Ca dao không những là tiếng nói chứa đựng tâm tư, tình cảm của người lao động mà còn là những kho tàng kinh nghiệm sống quý giá của muôn đời. Mở từng trang ca dao, chúng ta thấy hiện lên cuộc sống của người xưa trong lớp sương mờ của quá khứ. Trong đó, lời ăn tiếng nói của con người đối với việc giao tiếp luôn được người xưa coi trọng và hiển nhiên đó là một trong những chuẩn mực đạo đức đúng đắn cần noi theo.
Ông bà ta xem trọng lời ăn tiếng nói, xem trọng thái độ cư xử giữa người với người và dựa vào đó để đánh giá xem một cá nhân như thế nào.
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”
Khéo nói sẽ có được lòng người
Câu ca dao này vô cùng rõ ràng về mặt ngữ âm lẫn ngữ nghĩa. Những chú chim khôn ngoan thì tiếng hót rảnh rang, thanh thoát và sống động. Còn người khôn ngoan thì luôn biết nói lời dịu dàng, khéo léo và dễ được lòng người nghe.
Giao tiếp chính là chìa khóa của cuộc sống vì ai cũng thích nghe những lời dịu dàng. Không ai chấp nhận người đối diện có những hành xử thô lỗ, lời nói chói tai hay khiếm nhã đối với mình cả. Ông bà ta cũng nói “Họa từ miệng mà ra”, vậy nên học ăn nói sao cho khéo cũng là một trong những bài học quan trọng.
Xem thêm bài viết tham khảo “Im lặng là vàng”
Ai cũng có thể “nói hươu nói vượn”, nói xằng bậy tùy bản năng nhưng biết kiềm chế cảm xúc và chọn “lời hay ý đẹp” để thốt ra mới thật sự là bản lĩnh. Không phải tự nhiên mà người xưa lại bảo “Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Chắc chắn rằng, từng câu từng chữ mà bạn nói ra phần nào thể hiện con người thật của bạn.
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”
Hàng ngày, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều người và đa số họ không ai giống ai. Đó có thể là người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay thậm chí là một người xa lạ nào đó chúng ta gặp trên đường. Nhưng chung quy, mỗi người đều cho bạn những cảm nhận khác biệt. Đó có thể là người mang đến cho bạn cảm giác họ rất đơn thuần, hoặc người có tâm tư, người nhiệt tình hoặc người có suy nghĩ tiêu cực,…
Tôi có thói quen đọc vị người đối diện qua quan sát và cảm nhận của mình. Thật ra khi lần đầu tiếp xúc với một người, chúng ta đã có thể phần nào phác họa con người của họ. Tuy nhiên, bạn muốn biết dự đoán của mình chính xác hay không thì còn phải kiểm chứng thêm theo thời gian nữa. Đó cũng là một kỹ năng cơ bản để bạn biết cách lấy lòng một ai đó hay đơn giản là hiểu để tránh xung đột với họ.
Ông bà ta dạy quả không sai, những người khôn ngoan thường rất khéo léo trong cư xử lẫn lời nói. Họ luôn biết cách dung hòa cuộc trò chuyện và nói ra những lời êm tai cho dù là lời phản đối bạn. Bằng một cách nào đó, họ khiến bạn không có cớ gì để nổi giận dù bị “phản đòn”. Được như thế mới hay, đó chẳng phải là giả tạo mà là sự khéo léo khiến bản thân luôn được lợi. Thẳng thắn đôi khi cũng tốt nhưng bạn nên phân biệt giữa lúc nào cần thẳng thắn và lúc nào không nhé.
Điều chỉnh được cảm xúc mới là bản lĩnh
Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì, tùy vào hoàn cảnh và tình huống mà chúng ta cư xử cho phù hợp nhất. Nhiều người cho rằng những người khéo miệng thường xấu bụng, họ chỉ hơn người ở cái cách biết giả vờ mà thôi. Thật ra không phải, khéo léo và khôn ngoan không hề xấu. Thậm chí, nó còn là bí quyết hỗ trợ rất nhiều để mang đến sự thành công cho chúng ta. Vì rõ ràng, tất cả chúng ta đều mong muốn được nghe lời lẽ lịch sự thay vì cáu gắt từ người khác.
Các bạn đã gặp trường hợp giống như tôi chưa? Rằng chỉ đôi ba lần tiếp xúc với một người, chúng ta đã phần nào đoán định người đó thông qua lời nói và cử chỉ. Cái cách họ nói chuyện, ngữ điệu và phát âm, sử dụng câu từ thế nào,…đều phản ánh con người họ. Họ là người chân thật, kiêu ngạo hay khôn ngoan trong giao tiếp? Tất tần tật đều có thể bị bạn nhìn ra.
Trong cuộc sống, chúng ta không thể nào tránh khỏi những trường hợp tức giận hay mất kiểm soát. Đó mới chính là lúc thể hiện bản lĩnh của mình. Nếu bạn còn giữ được bình tĩnh trong những trường hợp đó thì bạn rất giỏi, còn không thì cũng không sao cả. Chúng ta vẫn có thể sửa lỗi đó từ từ bằng cách rèn luyện mà.
Không bao giờ là muộn nếu bạn biết cố gắng
Thật ra, những người chân thật luôn chiếm được tình cảm của người đối diện. Vì họ tuy không biết nói lời hay nhưng đó đều là lời thật lòng. Có thể, họ không khéo léo trong diễn đạt nhưng tấm lòng thì không thể giấu được.
Xem thêm bài viết tham khảo “Kim vàng ai nỡ uốn câu/Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”
Thời đại bây giờ, những bạn trẻ thậm chí là còn rất trẻ đã huênh hoang không xem ai ra gì. Mở miệng là là xưng anh, xưng chị, dùng lời lẽ tục tĩu khi trò chuyện. Thời đại mới nên ngay cả lối cư xử hay giao tiếp hàng ngày cũng trở nên mới mẻ chăng?
Tôi và tất cả chúng ta đều hy vọng rằng, thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn và con em của chúng ta biết rõ giá trị của mọi thứ. Một lời nói ra thì dễ nhưng nó có thể gây ảnh hưởng đối với rất nhiều người và rất nhiều việc. Nhìn lớp trẻ tỏ ra “hổ báo” và ngông cuồng, chúng ta hãy rút ra bài học cho mình về cách giáo dục con trẻ. Hãy dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng con và cho trẻ hiểu giá trị của những lời hay ý đẹp trước khi quá trễ.
Lời kết
Cái gì cũng cần phải có thời gian để học. Có người sinh ra đã tiếp thu giỏi, có người cần phải chăm chỉ và cố gắng hơn qua thời gian. Nhưng nói chung, người có lòng luôn được đền đáp xứng đáng. Cho dù bạn không khéo léo để nói ra những lời dễ nghe thì cũng hãy học cách thể hiện nó thật chân thành. Chỉ cần là lời từ đáy lòng của bạn, người khác chắc chắn sẽ cảm nhận được dù bằng cách này hay cách khác mà thôi.