Đất nước ta là một đất nước giàu giá trị truyền thống. Bao đời nay, ông cha ta luôn khuyên bảo, răn dạy con cháu nhiều bài học có giá trị. Giấy rách phải giữ lấy lề là câu tục ngữ về đạo đức, phẩm giá. Dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào ta cũng phải giữ gìn nhân cách trong sạch.
Tham khảo thêm bài viết: Con hơn cha là nhà có phúc
Giấy rách phải giữ lấy lề
Giấy được hiểu là vật liệu được làm thành tờ, dùng để viết, vẽ, in ấn hoặc để lau chùi. Từ “giấy” trong câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề chủ yếu nhắc đến loại giấy học sinh. Trên tờ giấy ấy luôn có một đường kẻ. Đường kẻ này phân định tờ giấy làm 2 phần theo chiều dọc. Người ta gọi khoảng giấy trắng chừa ra ở bên trái tờ giấy là “lề”.
So với tờ giấy thì diện tích phần lề khá nhỏ. Thế nhưng nó lại trở thành một khoảng trắng nghệ thuật. Có nó dường như trang giấy thêm đẹp, thêm trang nhã. Thực ra mục đích của lề giấy trên tập học sinh chủ yếu là để giáo viên ghi lại những nhận xét hoặc cho điểm. Dần dà nó trở thành thói quen, không ai viết hay vẽ tràn trang giấy mà phải để lại một khoảng trống nhất định.
Theo thời gian, phần lề trở thành cái gốc rễ. Nó trở thành cái căn cốt cần phải gìn giữ. Một cuốn vở đẹp nghĩa là phần lề được gìn giữ cẩn thận, sạch sẽ. Nhìn vào “lề” người ta nhanh chóng nhận biết được thói quen học tập của từng người.
Vì thế, cho dù tờ giấy bị rách thì phần lề vẫn luôn được giữ gìn cẩn thận. Dù có tả tơi như thế nào, giấy có lề vẫn được coi là tờ giấy nguyên vẹn. Còn tờ giấy thiếu lề là thiếu đi cái gốc rễ vốn có. Giá trị của tờ giấy cũng theo đó mà giảm đi. Thậm chí nó trở thành thứ bỏ đi.
Phẩm giá, đạo đức là điều cần giữ gìn
Giấy rách phải giữ lấy lề đã lấy hình ảnh “giấy” để ẩn dụ cho số phận, cuộc đời con người. Còn “lề” chính là phẩm giá, đạo đức. Giấy rách cũng phải giữ lấy lề, số phận có nghèo khó thì cũng phải gìn giữ đạo đức. Dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì cũng phải có lòng tự trọng, không được đánh mất bản thân.
Con người khi đứng trước mọi khó khăn, họa nạn, phải biết nêu cao lòng tự tôn tự trọng. Bên cạnh đó, còn phải biết giữ lấy gia phong, truyền thống tốt đẹp của ông bà, tổ tiên, của gia đình mình. Đó là cái lề mà cả đời này phải ghi nhớ và tuyệt đối không được xâm phạm đến.
Hoàn cảnh luôn là lý do để biện hộ cho những hành động phi đạo đức. Bần cùng sinh đạo tặc, trắc trở trong cuộc sống, sự nghèo túng dễ khiến con người ta đánh mất bản thân. Sống ở trên đời, người ta quý trọng nhau là ở nhân cách, phẩm giá. Có tiền hơn người nhưng lại thiếu đạo đức, không có nhân cách thì cũng chẳng hề được coi trọng?
Trong những lúc khó khăn, thiếu thốn hoặc lúc gian nan khốn đốn thì nhân cách của con người thường được thể hiện rõ nhất. Thế nên cuộc đời càng tối tăm thì nhân cách càng phải được gìn giữ trong sáng.
