“Rượu nhạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”
Mọi sự trên đời nên dừng lại ở mức vừa đủ là đẹp, ít quá thì không tốt mà nhiều quá cũng không hay. Chỉ khi duy trì ở một mức độ hợp lý, mọi chuyện mới trở nên hài hòa với nhau. Giống như câu ca dao trên, rượu tuy nhạt nhưng uống mãi cũng say, người khôn ngoan nói nhiều cũng thành ra dại.
Sống trên đời, biết gì thì biết cũng không qua được biết điều. Lúc cần thể hiện bản thân thì đừng khiêm tốn, lúc không cần thiết nên biết cách khiêm nhường. Đừng tự cho mình là trung tâm của mọi cuộc vui, chưa biết trong số những người cười nói dưới kia ai mới là người đang cười vui thật?
“Rượu nhạt uống lắm cũng say”
Rượu có nhạt thì cũng là rượu, cũng có cồn, có men làm cho người ta say. Hễ uống rượu là phải say, uống nhiều say nhiều còn uống ít thì say ít. Cho dù vị nó có như thế nào thì bản chất nó cũng là rượu, uống lắm cũng có khi chếch choáng quên lối về. Những thứ trông bình thường như thế, trông vô hại như vậy mới dễ làm người ta lơ là mất cảnh giác. Mà khi giật mình nhận ra thì mình đã hết biết trời đất là gì rồi.
Quá khiêm tốn sẽ thành tự ti, quá tự tin sẽ sinh ra kiêu ngạo. Buồn quá nhiều sinh ra trầm uất, còn cười quá trớn thì lại hóa điên. Thế nên, chúng ta cần nhất là biết điểm dừng. Đâu phải cái gì tốt và tích cực cũng nên được làm quá lên? Món ngon ai cũng muốn ăn, nhưng ăn quá nhiều lại thành ngán, chưa kể ăn no khó thở và khó chịu trong người. Siêng năng làm việc là tốt nhưng làm việc nhiều sinh ra suy nhược và ốm đau thì lại không hay.
Bởi vậy, mọi việc ở trên đời nên dừng lại ở mức cân bằng, cái gì quá cũng không tốt. Nói nhiều tất nhiên không tốt, nói ít cũng không hay. Lời hay ai cũng thích nghe nhưng nói mãi thành ra giả dối và xu nịnh. Chuyện vui ai cũng muốn thưởng thức nhưng kể mãi cũng sinh ra nhàm,…Cần nhất là chúng ta kiểm soát được mọi chuyện, kiểm soát cả bản thân mình và người đối diện. Có như thế, bạn mới trở nên khôn ngoan và điều khiển được cuộc sống của mình hơn.
“Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”
Hồi tôi học năm hai, lớp tôi có một bạn mới chuyển về. Ngày đầu tiên đi học, bạn ấy đã gây ấn tượng với cả lớp về kiến thức và trình độ anh ngữ của mình. Nhất là đối với những đứa có xuất thân từ vùng sâu vùng xa trong lớp như tôi, bạn ấy thật sự rất đỉnh. Dần dần, bạn ấy càng thể hiện khả năng của mình nhiều hơn và cũng dành nhiều sự tán thưởng trong ánh mắt thầy cô. Mọi chuyện tưởng chừng cứ như vậy nhưng một thời gian sao, hầu như ai cũng không còn thích bạn ấy nữa ngoại trừ thầy cô.
Xem thêm bài viết tham khảo: “Một miệng thì kín, chín miệng thì hở”
Bởi vì sao ư? Vì sự tự tin thái quá khiến bạn ấy trở nên kiêu ngạo và thích chơi trội. Chúng tôi đều đã trưởng thành, chúng tôi cũng hiểu thế nào là thể hiện bản thân một cách đúng mực. Bạn ấy luôn muốn trở thành tâm điểm trong mọi cuộc vui từ học hành đến tiệc tùng. Bạn ấy hầu như chiếm sóng hoàn toàn và không để ai thể hiện. Dần dần, bạn ấy coi thường tất cả chúng tôi và tự cho mình là thông thái nhất.
Những kiến thức mới, những lời nói hay nay bỗng trở nên kệch cỡm và sáo rỗng. Hóa ra, người khôn ngoan phải là người biết đâu là điểm dừng. Người ta không nói chắc gì vì người ta không biết. Những người giỏi giang đang đứng đó nhìn bạn “múa may may quay cuồng” và cảm thấy thú vị trong lòng đấy.
Cái gì vừa đủ sẽ đẹp
Bạn có dám tự tin nói rằng mình là người giỏi giang nhất không? Nếu không, hãy bớt đi sự kiêu ngạo lại. Mỗi chúng ta đều nên sống tự tin nhưng tự tin và kiêu ngạo lại cách nhau một lằn ranh quá mong manh. Chỉ cần sơ sẩy một chút, bạn sẽ biến thành kẻ “dại” ngay tức khắc.
Người ta bảo “Lúa càng nặng càng cúi đầu”, vậy ra người giỏi chưa chắc lúc nào cũng muốn thể hiện. Mà một khi bạn đã giỏi, bạn thực chất không cần phải chứng minh điều đó cho ai xem. Người ta sẽ tự biết rồi tự ngưỡng mộ và nâng bạn lên bằng lý lẽ của chính họ.
Xem thêm bài viết tham khảo: “Thùng rỗng kêu to”
Cha tôi từng nói “Hơn thua nhau là bản tính của con người, ai cũng muốn thể hiện bản thân và cũng không ai cấm điều đó. Nhưng bản thân mình nên xác định mình cần cái gì, những lời khen hào nhoáng bên ngoài liệu có khiến mình trở nên tốt hơn. Khi bản thân con thật sự giỏi, con sẽ không cần phải ra sức chứng minh điều đó, hãy âm thầm thực hiện điều con muốn thôi.”
“Họa từ miệng mà ra”
Nói nhiều hay nói ít đều không tốt nên tốt nhất là nói đúng những cái cần nói. Bởi vì, nói nhiều thì hay lỡ lời và gây họa vào thân, việc cần nói mà không nói thì cũng sinh chuyện không tốt. Thế nên, cái gì cũng nên giữ ở mức vừa đủ. Biết lắng nghe, đoán định thời cơ thích hợp để phát biểu nếu không muốn mang vạ vào thân.
Con người đều có tính tò mò và nhiều chuyện, câu chuyện sẽ không có gì ghê gớm nếu tất cả mọi người đều nói sự thật. Nhưng không, mỗi người thêm bớt một chút để câu chuyện trở nên sinh động hơn. Mà cái sinh động đó đôi khi có thể giết chết một mạng người, phá nát một gia đình,…Nhân quả ở đời, “ăn không nói có” là một cái tội rất nặng.
Thế nên, người ta mới bảo “Họa từ miệng mà ra”. Biết giữ mồm giữ miệng thì ít thị phi vây vào người, ngược lại thích hóng hớt và buôn chuyện thì họa từ đâu bay lại có ngày. Đừng để bản thân phải hối hận vào một tình huống quá muộn màng. Hãy học cách nghe nhiều nói ít, suy nghĩ kỹ trước mỗi lời nói của mình.
Lời kết
“Rượu nhạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”
Rượu tuy nhạt nhưng chung quy vẫn là rượu, uống nhiều sẽ say. Lời tuy hay những nói nhiều cũng thành dại, sinh ra chuyện. Vậy cho nên, mỗi người chúng ta nên biết đâu là đủ, biết đâu là điểm dừng để cuộc sống của mình trở nên an yên hơn.