Tình cảm gia đình là một trong những tình cảm đẹp và gây cho người ta nhiều cảm xúc nhất. Những người có quan hệ ruột thịt với nhau thường được gắn kết bởi một sợi dây yêu thương vô hình. Nhờ đó, họ san sẻ, chăm sóc và giúp đỡ nhau cùng đi lên.
Ông bà ta có câu “Máu chảy ruột mềm”. Nhìn thấy người thân vui vẻ thì mình cũng vui lây, còn ngược lại, thấy họ đau đớn thì bản thân cũng không thể bình thường được.
Hãy trân trọng những tình cảm tốt đẹp
Xét về nghĩa đen, câu tục ngữ này khá đơn giản và dễ hiểu. Khi máu chảy thì lòng đau, lòng đau thì ruột mềm và quặn thắt. Qua đó ám chỉ mối quan hệ ruột thịt giữa những người có máu mủ cùng nhau, khi người kia gặp khó khăn thì người này cũng không được vui vẻ. Hay suy rộng ra giữa người với người, chúng ta thấy kẻ hoạn nạn trong lòng cũng không lấy làm dễ chịu được.
Truyền thống “Tương thân tương ái”, giúp đỡ lẫn nhau của dân tộc ta từ xưa đến nay vẫn còn lưu giữ và phát huy tốt. Ra đường, chúng ta thấy người bị nạn sẽ ra tay tương trợ mà không cần nhận lại lợi ích gì. Bởi vì, giúp đỡ người khác cũng là một trong những cách mang lại niềm vui cho bản thân.
Nói về câu tục ngữ “Máu chảy ruột mềm”, chúng ta càng cảm thấy trân trọng hơn về tình cảm giữa mọi người với nhau. Những người thân thiết, có quan hệ máu thịt yêu quý nhau là lẽ thường tình. Đã gọi là người một nhà thì chuyện cùng nhau chai sẻ niềm vui hay nỗi buồn là chuyện rất hợp lý. Đây là một điều đáng quý và giúp nâng cao giá trị tình cảm của mọi người với nhau.
Cảm giác gia đình
Anh em trong nhà thường chảy chung một dòng máu nên ai có cảm xúc như thế nào thì những người khác ít nhiều cũng bị chi phối. Bởi vậy nên mới thấy, gia đình giàu có thì anh em cùng giàu và gia đình nghèo khó thì ngược lại. Lẽ dĩ nhiên, không phải tất cả gia đình nào cũng vậy nhưng phần lớn là đúng.
Xem thêm bài viết tham khảo “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”
Lúc tôi còn nhỏ, điều tôi tự hào nhất là gia đình của mình. Đại gia đình tôi cũng chỉ tầm hơn mười người gồm ông bà, cha mẹ, cậu dì,…Chúng tôi lúc nào cũng yêu thương và giúp đỡ nhau trong mọi chuyện lớn nhỏ. Cứ mỗi khi rảnh rỗi, cả nhà lại tụ họp quây quần bên nhau, nấu ăn và trò chuyện vui vẻ. Cuộc đời mệt mỏi và khó cũng dần vơi đi nhờ những niềm vui nho nhỏ như thế. Để rồi, những đứa nhỏ như chúng tôi sống trong môi trường đó, trưởng thành và cư xử như cách những người đi trước. Giữa chúng tôi, tình cảm là thứ luôn đong đầy.
Dù bây giờ mỗi người một nơi, thời gian quây quần bên gia đình cũng ít đi và mỗi người đều quay cuồng trong cuộc sống của riêng mình. Thế nhưng mỗi lần gặp lại, chúng tôi đều giống như chưa từng có cuộc chia ly, vẫn giữ được vẻ tự nhiên trước kia và thậm chí lại càng gắn kết hơn. Tôi luôn nghĩ cuộc sống rất ngắn ngủi và vô thường nên việc dành tình cảm với những người mình yêu thương là điều phải làm ngay khi có thể.
“Máu chảy ruột mềm”
Ông bà ta nói “Máu chảy ruột mềm” quả thật không sai. Chỉ cần là người thân ruột thịt, dù họ có sai đến đâu nhưng khi thấy họ gặp cảnh sa cơ thì lòng không đau mới lạ. Tôi đã từng chứng kiến những câu chuyện như vậy, cứ lang thang mãi rồi cuối cùng cũng trở về bến đỗ mang tên “gia đình”. Gia đình tốt với bạn vô điều kiện, còn những người ngoài kia có điều kiện mới tốt với bạn.
Ở xóm tôi có một chị gái ăn chơi, ngỗ nghịch với cha mẹ, không lo học hành mà tụ tập bạn bè nhậu nhẹt chơi bời. Người mẹ nước mắt bất lực còn người bố thì nóng nảy đòn roi. Thế nhưng theo năm tháng, những đòn roi đã không còn khiến chị khiếp sợ. Vào một ngày tự cảm thấy mình đủ lông đủ cánh, chị gom hết đồ đạc đáng giá trong nhà đi theo tiếng gọi của tình yêu. Lúc đó, bố chị nổi giận đòi từ mặt, bà mẹ già ngồi ủ rũ không khóc nổi. Một gia đình vốn đã đơn chiếc nay lại thêm ảm đạm.
Một thời gian sau, chị bụng mang dạ chửa về hối hận cầu xin cha mẹ tha thứ. Người yêu tay chơi hết tiền là trở mặt, bạn bè ngày xưa thấy chị sa cơ cũng liên tục chối từ. Một thân một mình yếu ớt không làm gì nổi, chị chỉ còn gia đình. Ông bố nói cứng đuổi chị ra khỏi nhà, bà mẹ lại khóc lóc van xin ông. Những tưởng chị lại phải một lần nữa ra đi nhưng “Máu chảy ruột mềm”, nói thế nào cũng con mình mà làm sao bỏ được.
Có một nơi để quay về là hạnh phúc
Cứ theo lẽ thường của tự nhiên và tôi lại thấy chị vui vẻ với hạnh phúc nhỏ của mình. Chị trở nên giỏi giang và hiếu thảo đến bất ngờ. Mọi người giờ đây đã thôi soi mói và quý chị như những người hàng xóm tốt bụng khác. Có rất nhiều câu chuyện tương tự như thế, người có cùng máu mủ đâu thể nói bỏ là bỏ. Chỉ có con cái bỏ cha mẹ chứ nào có cha mẹ nào muốn bỏ rơi con cái. Có chăng, những con người đó thật sự không được xem là cha mẹ nữa rồi.
Có những người cảm thấy cuộc sống thật bế tắc, chúng ta lại nhớ đến gia đình nơi quê nhà. Ở đó chỉ có ngôi nhà tranh vách lá, bình dị nhưng lại rất vui vẻ. Xã hội ngoài này sao khắc nghiệt, người ta giả lả vui cười mà chẳng mấy thật tâm.
Những đứa con lầm đường lỡ bước hãy mạnh dạn mà quay về, cha mẹ lúc nào cũng mong ngóng chúng ta quay đầu làm lại con người mới. Còn những bạn đã sống tốt, hãy cố gắng nhiều hơn cho tương lai và để gia đình yên tâm về mình.
Đoạn kết
Đi qua năm tháng cuộc đời, chúng ta rồi cũng có ngày mỏi gối chùn chân và muốn tìm cho mình một bến đỗ an bình. Đó là gia đình, nơi những người yêu thương đang hàng ngày mong nhớ bạn. Chúng ta có thể đã từng sai, đã từng làm họ buồn nhưng sau tất cả, chúng ta vẫn sẽ được đón nhận như ngày mới cất tiếng khóc chào đời.