Thuở đời, đâu có ai cho không ai một cái gì. Mọi sự đều phải trả bằng một cái giá nhất định, cũng giống như có làm thì mới có ăn, muốn ăn thì phải chăm làm. Giả sử có những người rất tốt, họ bao dung và giàu lòng bác ái. Họ sẵn sàng cho đi, sẵn sàng giúp đỡ mà không đòi hỏi nhận lại. Có đấy, nhưng họ chỉ giúp những người thật sự cần được giúp. Đó là những người không thể cố gắng hoặc luôn không ngừng cố gắng. Còn kẻ ham ăn biếng làm à, không được bao lâu đâu. Thành ngữ Việt Nam có một câu rất hay “Muốn ăn thì lăn vào bếp”.
“Muốn ăn thì lăn vào bếp”
Sự lười biếng xưa nay không tạo ra được một giá trị gì cả. Nó chỉ khiến con người ta “chết dần chết mòn” trong sự ảo tưởng hay mộng mơ. Không làm thì lấy gì mà ăn, không làm rồi không ăn thì làm sao mà sống? Cũng như “Muốn ăn thì lăn vào bếp” vậy. Bạn cứ nằm đó, không chủ động cũng không cố gắng thì làm sao nhận được giá trị gì. Ở đời, phải cho đi trước rồi mới nhận lại sau được. Muốn tồn tại phải hiểu hoàn cảnh mình đang sống, không chịu hòa nhập thì sẽ sớm bị đào thải ngay thôi.
Đừng quá trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác vì nó chẳng qua cũng chỉ là một phần nhỏ trên con đường mà chúng ta phải đi. Ai cũng bận bịu với cuộc đời của riêng mình và chẳng có ai rỗi rảnh để xuất hiện và giúp bạn mãi được. Chỉ có bản thân mình mới tự giúp mình một cách hoàn hảo nhất thôi. Tự chủ động cứu lấy mình và tô vẽ cho cuộc sống mà bản thân hằng mong muốn.
Đời không có chuyện dễ dàng
Lúc nhỏ, chúng ta luôn cần sự hỗ trợ của người lớn. Từ việc ăn, mặc cho đến đi, đứng và sinh hoạt thường ngày. Lớn hơn một chút, vài việc vẫn còn đến họ. Ví như cần mẹ nấu cho đồ ăn, cần cha đóng lại chiếc bàn học, cần bà khâu cho cái áo rách,…Nhưng dần dần, chúng ta đều phải trưởng thành. Lớn lên và bước ra dòng đời ngoài kia và “chiến đấu” với nó. Chỉ có khi đứng lên đôi chân của mình, chúng ta mới thật sự cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện.
Bạn không học bài nhưng lại muốn điểm cao; bạn không làm việc nhưng lại muốn được khen thưởng; bạn cứ ngồi ở đó nhưng lại muốn thật nhiều tiền,…? Ở đâu ra vậy, trên đời có chuyện dễ dàng như vậy sao? Không đâu, tất cả đều phải đánh đổi bạn tôi ơi. Chúng ta chủ động làm việc thì mới nhận lại được kết quả như mong muốn.
“Muốn ăn thì lăn vào bếp” mà, bạn muốn ăn thì phải tự nấu mà ăn chứ? À mà thậm chí không thích nấu thì bạn có thể mua ăn. Nhưng muốn mua thì phải có tiền, mà tiền đó từ đâu ra? Tiền có tự chạy vào túi của ai đâu, mình phải lao động thì mới mong có được chứ.
Hãy học cách phấn đấu khi muốn đạt được một điều gì.
Mỗi người sinh ra đều mang trên mình quyền lợi và nghĩa vụ. Chúng ta có quyền tự do sống theo ý của mình nhưng cũng mang nghĩa vụ tạo ra những giá trị hữu ích cho cuộc đời. Nói là nói vậy thôi chứ bạn tự nuôi sống mình, không gây hại hoặc ăn bám xã hội đã là một điều đáng quý rồi. Trên đời, có rất nhiều người khổ hơn mình. Hãy dành sự giúp đỡ “miễn phí” cho những mảnh đời kém may mắn hơn. Chúng ta còn tay chân, còn có khả năng lao động thì đừng ở đó chờ người khác “bố thí”. Đừng để bản thân phải xấu hổ khi nghĩ về những năm tháng lười nhác của mình.
Khi bạn muốn đạt một điều gì đó, hãy phấn đấu để có nó. Tuổi trẻ rất đẹp, bạn có thể bỏ mặc tất cả mà chạy theo đam mê của riêng mình. Thoải mái thử tất cả những điều mà bạn muốn, vấp ngã thì đứng dậy phủi gối mà đi tiếp. Đôi lần thành công để cảm nhận cái tuyệt vời khi nhìn công sức mình bỏ ra được đền đáp xứng đáng. Thật ra, tôi luôn nghĩ rằng mình đừng chọn an nhàn ở những năm tháng còn có thể cố gắng được. Vì tuổi già vốn đến rất nhanh, xoay đi xoay lại tóc đã điểm màu mà mình chưa làm được gì. Thế thì tiếc lắm!
Thời gian chưa bao giờ vì ai mà dừng lại
Chúng ta vừa sống và vừa chạy đua với thời gian. Có quá nhiều chuyện cần làm và muốn làm nhưng chúng ta thì chỉ có một. Vì thế hãy không ngừng phấn đấu, tiến về phía có ánh mặt trời đang vẫy gọi. Chỉ khi tin vào điều mình muốn làm và tin vào bản thân thì mới thành công được. Sự lười biếng đôi khi làm ta thư thái một chút nhưng nó lại gây ra những hệ lụy không thể cứu vãn. An nhàn một vài giây phút rồi khốn đốn cả đời. Cái giá này thật cũng quá đắt rồi.
Ông bà ta bảo “Muốn ăn thì lăn vào bếp”. Có làm thì mới có ăn, có bỏ công mới mong nhận quả ngọt. Đừng trông chờ vào ai cả vì có ai thương mình bằng mình đâu chứ. Chỉ tự mình cố gắng, tự mình thành công thì mình vừa vui mà người ta cũng không có gì để bàn cãi. Nếu mãi trông chờ vào người khác, thế là dù có đạt được gì cũng sẽ nhận được mỉa mai và thương hại. Chúng ta nghĩ gì trong những năm tháng an nhàn ngồi đó mà phải hứng chịu ánh mắt của người đời.
Thà tự mình chịu cực chịu khổ rồi hưởng thành quả. Lúc đó quả vừa ngọt mà mình lại vừa vui. Thế mới hay, có ai cho không ai cái gì bao giờ mà mình cứ trông chờ. Ngay cả bố mẹ cũng không thể nuôi mình mãi được và cả núi vàng chỉ tiêu mà không làm lụng thì cũng có ngày hết sạch thôi. Thời gian có dừng lại vì ai bao giờ, thế nên không phấn đấu bây giờ thì là bao giờ chứ?
Kết
“Muốn ăn thì lăn vào bếp”, muốn đạt cái gì thì cứ xông xáo lên mà làm thôi. Hôm nay không được thì hôm mai, hôm kia cứ cố gắng tiếp tục. Người xưa dạy “Có công mài sắt có ngày nên kim” mà. Chỉ khi chúng ta tự thân vận động vì điều mình muốn thì kết quả nhận lại mới là quả ngọt được. Mà ăn quả ngọt thì cái kết chỉ có hạnh phúc thôi.