Bạn có tin vào sự công bằng trong cuộc sống? Có lẽ rằng, chúng ta đều mong muốn được đối xử công bằng nhưng bản thân đôi khi lại không như thế với người khác. Có phải vị kỷ là căn bệnh chung của tất cả chúng ta hay nhiều yếu tố của xã hội đã làm mình bị chi phối. Tại sao sinh ra sự bất công giữa những người, những sự vật, sự việc như nhau? Thành ngữ có câu “Bên trọng bên khinh”, đây là một nguyên lý mà chúng ta phải luôn ghi nhớ. Vì khi phạm phải sai lầm này, bạn có thể sẽ mất đi nhiều mối quan hệ tốt đẹp khiến bản thân hối hận đấy.
“Bên trọng bên khinh”
Câu thành ngữ “Bên trọng bên khinh” quá rõ ràng để phản ánh tình trạng bất công và thiên vị. Một bên thì bạn xem trọng, còn một bên thì coi như không xem ra gì. Chúng ta có thể thấy được rất nhiều trường hợp trong cuộc sống để minh chứng cho câu thành ngữ này.
Điển hình nhất là ở các cặp vợ chồng, việc đối đãi với nhà nội và nhà ngoại có chút khác biệt. Tất nhiên rằng, chúng ta không quy chụp cho tất cả các cặp đôi nhưng phần nhiều tôi nhìn thấy là như vậy. Cái này còn phụ thuộc vào thu nhập và quyền hành trong nhà của chồng hay vợ lớn hơn. Nếu chồng hơn thì ưu tiên nhiều phần nội, còn vợ hơn thì phần ngoại được nhờ.
Tôi đã từng nghe câu chuyện người chồng biếu nhà nội món quà mấy mươi triệu, còn bên ngoại thì đề xuất với vợ lì xì ông bà một triệu. Người vợ thất vọng vô cùng và sinh ra cải vã, đâu đó chúng ta thấy mầm mống của sự đổ vỡ và cô vợ muốn ly hôn. Tuy nhiên, chúng ta không phải là người trong cuộc, không thể phán xét mọi việc chỉ qua một hành động của người chồng. Thế nhưng, nghĩ lại cũng thấy thật là buồn.
Xem thêm bài viết tham khảo “Có mới nới cũ”
Sự thiên vị quá đáng dẫn đến tan vỡ những mối quan hệ
Nếu như việc yêu thương và đối đãi không công bằng giữa bên nội và ngoại được xem là chuyện bình thường thì giữa con cái trong gia đình lại khiến nhiều người suy ngẫm.
Tôi có một đứa bạn thân và tôi gọi nó là “đứa con ghẻ của gia đình”. Cả tôi, nó và những người xung quanh đều thấy khó hiểu về thái độ của mẹ nó với hai chị em nó. Nó có một đứa em trai được cưng chiều hết mực, còn nó nói không quá như con ghẻ của gia đình. Tôi luôn nghĩ, chẳng lẽ thời này còn “trọng nam khinh nữ”, nhưng hình như nguyên nhân không nằm ở đó. Phải có một sự khẳng định rằng, con bạn tôi chính là con ruột của mẹ nó nhưng bà ấy chưa từng dành yêu thương cho riêng nó.
Nó thường tỉ tê với tôi, từng khóc và nghẹn ngào khi nhắc về mẹ. Tôi cũng đã từng chứng kiến ánh mắt âu yếm của mẹ dành cho mình nhưng nó thì chưa bao giờ. Hơn hai mươi năm nay, tiếng “mẹ” chỉ là sự nghi thức và lạnh nhạt. Nó chỉ mong một lần được bà ấy yêu thương. Chúng tôi chẳng hiểu từ đâu có sự khác nhau, “Bên trọng bên khinh” như vậy nhưng đành chấp nhận nó như một quy luật bất biến ở đời.
Có ai mà không muốn công bằng
Tôi tin rằng, chúng ta đều muốn được đối xử công bằng và tử tế. Mà muốn có được điều đó, trước hết bạn phải tử tế và công bằng với người khác đã.
Bạn có bạn giàu, bạn nghèo, bạn sang hay bạn hèn nhưng chung quy vẫn mang một tiếng “bạn”. Đừng vì nó có chút danh tiếng hay của cải mà thân thiết, xu nịnh; cũng đừng chê bạn cơ hàn mà hắt hủi, khinh khi. Cuộc sống là một chuỗi những bất ngờ, chúng ta đâu biết trước ngày mai cuộc đời sẽ ra sao. Có thể người mà hôm nay bạn xem nhẹ lại là người bạn phải cầu cạnh trong tương lại. Vậy nên, sống đừng để vật chất lấn át tình nghĩa. Chúng ta vì miếng ăn, cái lợi mà quên đi đạo lý thì có xứng đáng làm người nữa không.
Xem thêm bài tham khảo “Ai ơi chớ vội cười nhau/Cười người hôm trước, hôm sau người cười.”
Xã hội bây giờ
Cái xã hội bây giờ lạ lắm, người ta cứ muốn “quý nhau vì đồng tiền”, ngay cả cho đi cũng tính toán thiệt hơn. Tùy theo người đối diện là ai mà chọn món quà phù hợp. Người giàu thì cho quà sang trọng, còn người nghèo thì làm qua loa như một nghĩa vụ. Dù những người đó có khi cùng là họ hàng hay thậm chí là anh, chị, em ruột của mình. Họ hàng nghèo thì có ai xem trọng, bệnh sắp chết cũng chẳng có người buồn quan tâm. Còn người có của, ho sốt một tí là có kẻ đem thuốc thang và đồ bổ đến. Nhiều khi nghĩ mà thấy xã hội bạc bẽo đến như vậy.
Ngay cả người trong gia đình, người mình gọi là thân thiết cũng đối xử với nhau như thế thì còn biết tin vào ai. Người trong còn tính toán chứ nói gì người ngoài. Người ta nói “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” mà có phải vậy đâu.
Ngay cả trẻ con bây giờ cũng thế, bên nội giàu có thì ngoan ngoãn, lúc về ngoại ở thôn quê thì chê ỏng chê eo. Nhiều lúc, tôi nghĩ phần lớn là do ảnh hưởng từ cha mẹ. Trẻ nhỏ không giáo dục lớn lên sẽ khó dạy hơn rất nhiều. Cùng là ông bà của mình thì là sao có kiểu “Bên trọng bên khinh” như thế được.
Lời kết
Câu thành ngữ “Bên trọng bên khinh” là lời nhắc nhở của ông cha ta về quy tắc ứng xử ở trên đời. Chúng ta muốn được tôn trọng và đối đãi công bằng thì người khác cũng như vậy. Ở đời, đạo nghĩa mới là cái nên được xem trọng chứ không phải vật chất và danh vọng. Mọi thứ phù du mất rồi có thể gầy dựng lại nhưng tình cảm mất đi thì cũng như một chén nước bị đổ mà thôi.
Chúng ta sống như thế nào thì sẽ được nhận lại như thế ấy. Nếu muốn nhận lại điều gì, trước tiên, bạn hãy biết cách cho đi. Có những mối quan hệ một khi đổ vỡ là không thể cứu vãn. Đừng để tháng ngày sau này, bạn sẽ phải sống trong hối tiếc và day dứt khôn nguôi…