Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn thể hiện tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương. Nó biểu thị ý thức tự chủ và niềm tự hào dân tộc chính đáng.
Con người, ai cũng có gia đình, xã hội, môi trường sống của mình. Chúng ta cần trân trọng những cái của mình, sử dụng nó hơn là đi nhờ vả, sử dụng của người khác. Câu ca dao đã đề cao rất rõ ý thức độc lập, phủ định kiểu sống nhờ, sống dựa, sống phụ thuộc vào người khác.
Xem thêm bài viết: Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt
Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn
Từ bao đời nay, ao đã là hình ảnh quen thuộc với người dân Việt Nam ta. Cái ao dù nhỏ cũng đã trở thành một không gian văn hóa của mọi gia đình. Ao là nơi tắm, giặt giũ là nguồn nước để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Thậm chí còn là nơi tỏ tình, hò hẹn của lứa đôi.
Cái ao đã từng đi vào văn học với những hình ảnh bình dị và đẹp đẽ. Ta nhớ đến chiếc ao trong thơ Nguyễn Trãi:
“Ao cạn vớt bèo cấy muống,
Đìa thanh phát cỏ ương sen.”
Hay ý thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”
Rồi còn có cả Lục bát đêm trăng của Khuất Quang Thảo:
“Cùng em gánh nước cầu ao,
Để câu lục bát rơi vào mắt nhau.”
Cái ao là một biểu tượng của gia đình, quê hương, xứ sở. Nó gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của người dân cày quê ta. Được tắm mát ở ao nhà, được vùng vẫy với bao kí ức tuổi thơ là ước mong của biết bao người.
Câu ca dao Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn như muốn đưa ta về với quá khứ đẹp đẽ. Đồng thời còn mang đến những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là con người luôn chạy theo những thứ xa vời. Cho đến khi thất bại, nhìn nhận lại, mới thấy những điều tốt đẹp gần gũi mình bấy lâu nay mà không hề hay biết.
Ta về ta tắm ao ta
Vế đầu của câu ca dao có 6 chữ: Ta về ta tắm ao ta. Thế nhưng trong 6 chữ ấy đã có tới 3 chữ “ta”.
Chữ “ta” được nhắc đi nhắc lại nhiều biểu lộ niềm tự hào và tấm lòng yêu quý đối với gia đình, quê hương. Nó còn thể hiện một quan niệm, một triết lí sống đẹp: tự tôn tự cường, tin yêu mình.
Ta về ta tắm ao ta mong muốn ta trân trọng những giá trị tốt đẹp do mồ hôi và xương máu mình xây dựng nên. Dù đó có là những thành tựu hay vật chất nhỏ bé thì cũng đáng để ta tự hào.
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn
Vế thứ hai là một so sánh ao nhà với ao người. Ao người thì xa lạ. Còn ao nhà thì thân thiết yêu thương. Vì thế dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Niềm tự hào, ý thức tự lập tự cường một lần nữa được khẳng định.
Dẫu ao có trong hay có đục thì ao nhà vẫn hơn ao người. Ý thơ chan chứa tình yêu quê hương vốn có ở mỗi con người. Cái gì của mình là hơn cả. Có xấu, có tốt gì thì cũng của ta, ta làm chủ nó vẫn hơn là của người. Của người có đẹp cách mấy, có sang cách mấy đối với ta cũng là xa lạ, không tự nhiên, không gần gũi được.
Ý tứ của câu ca dao không chỉ dừng lại ở nét nghĩa này. Nó được hiểu rộng ra trong cuộc đời của mỗi người, những sự vật gần ta thì thường bị ta quên đi.
Trong dòng chảy thời gian, con người ta bị lôi kéo đến những chân trời khác biệt. Ở đó, ta luôn mơ ước, muốn chạm đến những thứ xa hoa, đẹp đẽ. Đôi khi ta quên mất những điều bình dị xung quanh mình.