Lề càng chắc thì giấy càng đẹp
Trong kho tàng dân gian còn có những câu như “đất lề, quê thói”, “đất có lề, quê có thói”, “lề luật”, “lề lối”. Chữ lề được mở rộng ra nhiều ý nghĩa. Nó không chỉ là đạo đức của cá nhân. Ở đây, lề còn là phong tục, tập quán, lề trong sinh hoạt cộng đồng.
Trong đời sống vật chất và tinh thần của một quốc gia. Lề được thanh lọc trong dòng chảy thời gian, kết tinh thành truyền thống tốt đẹp, thành thuần phong mĩ tục. Ông cha càng giữ gìn tốt, thì con cháu càng phải phát huy.
Ví như dân tộc ta có truyền thống yêu nước được gìn giữ bao đời nay. Ta nhớ tới danh tiếng Trần Bình Trọng, khi đứng giữa sự sống và cái chết, ông đã khảng khái nói: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm vương đất Bắc”. Ông sẵn sàng chọn cái chết chứ không để cho quân giặc giày xéo dân ta. Thà chọn cái chết chứ không trở thành kẻ bán nước cầu vinh.
Truyền thống ấy đã được gìn giữ và phát huy qua biết bao cuộc chiến tranh. Để gìn giữ đất nước, biết bao thế hệ đã không quản ngại khó khăn, sẵn sàng hi sinh thân mình. Dù bị địch bắt và tra tấn dã man, nhưng biết bao người tù cách mạng vẫn chọn cái chết chứ không mở miệng bán đứng đồng đội. Chính nhờ tinh thần ấy, cho đến nay truyền thống yêu nước vẫn luôn được gìn giữ và vun đắp.
Trước mọi biến cố, “Giấy rách phải giữ lấy lề” có tác dụng to lớn nâng đỡ tinh thần mọi người, động viên nhau. Chúng ta cần biết giữ lấy phẩm hạnh. Thêm đó cần nêu cao truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương với tất cả niềm tự hào.
Xem thêm bài viết: Một miệng thì kín, chín miệng thì hở
Giấy đang lành nhưng “banh” cái lề
Bên cạnh những người đang ra sức giữ gìn nhân cách phẩm chất, vẫn có những con sâu làm rầu nồi canh. Họ là những người suy thoái về đạo đức, sống cá nhân, ích kỉ. Họ chỉ quan tâm đến hình thức bên ngoài, chạy theo vật chất xa hoa.
Khi gặp sự cố hay những hoàn cảnh khó khăn, họ sẵn sàng đổ lỗi cho hoàn cảnh. Những cá nhân yếu đuối ấy không dám đối diện, không dám nhận hậu quả của sự suy thoái về đạo đức.
Thật là điều ngạc nhiên khi có những “giấy” bị “rách” mà vẫn cố giữ được “cái lề”. Ấy vậy mà còn nhiều tờ giấy vẫn nguyên hình dáng hình mà đã đánh mất cái lề. Để đáp ứng cho những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, nhiều người mạo hiểm trộm cắp, cướp giật. Vì lợi ích trước mắt, nhiều công ty sẵn sàng xả thải ra môi trường.
Đã qua rồi những năm tháng chiến tranh, đói nghèo. Cuộc sống mới càng đầy đủ thì dường như việc giữ gìn phẩm giá cũng trở thành thử thách. Câu tục ngữ là một lời giáo huấn quí báu cho những ai coi thường nhân cách, bán rẻ danh dự, lương tâm. Đừng vì một lí do nào mà quên đi lời dạy sâu sắc trên.
Lời kết
Giấy rách phải giữ lấy lề tưởng chừng như chỉ là câu nói để dặn dò học sinh trong quá trình học tập. Thế nhưng ý nghĩa và những lời răn dạy ẩn chứa trong đó lại có giá trị trường tồn. Bất kì nơi nào, ở đâu, ta làm gì cũng cần giữ cho mình tâm hồn thanh bạch. Sống trong sạch là cách sống văn minh. Cho dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu, ta vẫn luôn là bông hoa sen ngát hương không hôi tanh mùi bùn.
Xem thêm bài viết: Một kho vàng không bằng một nang chữ