“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”
Dân tộc Việt Nam ta từ trước đến nay đã có truyền thống yêu nước, thương người, chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau. Đây là một truyền thống tốt đẹp, nên được gìn giữ và phát huy cho thế hệ về sau. Câu ca dao trên đã phần nào thể hiện truyền thống đó, đây cũng là truyền thống đáng để người dân Việt Nam chúng ta ngẩn mặt tự hào.
Người giàu giúp người nghèo, người nghèo giúp người nghèo hơn,…mỗi người có ý thức “tương thân tương ái” để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương”
Trước hết, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đôi nét về nghĩa đen của câu ca dao này. Có thể đa số mọi người ở đây đều biết, giá gương là một vật dụng đặt trên bàn thờ gia tiên, một biểu tượng thiêng liêng của người đã khuất. Trên giá gương có thể là một tấm ảnh, một tờ giấy đã phai màu ghi một vài nét về tiểu sử và công đức của người đang được thờ cúng. Giá gương thường được sơn son thếp vàng rất đẹp, một vẻ đẹp cổ kính trang nghiêm.
Còn “Nhiễu điều” là một loại hàng dệt cao cấp (vải the, vải lụa,….) màu đỏ thắm (điều). Đem nhiễu điều phủ lấy giá gương, làm cho giá gương đã đẹp lại càng thêm đẹp, thêm trang trọng. Chữ “phủ” trong câu ca dao trên cũng mang nghĩa bao bọc, chở che, thể hiện thái độ tôn kính và biết ơn… của con cháu đối với ông bà, tổ tiên.
Như vậy, ông bà ta đã mượn hình ảnh “Nhiễu điều phủ lấy giá gương” để truyền dạy một bài học ý nghĩa và sâu sắc. Tất cả chúng ta đều gọi tên một tiếng đồng bào, nên đùm bọc và chở che nhau những lúc khó khăn hay gian khổ. Một tập thể vững mạnh phải được tạo nên từ những cá nhân vững mạnh.
Tinh thần tốt cần phát huy
Xã hội của chúng ta hôm nay vẫn còn tồn tại rất nhiều những hoàn cảnh, những mảnh đời khó khăn, bất hạnh, không nơi nương tựa cần sự giúp đỡ từ chính những người dân cùng chung dòng máu với mình. Và nhìn chung, dù là thời trước hay thời nay, nhân dân ta vẫn đã và đang phát huy tốt tinh thần “lá lành đùm lá rách” với đồng bào.
Xem thêm bài viết tham khảo: “Lá lành đùm lá rách”
Ngày nay, ta thấy cả nước thường có những quỹ hỗ trợ người nghèo, hàng ngày có biết bao tấm lòng vàng góp một phần nhỏ bé vật chất của mình để ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ phần nào đỡ đi cảnh vất vả. Những phần đó tuy nhỏ bé, tuy không đáng bao nhiêu nhưng lại làm ấm lòng người nhận, giúp họ có niềm tin vươn lên trong cuộc sống. Chúng ta đâu cần giàu có mới trao đi những điều lớn lao, chỉ cần tấm lòng giúp đỡ chân thành thì tự động sẽ lan tỏa đến người nhận.
Giờ đây, chúng ta có thể thấy tinh thần “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng” xuất hiện ở khắp mọi nơi. Từ trường học, văn phòng làm việc, cơ quan nhà nước đến nơi công cộng, đường phố,…hàng loạt các nghĩa cử cao đẹp được mọi người ủng hộ và quan tâm. Mỗi người chúng ta đều không có quá nhiều thứ nhưng nhiều người kết hợp lại thì sẽ tạo thành một giá trị ý nghĩa.
“Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Từ nhỏ, tôi đã thấm nhuần đạo lý “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng” do ông bà và cha mẹ truyền dạy. Rằng chúng ta đừng chỉ ích kỷ nghĩ cho bản thân mình trong khi người khác đang khó khăn. Cùng là người một nước, chúng ta cũng có một phần trách nhiệm giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Kẻ mạnh giúp kẻ yếu, người giàu giúp người nghèo, lành đùm bọc rách,…nếu ai cũng hiểu được đạo lý đó thì thế giới sẽ bớt đi những mảnh đời khổ đau.
Ông bà ta cũng dạy “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những đóng góp nhỏ bé đó thể hiện tinh thần đoàn kết tương thân thương ái. Chúng ta may mắn hơn người khác bởi được hưởng thụ cuộc sống ấm nó, ngoài việc trân trọng thì bạn còn phải chia sẻ điều đó. Không cần làm gì lớn lao hay to tát, bạn giúp cụ già một tờ vé số, giúp em nhỏ một viên kẹo hay mang những vật dụng không dùng nữa quyên góp,…cũng được xem là hành động “tương trợ”.
Tôi tin rằng, những việc làm đó không có gì là quá khó khăn và nó hoàn toàn nằm trong khả năng của bạn. Thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu chúng ta biết đặt mình vào hoàn cảnh của nhau. Bạn làm được và tất cả chúng ta đều sẽ làm được.
Một mặt xấu của xã hội
Tuy nhiên, bên cạnh đó ta còn thấy có những con người lãnh đạm thờ ơ trước nỗi đau của người khác, họ vô tâm thờ ơ trước nỗi khổ của người khác, trốn tránh nhiệm vụ quyên góp ủng hộ những nơi gặp tai ương, khó khăn. Đó là căn bệnh ích kỷ cá nhân đó là những con người cần bị lên án.
Xem thêm bài viết tham khảo: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”
Thật ra, nhiều người viện lý do mình còn khó khăn nên lo bản thân mình trước, không thể lo cho ai. Chúng ta công nhận điều này nhưng nói như thế cũng không được. Đôi khi, cái bạn cho đi không cần là những giá trị vật chất to lớn, một chút tấm lòng nhỏ cũng đã làm người nhận cảm thấy ấm áp hơn rồi.
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”, hãy nhớ chúng ta là đồng bào nên việc giúp đỡ lẫn nhau là hết sức hợp lý. Cùng là người một nước với nhau, bạn thấy người khác quá đỗi khổ sở thì liệu bản thân có vui vẻ nỗi. Hãy nghĩ về những cơn lũ biến miền trung trở nên điêu tàn, nghĩ về những đứa trẻ miền núi không có bộ quần áo lành lặn để mặc,..
Lời kết
Tôi hiểu rằng, chúng ta còn lo chưa xong cho bản thân mình, cho gia đình và cho những dự định ấp ủ khác. Không ai bắt các bạn làm chuyện lớn lao, bạn chỉ cần bỏ ra chút tấm lòng đôi khi đã là đáng quý. Và khi nghĩ về những mảnh đời bất hạnh, chúng ta hãy trân quý cuộc sống hiện tại của mình hơn. Khổ đau và đáng thương ư, ngoài kia có biết bao nhiêu người chỉ ước được cuộc sống như bạn.