Chỉ có những thứ bình dị ấy mới mang đến cho con người một tâm hồn thanh thản, an nhiên.
Tham khảo thêm bài viết: Lùi một bước tiến ngàn dặm
Cần lưu giữ những truyền thống đẹp đẽ
Càng đọc ta càng thấm thía ý nghĩa của lời ca dao. Nó mang một tình cảm có tính chất địa phương cục bộ, chỉ bó buộc ở làng mình, quê mình, nhưng tình cảm ấy lại rất thiêng liêng cao quý.
Nó kêu gọi, nhắc nhở ta nhớ về cội nguồn, nhớ về tổ tiên, về quê cha đất tổ của mình.
Lời ca dao còn khơi gợi trong ta trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ tài sản quý giá của ông cha bao đời nay. Đừng để cái mới của người làm mờ đi truyền thống cũ. Vì “ao người” đẹp, “ao người” sang mà chạy theo “ao người”, bỏ lơ “ao mình”.
Ý nghĩa của câu ca dao còn xuất phát từ tâm lí tự do làm chủ, thoải mái trong sử dụng so với khi phải đi nhờ, đi mượn của người khác. Tôn trọng “cái ao” của mình là tôn trọng chính bản thân mình.
Ngày nay, tư tưởng đó càng đúng đắn. Khi hội nhập với thế giới, giáo dục lòng tự hào, yêu quý đất nước mình, trân quý những thứ do mình làm ra là vô cùng quan trọng.
Đừng sống bảo thủ, trì trệ
Tuy nhiên, ta cũng phải thành thật và sáng suốt nhìn vào thực tế. Lối sống bằng lòng theo kiểu dù trong, dù đục đôi khi là bảo thủ, trì trệ. Đó là khi ta cứ khư khư giữ lấy những thứ đã già cỗi, lạc hậu.
Xã hội ngày càng phát triển, buộc con người cũng phải phát triển theo. Có những truyền thống, những phong tục không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Xóa bỏ những hủ tục, những lễ nghi không cần thiết chính là một việc làm văn minh.
Với mỗi cá nhân, thái độ an phận, tự bằng lòng, tâm lí tự cao mù quáng sẽ kìm hãm sự phát triển của bản thân. Biết cách chọn lọc những thứ hợp với hoàn cảnh và con người là điều cần thiết.
Hòa nhập mà không hòa tan
Thế kỉ XXI là thế kỉ của nền văn minh trí tuệ. Việt Nam mở cửa đón gió mát bốn phương với rất nhiều thời cơ và thách thức lớn. Nhân dân ta sẽ “tắm” ao hồ của người khắp bốn phương nhưng vẫn không bao giờ quên cái mát trong của ao nhà.
Muốn hoà nhập mà không bị hoà tan. Muốn mở cửa nhưng không bị biến thành cái bóng mờ của thiên hạ thì phải phát huy nội lực, nêu cao tinh thần tự lực tự cường để tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
Điều kiện lịch sử và xã hội càng đổi thay, con người Việt Nam càng phải phát huy cao độ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần tự lập tự cường.
Đồng thời phải biết hoà hợp, vừa phát huy nội lực và tiếp thu các thành tựu khoa học kĩ thuật, văn hoá tiên tiến của các nước. Một mặt phải chống tư tưởng bảo thủ, khép kín, mặt khác biết giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc, nhất là nền văn hoá Việt Nam.
Lời kết
Dù xã hội có ít nhiều thay đổi, nhưng cái tâm, cái chất phác, thật thà, trong sáng của con người Việt Nam đối với gia đình, quê hương, đất nước vẫn rất đáng quý. Câu ca dao Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn mang đến những ý tứ sâu sắc. Biết người, biết ta, biết tự trân trọng những thứ thuộc về mình và sẵn sàng thay đổi là bài học mà ta phải dùng cả đời để ghi nhớ và thực hiện.
Xem thêm: Bé người to con mắt