy làm thôi. Khi bạn tạo được thành quả nhất định thì tự mọi người sẽ biết đến bạn.
Học hỏi từ người đi trước
Câu tục ngữ “Trứng khôn hơn vịt” là một câu tục ngữ hay, quen thuộc và mang đến cho chúng ta nhiều bài học ý nghĩa. Mỗi người hãy tự kiểm điểm bản thân mình để biết bản thân nên và không nên học hỏi những điều gì. Những người đi trước luôn có nhiều hơn chúng ta ít nhất một thứ là sự trải nghiệm. Họ truyền thụ kinh nghiệm lại cho bạn, bạn có quyền chọn lọc và tiếp thu nó một cách đúng đắn. Nếu làm được như thế, bạn đã thật sự hiểu được giá trị của những điều tốt đẹp rồi. Biết học hỏi và tham khảo kinh nghiệm từ những người đi trước, bạn sẽ trang bị cho mình thêm được một số kiến thức hữu ích và phát triển hơn.
Xem thêm bài viết tham khảo “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”
Sự nỗ lực của bạn chắc chắn sẽ mang lại kết quả xứng đáng. Chúng ta còn trẻ và đoạn đường phía trước còn rất dài, bạn sẽ còn gặp phải những khó khăn và va vấp nhiều. Cho dù bản thân bạn thật sự tài giỏi cũng không đến mức giỏi hơn tất cả mọi người. Người biết khiếm tốn đúng lúc, biết tự tin đúng chỗ mới là người khiến chúng ta phải học hỏi theo.
Lời kết
Qua câu tục ngữ “Trứng khôn hơn vịt”, hy vọng mỗi chúng ta đều rút ra được bài học cho chính bản thân mình. Mỗi ngày học hỏi một ít thì sẽ có ngày bạn có thể thưc hiện được những điều mà bản thân mong muốn.