Muối ba năm muối đang còn mặn

Hoàng Thị Thùy Linh Ca dao tục ngữ thành ngữ 7660 Views

5/5 - (1 bình chọn)

Muối và gừng là những gia vị quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày của người dân Việt. Đây đều là những hình ảnh tưởng chừng như rất đơn sơ. Thế nhưng nó lại được ông cha ta dùng để tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng. Bài ca dao Muối ba năm muối đang còn mặn thể hiện rõ nét nghĩa tình thủy chung, đậm đà, sâu nặng ấy.

Muối ba năm muối đang còn mặn,

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay.

Đôi ta nghĩa nặng tình đầy,

Có xa nhau đi nữa, cũng phải ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.

Tham khảo thêm bài viết: Ca dao “Đã rằng tình nghĩa vợ chồng/Dù cho nghiêng núi, cạn sông chẳng rời”

Muối ba năm muối đang còn mặn

Hình ảnh Muối trong Muối ba năm muối đang còn mặn chính là hạt muối quen thuộc trong mỗi gian bếp.

Nó là sự kết tinh của nước biển ngưng đọng lại. Muối có màu trắng, hạt nhỏ, có vị mặn, thường dùng trong bữa ăn của mọi nhà, mọi người.

Trong bài ca dao này, Muối ba năm muối đang còn mặn tác giả dân gian đang muốn nhấn mạnh cái dư vị mặn mòi của muối. Chính cái vị đặc biệt ấy đã giúp nó trở thành gia vị không thể thiếu trong mỗi món ăn.

Cũng chính vì vậy, người xưa quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn cho gia đình. Ngoài ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, nó mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái. Tục “đầu năm mua muối” được lưu truyền từ đời này sang đời khác càng cho thấy hạt muối có vị trí quan trọng trong văn hóa Việt.

Thêm đó, cái vị mặn ấy không hề bị thay đổi theo thời gian. Chính vì thế nên có là ba năm hay ba mươi năm, hạt muối vẫn vẹn nguyên hương vị của mình. Từ đó, tác giả dân gian liên tưởng đến tình cảm vợ chồng. Thứ tình cảm thiêng liêng ấy cũng giống như hạt muối, càng lâu thì càng đậm đà, mặn mà hơn.

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

Giống như muối, gừng ở đây cũng là một gia vị quen thuộc. Nhưng nếu muối đem đến cái mặn mà, thì gừng lại đem đến vị cay nồng nàn, khó quên.

Gừng là loại cây thường được trồng ở trong vườn, ngoài đồng. Vị cay nồng và thơm của gừng làm nóng ran từ miệng vào tới gan ruột. Nó khiến cho ta có cảm giác tăng thêm nhiệt huyết, sức lực.

Tương tự như muối, theo thời gian, vị cay của gừng không những không mất đi mà còn nồng nàn hơn trước. Ở đây, nó cũng được ngầm so sánh với mức độ thắm thiết của tình cảm vợ chồng.

Những số từ như “ba năm”, “chín tháng” chắc chắn không phải là những con số cụ thể. Mà nó đang hàm ý chỉ thời gian lâu dài. Thời gian chính là thử thách nghiệt ngã nhất, là thước đo chính xác nhất cho phẩm chất và giá trị của của con người.

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay cũng giống như nghĩa tình vợ chồng. Trải qua biết bao gian nan, khó khăn, tình nghĩa vợ chồng càng thêm sâu nặng. Thời gian dù có là bao lâu đi chăng nữa thì tình cảm vợ chồng vẫn luôn nồng nàn, thắm thiết.

Muối ba năm muối đang còn mặn

Muối ba năm muối đang còn mặn

Đôi ta nghĩa nặng tình đầy/ Có xa nhau đi nữa, cũng phải ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.

Đôi ta nghĩa nặng tình đầy như một cách khẳng định chắc chắn về tình cảm. Vì thế Có xa nhau đi nữa, cũng phải ba vạn sáu ngàn ngày mới xa trở thành lời thề suốt kiếp.

Khi bước chân vào ngưỡng cửa hôn nhân, có lẽ ai cũng từng lo lắng. Lo lắng rằng không biết mối quan hệ này sẽ đi đến đâu. Liệu có mãi bền chặt, mãi mặn mà, nồng nàn như gừng và muối hay không?

Nhân vật trữ tình trong bài ca dao đã tự đặt ra giả thiết “Có xa nhau đi nữa” và cũng tự trả lời “ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”. Trong câu thơ ấy, phải chăng cũng chứa đựng ít nhiều sự băn khoăn?

Ba vạn sáu ngàn ngày tương đương với một trăm năm. Họ lại chọn cách nói dài dòng này như để dằn từng tiếng một. Đó là một lời thề, một quyết tâm sắt đá gìn giữ hôn nhân cho đến ngày đầu bạc răng long.

Thời gian là thử thách, chỉ có cái chết mới chia lìa được tình yêu. Sức mạnh của tình yêu không trở lực nào ngăn cản được. Tình cảm vợ chồng như keo sơn lại càng không có thế lực nào phá vỡ được.

Hai câu thơ cuối như lời khẳng định tấm lòng thuỷ chung bền vững, lâu dài. Nghĩa tình gắn bó ấy sẽ mãi như hình ảnh gừng và muối kia. Càng lâu thì càng mặn mà, nồng nàn, thắm thiết.

