Có những chuyện, chúng ta chỉ nhìn thấy kết quả trước mắt mà không hiểu rõ được quá trình. Chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng khi làm mới thấy thật không dễ dàng. Khi chúng ta một người nào đó đạt được một thành quả, đó chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Những gì mà họ đã trải qua, người trong cuộc mới hiểu rõ nhất. Giống như ông bà ta có câu “Của một đồng, công một nén”, giá trị vật chất tuy nhỏ bé nhưng giá trị tinh thần thì không nhỏ một chút nào.
“Của một đồng, công một nén”
Đồng và nén là những đơn vị đo lường cổ về khối lượng của Việt Nam, theo đó thì một nén bằng 10 lạng, 1 lạng bằng 10 đồng, vậy nên 1 nén = 100 đồng. Từ đó ta thấy được ý nghĩa của câu tục ngữ trên là nếu như giá trị về vật chất kinh tế là một, thì giá trị về tinh thần, công sức là một trăm, gấp cả trăm lần.
“Của một đồng, công một nén” là câu tục ngữ ý nói giá trị về vật chất kinh tế thì nhỏ, nhưng giá trị về công sức, về tinh thần thì lớn lao, cần phải biết trân trọng. So với những gì đạt được, cái mà mình bỏ ra đôi khi còn nhiều hơn rất nhiều lần. Vậy nên cho dù là một việc nhỏ, chúng ta cũng nên biết ơn, trân trọng và gìn giữ những điều tốt đẹp đó.
Xem thêm bài viết tham khảo “Bạn nghèo thuở trước chớ quên/Vợ cùng kham khổ chớ nên phụ tình”
Khi chúng ta dồn hết tâm sức làm một chuyện gì đó, chúng ta mới hiểu mình đã nỗ lực ra sao, gặp những khó khăn gì,…Nhờ vậy, chúng ta càng biết trân trọng hơn kết quả hiện tại. Còn đối với những người bên ngoài, họ chỉ nhìn vào giá trị vật chât, ít ai hiểu được công sức mà bạn đã bỏ ra. Vậy nên, trên đời mới có chuyện xem thường, dè bỉu lẫn nhau. Nhưng không sao cả, những chuyện tốt đẹp như vậy bạn tự mình hiểu cũng đủ rồi.
Chỉ có người trong cuộc mới hiểu
Thời đi học, nam nữ sinh yêu sớm là chuyện bình thường. Khi có cảm giác rung động trước đối phương, họ thường làm ra những hành động ngốc nghếch khó có thể che giấu. Nhất là nữ sinh khi thích một người càng trở nên ngại ngùng hơn. Tôi vẫn nhớ những năm tháng đó, phong trào gấp ngôi sao, gấp hạc giấy rộ lên ở khắp các trường học. Nữ sinh khi thích một ai đó, họ sẽ tự tay gấp ngàn ngôi sao hoặc ngàn hạc giấy để bày tỏ tấm lòng.
Trong lớp tôi cũng có chuyện tương tự, mà việc để gấp được một ngàn con hạc thật không dễ dàng gì. Nhóm bạn tôi chơi chung cũng có một cô nàng muốn làm việc đó, đối tượng được thích là công tử siêu quậy. Số tiền bỏ ra mua giấy tuy không nhiều nhưng cũng không ít. Mà công sức bỏ ra thật sự đáng nói, gấp đến quên ăn quên ngủ cho kịp ngày sinh nhật cậu bạn kia. Đến tay cũng phồng rộp cả lên nhưng cô nàng nhất quyết không để ai giúp, tự tay gấp một mình. Rồi ngày đó cũng đến, tất cả chúng tôi đều mong chờ cái kết viên mãn cho cô ấy.
Thế nhưng, cuộc đời nào có giống như mơ. Cậu bạn lớp bên chẳng những không nhận mà còn coi thường món quà không giá trị. Cuối cùng, cậu ta chọn ra một nữ sinh giàu có hơn với món quà là chiếc đồng hồ đắt tiền. Lúc đó, cả nhóm chúng tôi đều bức xúc khi nhìn cô bạn suy sụp nhưng lại chẳng dám làm gì. Thời gian trôi đi, chúng tôi chỉ mỉm cười khi nhớ lại thời trẻ con. Nỗi đau nào rồi cũng qua mà, tự vỗ về bản thân mình thôi.
Khi tự cố gắng mới biết trân trọng
Trên đời này, có rất nhiều chuyện không thể nhìn bề ngoài. Nhiều người sinh ra đã ưu tú sẵn có nhưng một số người định sẵn phải cần cố gắng nhiều hơn nữa. Có những việc ai cũng làm dễ dàng nhưng đến lượt họ lại trở nên khó khăn. Vậy nên, chúng ta không bao giờ có thể nhìn bề ngoài mà đánh giá sự việc.
Quan niệm của bạn về chuyện công-của như thế nào? Theo bạn thì, thứ nào là đáng giá hơn? Một thời gian rất lâu trong cuộc đời, tôi nghĩ rằng thà bỏ chút công để giữ lại chút của. Nhiều lúc chẳng bao giờ tiếc công mình nhưng lại rất ngại bỏ của để trả công người khác làm giúp. Bạn có như thế hay không?
Thật ra, chúng ta luôn có xu hướng cảm tình hơn với những người hay giúp đỡ mình. Nhưng giúp đỡ bằng cách nào mới khiến bạn cảm thấy ấn tượng hơn? Có người hay tặng quà cho bạn, dắt bạn đi ăn thậm chí cho bạn tiền,…đó là bỏ của. Còn một số người lặng lẽ đạp xe chở bạn đi học, trời lạnh sẽ nhắc bạn mặc thêm áo, trời mưa mang ô đến cho bạn,…Chúng ta thật sự sẽ bị rung cảm về người nào hơn đây?
Đâu là điều quan trọng?
Và chúng ta phải mất một quãng thời gian khá lâu để nhận ra điều đáng quý trong đời. Công không phải làm điều gì quá to tát. Nó đơn giản lắm, chỉ một hành động, một cử chỉ tưởng như hiển nhiên trong cuộc sống mà chúng ta vô tình bỏ quên mất mà chỉ nhớ đến những vật chất mắt nhìn thấy được. Tâm huyết, trí tuệ và công sức của một người đáng trân trọng biết bao.
Xem thêm bài viết tham khảo “Cũ người thì lại mới ta/Người chê rách rưới ta là gấm nhung”
Khi những nhà khoa học phát minh ra những vật dụng tiện ích cho cuộc sống, chúng ta chỉ nhìn thấy được kết quả. À, đó là cái đèn, cái quạt,..trông nó hữu ích và dễ sử dụng đó. Cuối cùng, nó chẳng qua cũng chỉ là một món đồ bình thường trong mắt người khác. Nhưng với những người sáng chế, nó là đứa con tinh thần giúp họ mạnh mẽ và tự tin hơn. Mấy ai từng nghĩ sau những tác phẩm thành công đó là bao nhiêu lần thất bại ê chề?
Lời kết
Tóm lại, câu tục ngữ “Của một đồng, công một nén” là lời nhắc nhở của ông cha ta đối với thế hệ đời sau. Rằng chúng ta hãy học cách biết ơn và trân trọng những gì người khác làm ra. Một vật tuy nhỏ bé nhưng quá trình làm nó không bao giờ là dễ dàng. Vật chất thì có thể dễ dàng mua được nhưng tấm lòng là thứ đáng quý và vô giá ở trên đời.