Tham khảo thêm bài viết: Ca dao “Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”

Hôn nhân chứa đựng nhiều thử thách

Khi yêu, ta luôn dành cho đối phương những điều tốt đẹp nhất. Đồng thời, ta cũng chỉ phơi ra những thứ đẹp đẽ nhất của bản thân. Thế nên, khi về chung một nhà, những cặp vợ chồng trẻ dễ rơi vào trạng thái vỡ mộng.

Trước kia, chàng trai ấy rất sạch sẽ, thơm tho. Thì bây giờ trước mặt bạn lại xuất hiện những đống quần áo sạch, bẩn vứt lẫn lộn. Bên cạnh mớ lộn xộn ấy là ông chồng đang bốc mùi chua chua và nằm dài lười biếng.

Trước kia, cô gái ấy là cô gái nhỏ nhẹ, ý tứ. Đến việc ăn cái bánh bao cũng hết sức rụt rè, nhã nhặn. Thế mà bây giờ lại trở thành bà cô khó tính. Bất cứ chuyện gì cũng có thể lớn tiếng xúc xỉa. Ăn uống thì bừa bãi. Mỗi lần nấu ăn, cái bếp như trở thành chiến trường.

Rồi cơm áo, gạo tiền và tỉ tỉ thứ nhỏ nhặt khác trở thành những thử thách của hôn nhân. Nó khiến bạn không còn nhận ra người mình từng yêu thương nữa. Những mâu thuẫn tuy nhỏ, nhưng bắt đầu nhen nhóm những suy nghĩ lạc điệu.

Nhìn vào vợ hoặc chồng mình, bạn không còn thấy trái tim đập lên những nhịp yêu thương. Thay vào đó là trách nhiệm. Mà nghĩ đến trách nhiệm, con người ta dễ thấy mệt mỏi và muốn né tránh.

Những thử thách ấy tuy nhỏ nhưng nếu không thể vượt qua thì hôn nhân dễ tan vỡ. Hoặc nếu không thì cũng trở nên buồn chán. Cả vợ và chồng sẽ phải trải qua những tháng này hết sức đau khổ.

Hôn nhân có phải là mồ chôn của tình yêu?

Hôn nhân được coi là sự thăng hoa của tình yêu. Nhưng cũng từng được nhìn nhận là nấm mồ xanh cho tình yêu.

Nếu coi tình yêu là một chuyến đi bộ thì trên quãng đường đó người ta sẽ phải gặp gỡ rất nhiều người, trải nghiệm nhiều điều. Ở đó, ai cũng có lúc cần nghỉ ngơi và tình yêu cũng vậy. Có lúc nó sẽ lung lay hoặc cũng sẽ có lúc nó vụn vỡ. Nó trở thành những thứ thách đầu tiên cho những cặp đôi.

Đến với hôn nhân, bạn phải đối mặt với những thử thách lớn hơn. Nhưng một khi có thể bước qua những thử thách ấy, tình yêu sẽ bước vào giai đoạn lãng mạn và viên mãn.

Muối ba năm muối đang còn mặn

Muối ba năm muối đang còn mặn

Tình yêu được hoàn thiện hơn do sự thấu hiểu nhau. Trên đời không có ai hoàn hảo. Chỉ có tình yêu và sự thông cảm mới có thể khiến cho bạn đời của mình hoàn hảo mà thôi.

Hôn nhân không hề giết chết tình yêu. Hôn nhân rất đẹp. Nó giống như hành trình của một cái cây. Muốn cái cây ấy xanh tốt, cả hai sẽ phải nỗ lực gieo trồng, vun đắp và chờ đợi cho đến khi cái cây ra trái. Hạnh phúc trong hôn nhân đơn giản là có một mái ấm của riêng mình để trở về. Có một người để trò chuyện, có một người để đợi, để trông mỗi khi tan làm.

Hôn nhân sẽ là mồ chôn hạnh phúc chỉ khi hôn nhân không tồn tại tình yêu. Chỉ cần nó được xuất phát từ những tình cảm chân thành. Thì dù phong ba, bão táp thế nào, thử thách có lớn đến đâu cũng đều có thể vượt qua được.

Hôn nhân sẽ mãi đẹp, mãi nồng nàn nếu cả vợ và chồng đồng lòng xây dựng và vun đắp.

Lời kết

Bài ca dao Muối ba năm muối đang còn mặn với những hình ảnh giản dị, mộc mạc và gần gũi đã để lại ấn tượng sâu sắc cho chúng ta về tình cảm vợ chồng. Đọc nó ta có thêm nhiều ý niệm sâu sắc hơn về hôn nhân. Hôn nhân phải bắt nguồn từ tình cảm chân thành. Muốn gìn giữ hôn nhân, ta phải cùng nhau vượt qua những thử thách, khó khăn. Có như thế thì tình cảm vợ chồng mới luôn gắn bó như keo sơn, luôn nồng nàn thắm thiết như gừng cay, muối mặn.

Xem thêm bài viết: Ca dao “Thương chồng phải lụy cùng chồng/Đắng cay phải chịu, mặn nồng phải cam”

HostvnDownload Unikey Xem thêm: Download tải WinRAR 5.31 mới nhất 2016 Full Crack Windows XP/7/8/10, Download tải WinZIP 20 phần mềm tốt nhất cho nén file 2016, Dạy Học mat xa, dạy massage body, Mi Katun